Đại hội tôn vinh những điển hình thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII vừa khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội. Đây là nơi hội tụ của 1.500 người con ưu tú của nước Việt, đại diện cho phong trào thi đua yêu nước đến từ mọi thành phần, giai cấp, nghề nghiệp trong xã hội.
|
Thượng tá Trần Hữu Lưu |
Trong đó, có Thượng tá Trần Hữu Lưu, Đội trưởng Đội quy tập hài cốt liệt sĩ 584 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị), người đã được Chủ tịch Nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.
Vượt lên chính mình từ câu tự vấn
Sinh ra trên tuyến lửa Vĩnh Linh, nơi phải chịu nhiều đau thương mất mát trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tháng 2/1982, anh thanh niên Trần Hữu Lưu tình nguyện lên đường nhập ngũ. Sau khi hoàn thành khóa huấn luyện tân binh, anh được biên chế vào Sư đoàn 968, làm nhiệm vụ quốc tế ở nước bạn Lào.
Những năm tháng ấy, khi cùng với đồng chí, đồng đội vượt núi băng rừng hành quân tiễu phỉ, anh đã bị nhiễm chất độc da cam. Thế nên khi anh Lưu lập gia đình, bất hạnh đã ập xuống gia đình anh vì cả hai đứa con đều bị nhiễm chất độc, chịu cảnh tàn tật suốt đời.
Năm 1995, cảm thông trước hoàn cảnh gia đình anh chồng đi công tác xa biền biệt, vợ một mình lo toan hai đứa con bệnh tật, quanh năm đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác nên cấp trên đã điều động anh Lưu về nhận công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị. Rồi sau đó hơn một năm, tháng 10/1996 anh lại được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh giao nhiệm vụ mới là Đội phó Đội 584 làm nhiệm vụ quy tập hài cốt liệt sĩ.
“Khi nhận nhiệm vụ, tôi rất băn khoăn, lo lắng vì hoàn cảnh gia đình tôi hết sức khó khăn... Nhưng rồi tôi lại nghĩ, biết bao nhiêu đồng chí, đồng đội của mình đã hy sinh, cống hiến trọn đời cho quê hương, đất nước, nay chưa được quy tập về nghĩa trang, về với gia đình. Biết bao nhiêu người bố, người mẹ đau đáu chờ con trong mỏi mòn khắc khoải", anh Lưu tâm sự. "Mình là một cán bộ, đảng viên đã có những tháng năm sống, chiến đấu ở nước bạn, đã phần nào hiểu được những gian khổ, mất mát, hy sinh của những người đồng chí, đồng đội. Đất Lào cũng là nơi mình từng lăn lộn, ăn sương, nằm đất, đã hiểu được một số phong tục tập quán, tiếng của nước bạn, có nhiều thuận lợi hơn những đồng chí khác. Nếu mình không thực hiện công việc này thì ai sẽ làm?”.
Rồi từ câu tự vấn đó, anh đã vượt lên chính mình, vượt lên hoàn cảnh khó khăn của gia đình để quyết tâm nhận nhiệm vụ Đội phó Đội quy tập hài cốt liệt sĩ 584.
Các anh ơi, chúng tôi đã đến đây
Tìm và quy tập các phần mộ liệt sĩ hy sinh ở nước bạn Lào là việc rất khó vì rừng Lào mênh mông, địa bàn tỉnh Xạ Vẳn Nạ Khệt lại chủ yếu là rừng nguyên sinh chen lẫn rừng tre nứa. Những năm của cuộc kháng chiến chống Mỹ, đây là chiến trường ác liệt nên số lượng cán bộ, chiến sĩ của Việt Nam hy sinh ở địa bàn này rất nhiều.
Các phần mộ liệt sĩ còn lại chủ yếu nằm ở những địa bàn hiểm trở, xa khu dân cư, mà người trực tiếp mai táng, chôn cất liệt sĩ nay đã già yếu, thậm chí đã mất nên việc đối khớp thông tin là rất khó khăn. Đó là chưa kể cùng với thời gian, mưa nguồn, địa hình có nhiều thay đổi, biến dạng, cỏ cây vùi lấp...
Liên tục từ năm 2000, Thượng tá Trần Hữu Lưu được công nhận Chiến sĩ thi đua, 9 lần được tặng Bằng khen, trong đó có Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; được Đảng, Nhà nước tặng thưởng hai Huân chương Chiến công hạng Nhất, một Huân chương Quân công hạng Ba và được nước bạn Lào tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, 14 năm liên tục Chi bộ 584 được trên công nhận Trong sạch vững mạnh, nhiều năm liên tục đơn vị được công nhận danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”. Vinh dự lớn đến với cán bộ, chiến sĩ Đội 584, ngày 13/3/2008, Chủ tịch Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang trong thời kỳ đổi mới cho Đội quy tập 584. |
Với trách nhiệm của một đảng viên, lương tâm của một người lính, anh Trần Hữu Lưu đã cùng bàn bạc thống nhất với đồng đội để tìm ra phương án thực hiện. Anh kể, các phần mộ liệt sĩ chủ yếu nằm rải rác trong các cánh rừng sâu, nơi núi rừng hiểm trở, những địa danh ít người biết đến, đường sá đi lại hết sức khó khăn, nên mỗi ngày anh em chỉ hành quân được khoảng vài cây số vì phải vừa đi, vừa phát bụi, chặt cây.
Có những lúc mưa rừng kéo đến, địa hình bị chia cắt hoàn toàn, gạo, thực phẩm hết, anh đã động viên cán bộ, chiến sĩ đào củ rừng, lấy rau rừng, măng đắng để ăn cho qua ngày, chờ nước rút mới tìm đường về lấy lương thực, thự phẩm. Nhiều khi hài cốt liệt sĩ vừa quy tập được thì lửa rừng ập đến, không còn cách nào khác, những người lính của Đội quy tập phải dùng số nước ít ỏi của mình để dập lửa, bảo vệ an toàn hài cốt liệt sĩ.
Để tạo lòng tin với dân bản, anh Lưu và đồng đội ngoài việc xác định khu vực tìm kiếm, còn cùng với cán bộ, chiến sỹ làm tốt công tác dân vận, khơi dậy nghĩa tình keo sơn gắn bó của hai dân tộc và kết quả là Đội quy tập được nhân dân nước bạn hết lòng giúp đỡ.
Nhiều cụ già 60-70 tuổi đã tình nguyện đi bộ hàng chục cây số để chỉ đường đến nơi có hài cốt; có nhà sư đã tình nguyện ngồi trước mui xe dẫn đường để cán bộ, chiến sĩ đưa hài cốt về nơi an toàn...
Những niềm vui được nhân lên
Trong 15 năm tham gia quy tập hài cốt liệt sĩ, Trần Hữu Lưu đã cùng với đồng đội khảo sát, quy tập được 2.168 hài cốt liệt sĩ. Trong đó, có 217 hài cốt có tên và quê quán, 210 hài cốt có tên, 112 hài cốt có quê, 68 hài cốt có phiên hiệu đơn vị, đồng thời làm tốt việc tham mưu cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, phối hợp với các địa phương bàn giao 216 hài cốt về an táng tại quê hương.
Đồng thời, Đội quy tập còn tích cực phối hợp với các địa phương trong tỉnh, tìm đến những khu vực trọng điểm đánh phá trong những năm chiến tranh như khu vực rừng núi Hướng Hóa, Đakrông, Hải Lăng, Gio Linh... để khảo sát, quy tập. Kết quả đã quy tập được 521 hài cốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quy tập trên địa bàn tỉnh.
Cùng với việc quy tập, Thượng tá Trần Hữu Lưu còn tích cực phối hợp với Ban Quản lý Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9 chăm sóc chu đáo các phần mộ liệt sĩ ở nghĩa trang...
“Khó khăn gian khổ rồi cũng qua đi, chỉ có nỗi buồn đè nặng trong đêm trường khi chưa tìm thấy đồng đội. Do vậy mỗi lần tìm thấy mộ liệt sĩ là tôi như đón những người thân trở về và niềm vui được nhân lên”, Thượng tá Trần Hữu Lưu tâm sự.
Xuân Hoa