SOS: Sẽ có các ổ dịch, chùm ca bệnh

(PLVN) - Trong buổi giao ban trực tuyến về công tác phòng chống dịch với lãnh đạo Sở Y tế các địa phương trong cả nước chiều ngày 19/8, Bộ Y tế nhận định tình hình dịch sẽ tiếp tục kéo dài và xuất hiện các chùm ca bệnh, ca bệnh tại cộng đồng.
Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long phát biểu tại điểm cầu Bộ Y tế. Ảnh: Trần Minh
Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long phát biểu tại điểm cầu Bộ Y tế. Ảnh: Trần Minh

Cùng dự buổi giao ban có các đồng chí Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Trần Văn Thuấn và lãnh đạo các Vụ/Cục/Văn phòng Bộ Y tế.

Ghi nhận 11 trường hợp mắc COVID-19 liên quan đến quán ăn “Thế giới bò tươi”

Phát biểu tại buổi giao ban, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, trong gần 1 tháng qua, nhờ triển khai tất cả các biện pháp quyết liệt, chưa từng có tiền lệ, mà các ổ dịch ở Quảng Nam, Quảng Ngãi và  Đà Nẵng đang từng bước được kiểm soát. Số ca mắc giảm dần trong những ngày gần đây.

Quảng Nam, Quảng Ngãi và một số tỉnh miền Trung đang tăng cường truy vết, xét nghiệm, xác định các yếu tố nguy cơ để triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh kịp thời.

Về tình hình dịch tại tỉnh Hải Dương, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin, Bộ Y tế xác định khả năng nguồn bệnh xâm nhập vào quán ăn “Thế giới bò tươi” – nơi có ca bệnh 867-  trong khoảng ngày 25-27/7. Từ địa điểm này dịch lây lan ra cộng đồng. Hiện đã ghi nhận tổng số 11 trường hợp mắc COVID-19. Trong những ngày tới có thể có thêm ca nhiễm mới.

Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận định tới đây vẫn sẽ tiếp tục có mầm bệnh lây lan trong cộng đồng, “đó là điều chúng ta cần để ý”, trong đó việc làm thế nào để kiểm soát COVID- 19 tại các cơ sở y tế luôn được ngành y tế quán triệt chỉ đạo thực hiện.

Liên quan đến vấn đề vắc xin ngừa COVID-19, tại buổi giao ban, GS.TS Nguyễn Thanh Long thông tin, chúng ta đang tìm mọi phương pháp, dưới mọi góc độ để tiếp cận vắc xin, nhưng sớm nhất cũng phải 6 tháng cuối năm 2021 mới có vắc xin, từ nay đến lúc đó chúng ta phải sẵn sàng “chiến đấu” với dịch.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thanh Long phát biểu tại buổi giao ban. Ảnh: Trần Minh
 Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thanh Long phát biểu tại buổi giao ban. Ảnh: Trần Minh

Thực hiện chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ”

Tại buổi giao ban, sau khi nghe ý kiến các thảo luận của các địa phương, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu phải cố gắng bằng mọi cách để nâng cao công suất xét nghiệm bằng PCR, ví như tỉnh Khánh Hoà tối thiểu phải đạt 2.000 mẫu/ ngày, vì đây là địa phương có nhiều khách du lịch.

“Khánh Hòa cần chủ động trong xét nghiệm để sẵn sàng trong tình huống dịch bệnh bùng phát diện rộng”, Quyền Bộ trưởng nói.

Liên quan tới đề xuất của lãnh đạo Sở Y tế Hải Dương về việc Bộ Y tế tăng cường thêm chuyên gia  chống dịch cho tỉnh, bởi “các chuyên gia đều nhận định đây ổ dịch phức tạp do chưa truy tìm được F0, số lượng khách đến nhà hàng đó khoảng 1.000 người và thời gian kể từ khi phát hiện ra ca bệnh đã khoảng 2 tuần, nên tiếp xúc với cộng đồng đã nhiều”, Quyền Bộ trưởng cho biết ngay trong ngày mai (20/8), Bộ Y tế sẽ tăng cường thêm chuyên gia đầu ngành về truy vết, giám sát dịch cho Hải Dương

Trước đề xuất của tỉnh Kiên Giang về việc cần có sự hỗ trợ của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh về năng lực xét nghiệm nếu có dịch bệnh xảy ra nhiều, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay, nếu như trên địa bàn của một địa phương xảy ra dịch thì Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh có thể sẵn sàng hỗ trợ, tuy nhiên nếu như các địa phương của khu vực miền tây đều đồng loạt xảy ra dịch bệnh thì lực lượng của Viện Pasteur sẽ phải chia sẻ.

“Do đó, tôi đề nghị không riêng gì Kiên Giang mà các địa phương trong cả nước cần phải chủ động, thực hiện chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ”, trong trường hợp cần thiết thực sự mới cần đến trung ương hỗ trợ”- Quyền Bộ trưởng nhấn mạnh

Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng đề nghị các địa phương chủ động trong mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm y tế và thực hiện sàng lọc những trường hợp theo đúng quy định để được BHYT thanh toán. Tuy nhiên, việc sàng lọc trong cộng đồng sẽ không được thanh toán.

Đồng thời, các địa phương phải nâng cao năng lực xét nghiệm, chuẩn bị sẵn sàng chống dịch, tránh tâm thế trông chờ, thụ động. Phải chủ động trong các tình huống ca bệnh tăng để huy động năng lực xét nghiệm. “Xét nghiệm rất quan trọng, từ xét nghiệm chúng ta mới có thể nhanh chóng truy vết, giám sát, cách ly, khoanh vùng, dập dịch”- Quyền Bộ trưởng khẳng định

Phát biểu kêt luận buổi giao ban, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu rõ, lần này chúng ta xác định dịch có diễn biến phức tạp, do đó phải nâng cao cảnh giác, có thể xuất hiện chùm ca bệnh, ca bệnh tại cộng đồng vì tốc độ lây lan của dịch lần này khá nhiều. Từng gia đình có thể trở thành ổ dịch, lần trước chỉ có khoảng 40 ổ dịch, lần này đã lan khoảng 150 ổ.

Chúng ta có nhiều bài học trong phòng chống dịch COVID-19, trong đó trước hết là sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, sự tham gia của các bộ, ban, ngành, đoàn thể và chung tay của cộng đồng.

Bài học tiếp theo của đợt chống dịch lần này là chúng ta phải phản ứng mạnh mẽ, quyết liệt, hành động khẩn trương, thần tốc trong chống dịch. Nếu chúng ta chần chừ sẽ rất nguy hiểm. Truy tìm, cách ly thật nhanh để đưa mầm bệnh ra khỏi cư dân, cộng đồng để cách ly thật nhanh mầm bệnh. Nếu lơ là trong cách ly trường hợp F1 thì sẽ gặp khó khăn. Do đó, cần quán triệt việc cách ly tập trung trường hợp F1.

Tiếp theo, các cơ sở y tế phải có kế hoạch ứng phó chủ động và nhịp nhàng để tránh trường hợp nếu chúng ta phong toả một loạt các bệnh viện thì sẽ khó khăn trong khám chữa bệnh cho bệnh nhân cần cấp cứu. Do đó, các địa phương phải lên kịch bản sẵn về việc các bệnh viện sẽ sẵn sàng hỗ trợ, tiếp nhận bệnh nhân trong trường hợp trên địa bàn có cơ sở y tế bị “đóng băng”

Bài học tiếp theo mà Quyền Bộ trưởng nêu ra ở đợt chống dịch lần này là phải dựa vào các tổ chống dịch trong cộng đồng, đó là các tổ giám sát các trường hợp có yếu tố dịch tễ tại cộng đồng. Ông Long đánh giá, Hải Phòng, Quảng Nam và nhiều địa phương khác đã làm tốt việc này...

Nhấn mạnh công tác giám sát rất quan trọng, lãnh đạo Bộ Y tế đã yêu cầu các nhà thuốc phải giám sát chặt các trường hợp mua thuốc nghi ngờ như ốm, ho, sốt,... nếu không báo cho cơ sở y tế thì yêu cầu xử lý nghiêm. Đối với các bệnh viện, nếu để tình trạng bệnh nhân nghi ngờ “lọt” thì cũng sẽ bị xử lý nghiêm.

Đọc thêm