Do đó, cần phải tăng tính bắt buộc, tuân thủ quy định của pháp luật; đặc biệt, quy định trách nhiệm giám sát, đánh giá và báo cáo của người đứng đầu cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước trong việc thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả…
Kết quả chưa tương xứng khả năng
Phó Thủ tướng nhận định, sau 5 năm thực hiện Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn, quy chuẩn tiêu chuẩn khá đồng bộ, từ đó đề ra các chương trình hành động ngày càng hiệu quả hơn.
Thực tế giai đoạn 2011 - 2015, cường độ năng lượng của các ngành sản xuất công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng đều giảm dần như: ngành thép giảm 8,09%, xi măng 6,33%, dệt sợi giảm 7,32%. Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã tiết kiệm 5,65% lượng điện tiêu thụ, tương đương tiết kiệm 11 triệu tấn dầu quy đổi, từ đó tiết kiệm được đầu tư.
Những kết quả đạt được của giai đoạn vừa qua tuy rất đáng ghi nhận nhưng Phó Thủ tướng cho rằng chưa tương xứng với tiềm năng tiết kiệm năng lượng của Việt Nam. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, các ngành công nghiệp Việt Nam có tiềm năng kỹ thuật về tiết kiệm năng lượng lớn, từ 25-40%.
Theo ước tính, chi phí bỏ ra để tiết kiệm được 1kWh điện chỉ bằng 1/4 so với chi phí phải bỏ ra để sản xuất thêm lượng điện năng đó. Để giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu thì việc phát triển năng lượng tái tạo và thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng.
Chỉ ra nguyên nhân, Phó Thủ tướng cho rằng hiện còn nhiều hạn chế trong việc quản lý các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, thiếu sự kết hợp giữa các đơn vị quản lý Nhà nước tại địa phương. Việc phối hợp giữa sở Công Thương và các sở, ban ngành tại địa phương còn chưa tốt, còn lúng túng trong việc thanh tra, kiểm tra; các cơ sở sử dụng năng lượng chưa thực hiện nghiêm các quy định của Luật.
Ngoài ra, nhận thức của nhiều doanh nghiệp và người dân về lợi ích của việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn chưa đồng đều, chưa đầy đủ, đôi khi còn hiểu sai lệch về việc áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, dẫn đến hiệu quả tiết kiệm năng lượng không cao.
Vừa đổi mới công nghệ, vừa sử dụng tiết kiệm
Trước tình hình trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Công Thương tiếp thu, tổng hợp và nghiên cứu tất cả các ý kiến đóng góp của các đại biểu để đưa ra những giải pháp khắc phục, điều chỉnh; bao gồm cả việc kiến nghị sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; báo cáo Chính phủ trước ngày 31/1/2017.
“Thực hiện tốt về tiết kiệm năng lượng sẽ giúp giảm nhập năng lượng, tập trung tăng năng lượng tái tạo, giúp phát thải khí nhà kính. Việt Nam cũng đã cam kết mạnh mẽ về cắt giảm khí nhà kính, đây cũng là sức ép và thách thức với Việt Nam. Tôi đề nghị Bộ Công Thương và các địa phương tiếp tục rà soát, sửa đổi bổ sung thêm nội dung Luật cũng như các văn bản dưới luật. Tiếp tục điều chỉnh theo hướng tập trung trách nhiệm quản lý, giám sát. Với chủ thể sử dụng năng lượng phải tăng tính bắt buộc, tuân thủ quy định luật. Đặc biệt, những hộ trọng điểm lớn tiêu hao nhiều năng lượng vừa phải đổi mới công nghệ vừa phải sử dụng tiết kiệm”, Phó Thủ tướng đề nghị và nhấn mạnh, bên cạnh những công việc mà các bộ, ngành cần thực hiện thì nhiệm vụ thường xuyên, liên tục là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Mục tiêu là làm sao hình thành thói quen tiết kiệm năng lượng, để mỗi người luôn có ý thức, luôn thực hành tiết kiệm năng lượng trong mọi thời điểm.
Tại hội nghị, các ý kiến cũng cho rằng, để việc tiết kiệm năng lượng có hiệu quả, cần tăng cường tính bắt buộc trong tuân thủ Luật. Theo đó, cần bổ sung trách nhiệm của Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải trong việc quản lý phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng; điều chỉnh giá điện hợp lý, giảm dần việc trợ giá, bù chéo để khuyến khích tiết kiệm điện.
“Các doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng tích cực đầu tư dự án tiết kiệm năng lượng thì thời gian hoàn vốn chỉ từ 2-4 năm. Cơ bản là nhận thức của người dân, doanh nghiệp về tiết kiệm năng lượng. Đẩy mạnh mô hình Công ty dịch vụ năng lượng để đầu tư vào các dự án tiết kiệm năng lượng thông qua hình thức ESCO, mang lại hiệu quả lớn. Ngoài ra công tác kiểm toán năng lượng tại các doanh nghiệp phải đẩy mạnh hơn nữa. Mỗi doanh nghiệp cần thuê kiểm toán năng lượng để có thể tiết kiệm năng lượng hơn và tăng năng lực cạnh tranh”, ông Đỗ Đức Quân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) đề xuất.