Mục tiêu mà ông Widodo và ông Abe theo đuổi với cuộc cải tổ nội các cũng giống nhau và nguyên nhân khiến hai vị phải cải tổ nội các cũng vậy.
Cùng đối phó với Trung Quốc...
Ở cả hai nước, vị thế và nền tảng quyền lực của ông Widodo và ông Abe đều rất vững chắc. Ông Widodo vẫn có được sự tín nhiệm rất cao của cử tri ở Indonesia. Có thể nói sự tín nhiệm này rất ổn định từ khi ông Widodo đắc cử tổng thống và lên cầm quyền đến nay.
Ở Nhật Bản, phe cầm quyền của ông Abe thắng lớn trong cuộc bầu cử Thượng viện vừa qua và hiện nắm giữ đa số hơn hai phần ba trong lưỡng viện lập pháp. Về đối nội và an ninh, tình trạng hiện tại của ông Widodo và ông Abe chẳng khác gì nhau khi những cam kết tranh cử chưa thực hiện được nhiều, tăng trưởng kinh tế chưa được khôi phục đáng kể và các cuộc cải cách xã hội vẫn nửa vời trong khi các thách thức về đối ngoại và an ninh tiếp tục sâu sắc thêm.
Ông Widodo phải đối phó với vấn đề ly khai ở trong nước và Trung Quốc tăng cường xâm lấn vào phạm vi lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế trên biển. Nước Nhật Bản của ông Abe tiếp tục bị thách thức bởi Trung Quốc gia tăng tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và Triều Tiên tiếp tục thử nghiệm tên lửa và hạt nhân.
Ở cả hai nước, dân chúng vẫn tín nhiệm ông Widodo và ông Abe nhưng mong đợi ngày càng tăng về những thành quả cầm quyền mới, nhanh chóng, cụ thể, thiết thực và cơ bản. Cho nên muốn duy trì sự tín nhiệm và ủng hộ của dân chúng, như thế cũng có nghĩa là nếu muốn duy trì vị thế cầm quyền, ông Widodo và ông Abe phải thật sự lưu ý đến mong đợi này của dân chúng, phải cải thiện rõ rệt và nhanh chóng tình hình kinh tế xã hội ở trong nước, đảm bảo an ninh và ổn định, đồng thời có chiến lược mới rõ nét để đối phó với những thách thức an ninh từ bên ngoài.
|
Tổng thống Jako Widodo |
Và sử dụng cộng sự mới
Cuộc cải tổ nội các mà ông Widodo và ông Abe vừa tiến hành ở Indonesia và Nhật Bản phục vụ những mục tiêu nói trên của họ. Hai người này đều sử dụng nhân sự mới cho nội các mới để tập trung hàng đầu cho phát triển kinh tế và tiến hành những cuộc cải cách xã hội cần thiết.
Ông Widodo sử dụng lại những chuyên gia kinh tế đã từng phục vụ trong các thời chính phủ trước. Ông Abe lập thêm cơ quan chính phủ mới chuyên về cải cách thị trường lao động và giao cho chính một trong những tác giả của chủ thuyết Abenomics đảm trách việc thực hiện Abenomics.
Còn để đối phó với những thách thức về an ninh từ bên trong và bên ngoài, hai vị này sử dụng những cộng sự mới khiến cả dân chúng trong nước lẫn dư luận ở bên ngoài không thể không bị bất ngờ. Ông Widodo dừng việc sử dụng lại một số tướng lĩnh vốn đã nổi tiếng và cả tai tiếng ở những thời trước để tranh thủ giới quân sự, đề cao vai trò của giới quân sự và thỏa hiệp với một số đảng phái chính trị khác trong quốc hội.
Ông Abe đề cử nữ bộ trưởng quốc phòng mới mà khi chưa tham gia chính phủ đã bị Trung Quốc, Hàn Quốc và Triều Tiên coi như cái gai trong mắt bởi những quan điểm cứng rắn đối với 3 nước này và bởi sự ủng hộ rất nhiệt tình chủ ý của ông Abe sửa đổi hiến pháp hiện hành mà cả 3 nước này đều rất lo ngại và đã phản đối.
Sự giống nhau này chỉ ngẫu nhiên nhưng đều phản ánh nhận thức của ông Widodo và ông Abe về ưu tiên chính sách cho thời kỳ tới cũng như về việc sử dụng ưu tiên này phục vụ cho việc đạt được mục tiêu ưu tiên kia. Cả hai đều đã có nhận thức thực tế hơn và cách tiếp cận thực dụng hơn...