SỐNG VUI SỐNG KHỎE - SỰ KHÁC BIỆT GIỮA TẾT XƯA-TẾT NAY
Thời lượng: 11ph43
Thực hiện: Tâm Anh - Thục Khuê
Tâm Anh: Quý thính giả đang lắng nghe chuyên mục Sống vui sống khỏe trên Radio PL - BPLVN.
Tôi là Tâm Anh
Tôi là Thục Khuê
Thưa quý vị, ngày cuối năm luôn là dịp để từng người cố gắng làm thêm công việc để có thể có một cái Tết ấm no, như các bạn trẻ bây giờ hay nói bông đùa rằng là cày deadline để mang bánh chưng về cho bố mẹ. Bận rộn là thế nhưng mỗi lần dịp Tết đến cũng là dịp mà từng người có thể lắng lại để nhìn lại những thay đổi từ quá khứ cho đến hiện tại của bản thân hay những người xung quanh, thậm chí thú vị hơn là có thể quan sát và nhận ra những thay đổi giữa Tết ngày nay và Tết ngày trước.
Thục Khuê: Đúng vậy, và chắc hẳn trong lòng, ai cũng sẽ có sự nhộn nhạo, bồi hồi, khi hòa trong không khí nhộn nhịp của Tết đến Xuân về. Tết đến mang lại những trải nghiệm về văn hoá tốt đẹp cho từng con người ở từng giai đoạn. Ammm, Tết xưa hay Tết nay, so sánh xem người Việt ta còn lưu giữ được những đặc điểm nào trong ngày Tết của ông cha ta và đã có những điểm gì thay đổi khác biệt so với Tết xưa. Vì thời gian là thứ có thể thay đổi tất cả mọi thứ, những phong tục đón Tết cổ truyền đời xưa cũng bị thay đổi hoặc biến tấu khác đi rất nhiều.
Tâm Anh: Quả đúng là vậy, đặc biệt là khi công nghệ đang ngày càng ảnh hưởng đến từng hoạt động trong cuộc sống của chúng ta. Từ việc mua sắm, giải trí, đến cả ăn uống hằng ngày,... từ đây cũng đã biến đổi không ít phong tục tập quán trong những ngày Tết hiện đại. Khuê này, theo Khuê thì sự thay đổi lớn nhất giữa Tết hiện đại và Tết truyền thống là ở đâu?
Thục Khuê: Theo tôi thì việc sắm sửa cho ngày Tết là điều mà chúng ta có thể dễ dàng thấy được. Như lúc nãy Tâm Anh có nói thì Công nghệ đang thay đổi cuộc sống ta rất nhiều và chính nó cũng thay đổi đến thói quen mua sắm vào dịp Tết đến Xuân về của từng người trong cuộc sống ngày nay. Khi mà Internet mang lại cho chúng ta sự tiện lợi chưa từng có, chỉ cần ngồi ở nhà với một chiếc điện thoại thông minh đã kết nối Internet, mọi đồ mong muốn có thể đến tận tay trong thời gian ngắn mà không cần chen lấn với ai ở chợ hay siêu thị.
Tâm Anh: Đúng thật là thế, nhưng như thế, Khuê có thấy mất đi không khí vui vẻ khi chuẩn bị cho một mùa Tết sum vầy không? Vì tôi thấy Với Tết cổ truyền, việc sắm sửa cho ngày Tết là một trong những hoạt động quan trọng và vui nhất trong những ngày này. Những ngày cuối năm, người người nhà nhà cùng nhau đổ xô ra những khu chợ, được mọi người gọi với cái tên đã quá quen thuộc là ‘chợ xuân’ hay là “chợ Tết” tạo nên một bầu không khí vô cùng đông vui, náo nhiệt lan khắp mọi đường phố. Chính không khí ấy lại là không khí đặc trưng của những ngày giáp Tết.
Thục Khuê: Tôi nghĩ được cái này thì tất sẽ mất cái kia thôi, muốn thuận tiện, muốn không phải chen lấn thì tất nhiên không khí đặc trưng ấy cũng dần giảm đi mà thôi. Ngoài ra, Tâm Anh có thấy với Tết xưa-Tết nay còn khác nhau ở việc gói bánh chưng, bánh tét không?
Tâm Anh: Khuê nhắc, tôi mới chợt nhận ra đúng là vậy thật. Hồi xưa, gần như tất cả mọi nhà đều gói bánh chưng, bánh tét ngày Tết. Tôi vẫn nhớ hồi còn nhỏ, cứ khi gần đến đêm giao thừa thì mọi người trong gia đình tôi sẽ cùng nhau chuẩn bị những nguyên liệu, sau đó ngồi quây quần với nhau để gói bánh chưng, bánh tét và canh nồi bánh đến tận khuya. Lúc đó thực sự rất vui, cảm thấy nhộn nhạo khi giao thừa chuẩn bị đến và không khí gia đình lúc đó thực sự rất ấm cúng. Nhưng bây giờ thì tôi thấy nhiều nhà sẽ thường lựa chọn cách thuận tiện hơn chính là mua những chiếc bánh được gói và nấu sẵn để tiết kiệm thời gian vì có lẽ ngày nay, tính chất công việc cũng bận rộn hơn.
Thục Khuê: Đúng vậy, hồi xưa thì gần như tất cả các nhà đều gói dù là thành thị hay nông thôn nhưng bây giờ, không phải là không còn nhà gói bánh chưng mà là ít hơn ngày xưa. Tuy vậy, bây giờ nhịp sống có phần nhanh và hối hả nhưng vẫn còn nhiều gia đình, đặc biệt là những hộ ở nông thôn vẫn lưu giữ được hình thức đón Tết đầy ý nghĩa này.
Tâm Anh Gìn giữ phong tục gói bánh chưng này có thể mang được hơi ấm, cũng như không khí rộn ràng của Tết đến gần với từng thành viên trong gia đình hơn và lan truyền, lưu giữ được nét đẹp văn hóa ấy của dân tộc ta tới những đời sau nữa. Ngoài bánh chưng, bánh tét ra thì Khuê có nhận ra sự thay đổi nho nhỏ mà cũng không kém phần thú vị trong ngày Tết không? (Là gì thế, tại giờ cũng thay đổi nhiều nên tôi cũng không thể đoán được) Vậy để tôi bật mí luôn nhá. Đó là sự thay đổi về tục xông nhà, xông đất vào ngày mùng 1 Tết.
Thục Khuê: Quả đúng là như vậy, đây là một tập tục khá là hay. Theo như tôi được biêt thì Xông đất (hay đạp đất, xông nhà) là tục lệ lâu đời tại Việt Nam. Theo quan niệm của người xưa, nếu người đầu tiên đến chúc Tết gia đình mà hạp tuổi với gia chủ thì trong năm đó gia chủ sẽ gặp nhiều điều may mắn, tài lộc đến nhà. Chính vì vậy, vào ngày đầu tiên năm mới, người Việt rất coi trọng tục "xông đất". Nhiều người thậm chí từ trước đó còn nhờ người hợp tuổi đến xông nhà giúp để tránh trường hợp người khách đầu tiên đến nhà lại là người kỵ tuổi.
Tâm Anh: Ngoài ra thì theo tôi được biết thì thời gian xông đất được tính từ khi đồng hồ điểm sang ngày mới. Tùy mỗi gia đình, quá trình xông đất có thể đột ngột hoặc có sự chuẩn bị. Người đến xông đất thông thường sẽ mang theo quà mừng Tết cho gia chủ, lì xì người lớn cùng trẻ nhỏ, tất nhiên sẽ không quên chúc gia chủ có một năm sung túc, tốt lành. Có thể nói, xông đất là phong tục ấn tượng vào ngày Tết mà cho đến hiện nay vẫn còn lưu giữ tại rất nhiều gia đình Việt.
Thục Khuê: Nhưng theo tôi thấy thì bây giờ tục lệ này có phần khác ngày xưa khi mà bây giờ có thể là do giới trẻ đang tiếp cận với những suy nghĩ hiện đại hơn nên không còn quá để tâm vào ý nghĩa của tục xông nhà này nữa.
Tâm Anh: Tôi cũng thấy vậy khi mà chính nhà tôi cũng không còn quá để ý đến chuyện này. Bên cạnh tục xông nhà thì tôi nghĩ rằng còn có một phong tục khác cũng đã có phần thay đổi so với ngày xưa mà chắc hẳn Thục Khuê cũng như quý thính giả cũng cảm nhận được sự thay đổi của phong tục này. Và tục lì xì chính là phong tục mà tôi muốn nhắc đến. Đối với mỗi người, đặc biệt là các em nhỏ trong những ngày đầu xuân năm mới thì những bao lì xì đỏ may mắn là điều luôn được mong đợi nhất.
Thục Khuê: Theo như tôi được biết thì Tục lệ lì xì hay mừng tuổi đầu năm mới của người Việt Nam đã có từ thời xa xưa, được du nhập từ Trung Quốc. Tương truyền rằng, cứ vào đêm giao thừa sẽ có một con yêu quái xuất hiện, thích xoa đầu những đứa trẻ đang ngủ ngon giấc, làm chúng bị sốt cao hoặc trở nên ngớ ngẩn. Vì thế, cha mẹ phải thức cả đêm để canh không cho yêu quái làm hại con mình. Một lần, 8 vị tiên đi ngang, thấy vậy liền hóa thành những đồng tiền nằm cạnh mấy đứa trẻ. Cha mẹ chúng đem gói những đồng tiền này vào tấm vải đỏ để xua đuổi yêu quái. Không ngờ, khi con yêu quái đến, những đồng tiền lóe lên khiến nó sợ hãi bỏ chạy. Câu chuyện nhanh chóng lan truyền khắp nhân gian. Từ đó, mỗi lần Tết đến, người ta lại bỏ tiền vào trong những phong bao màu đỏ tặng trẻ con, để trẻ chóng lớn và khỏe mạnh. Hành động đó chính là lì xì, hay còn gọi là mừng tuổi đầu năm mới.
Tâm Anh: Đây quả là một câu chuyện thú vị về tục lì xì đó vì chính bản thân tôi cũng không biết quá nhiều về nguồn gốc của tục lì xì này. Quay trở lại sự khác biệt về tục lì xì trước và nay, thì trước đây, mừng tuổi đầu năm chỉ đơn giản là những tờ tiền màu đỏ hay những đồng xu được đưa trực tiếp cho người nhận. Lì xì đầu năm mang ý nghĩa lấy may, kèm theo lời chúc làm ăn phát đạt, tấn tới, học hành giỏi giang, ngoan ngoãn. Còn con cháu biếu ông bà, cha mẹ là để chúc sức khỏe và trường thọ, hay chỉ đơn thuần là cầu chúc may mắn, phát tài. nhưng bây giờ thì có đôi phần khác hơn. ngày nay, lì xì đôi khi còn mang tính chất ngoại giao. Không chỉ là những phong bao lì xì đỏ may mắn mà kích cỡ, kiểu dáng, màu sắc và cả mệnh giá lì xì cũng phong phú hơn rất nhiều. Với sự phát triển của kinh tế hiện nay, người ta không còn sử dụng tiền xu, tiền hào và cũng ít sử dụng tiền lẻ để mừng tuổi. Thay vào đó là những đồng bạc xanh, đồng bạc đỏ, thậm chí là những đồng đô la mệnh giá cao. Có khi người trong gia đình mừng tuổi nhau thì ít nhưng mừng tuổi sếp, người thân của sếp thì nhiều. Đáng buồn hơn, suy nghĩ thực dụng của người lớn đã thấm sang con trẻ. Chúng bắt đầu có sự so bì, người này mừng tuổi ít, người kia mừng tuổi nhiều. Ngoài việc trọng về vật chất trong tục lì xì ngày nay, thì bây giờ không chỉ lì xì bằng tiền mặt được đựng trong phong bao đỏ mà người ta còn lì xì nhau qua ví điện tử hay qua app ngân hàng điện tử.
Thục Khuê: Tâm Anh nhắc đến tôi mới chợt nhận ra sự thay đổi ấy ở trong phong bao lì xì ngày nay. Có thể thấy, do sự thay đổi của thời gian nên những nếp sống, nếp sinh hoạt của người dân Việt Nam cũng dần có những sự khác biệt so với ngày trước. Không chỉ những phong tục mà ngay cả đến cách cho biếu của chúng ta ngày nay cũng đã có khá nhiều thay đổi so với trước. Tôi có nghe bà tôi kể là hồi xưa người ta đi Tết nhau thì chỉ biếu những hộp bánh mứt, các loại hoa quả đơn giản cùng chai rượu đế đã là rất sang trọng và đáng quý rồi. Nhưng bây giờ thì cầu kì hơn trước rất nhiều phải không Tâm Anh?
Tâm Anh: Vâng, đúng vậy, hồi xưa thì chỉ đơn giản như vậy nhưng giỏ quà Tết ở hiện đại đã có một giao diện cầu kì và chăm chút rất kỹ, với vẻ bề ngoài rất bắt mắt hơn ngày xưa khi mà đủ loại bánh trái, rượu ngoại nhập cùng những hoa quả được uốn với nhiều hình thù độc đáo, mới lạ được bày trong giỏ quà. Thế mới thấy khi mà nền kinh tế đang ngày càng phát triển thì người dân cũng dần có những nhận thức khác về những giỏ quà ngày Tết. Hiện nay những giỏ quà sẽ được nâng cấp về vẻ ngoài sao cho có phần khác lạ hơn và bắt mắt, và trông có phần đắt tiền hơn.
Như vậy, Tết xưa Tết nay có những sự khác biệt khá lớn. Có những phong tục cũng đã bị lược bớt đi, thay vào đó, chúng ta quan tâm hơn tới những điều khác đúng không Thục Khuê?
Thục Khuê: Vâng, đúng vậy. Bỏ qua chuyện cho biếu ngày Tết, như ông cha ta vẫn thường hay nói rằng: “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”. Đây chính là nét văn hoá truyền thống của cha ông ta vào ngày Tết. Tôi nghĩ rằng giữa Tết xưa với Tết nay, Tết truyền thống và Tết hiện đại sự thay đổi còn là ở những tràng pháo vào đêm giao thừa đúng không Tâm Anh?
Tâm Anh: Theo như tôi được biết thì Theo tục lệ xưa, mọi người sẽ đốt một quả pháo trước bữa tối đêm giao thừa; thường gọi là "bế môn pháo trượng" (tức đóng cửa đốt pháo). Đến giờ tí (12 giờ đêm), mọi người dùng tiếng nổ mãnh liệt của pháo để xua đuổi yêu ma quỷ quái, nghênh đón năm mới. Đốt pháo mang ý nghĩa xua đuổi những điều xui xẻo; đón chờ một năm mới bình an và may mắn. Nhưng hình như giờ tôi cũng không còn thấy tập tục này nữa?
Thục Khuê: Vâng, tuy là nó có ý nghĩa tốt đẹp như vậy nhưng vì sự nguy hiểm của những tràng pháo nên nhà nước ta đã cấm đốt pháo, thay vào đó, đêm giao thừa, những sự kiện pháo hoa sẽ được tổ chức tại các địa điểm lớn, trông vô cùng đẹp mắt.
Tâm Anh: Đúng vậy, tuy hơi tiếc vì không được thấy phong tục tốt đẹp này nữa nhưng có những vụ việc thương tâm xảy ra bởi việc đốt pháo nên việc cấm là chuyện chúng ta có thể hiểu được.
Thục Khuê: Không biết Tâm Anh hay quý thính giả có mong chờ những tiết mục bắn pháo hoa vào mỗi dịp giao thừa giống tôi hay không? (Có, chắc chắn rồi) Vì đối với tôi thì không có pháo hoa là không thấy năm mới đang hiện hữu nên dù là tràng pháo ngày xưa hay là pháo hoa ngày nay thì đều là điều không thể thiếu trong dịp giao thừa mỗi năm. Ngoài pháo hoa ra thì tôi còn thấy sự thay đổi ở những chuyến du xuân vào dịp Tết.
Tâm Anh: Khuê có thể nói rõ cho tôi cũng như quý thính giả biết về sự thay đổi này được không?
Thục Khuê: Trước đây thì với mọi người, du xuân thường là đến chơi, thăm nhà người thân hoặc đi chùa hay những địa điểm gần nhà của mình. Nhưng ngày nay, nhiều gia đình lại lựa chọn đi du xuân ở những nơi xa bằng những chuyến du lịch cùng gia đình của mình để nghỉ ngơi và xả stress,...
Tâm Anh: Thực ra tôi thấy thì việc du xuân là quyền và lựa chọn của mỗi người. Ngày xưa trong tư tưởng của mỗi người, thì Tết đến là dịp để sum vầy, để gặp gỡ những người họ hàng đã lâu không gặp, nhưng ở thời điểm bây giờ, nhiều người nghĩ rằng Tết là dịp để nghỉ ngơi sau 1 năm đã làm việc vất vả, đây cũng là dịp lễ được nghỉ dài ngày, thích hợp để đi du lịch, vả lại đi đâu, ở đâu cũng được, miễn là cả gia đình sum vầy với nhau.
Thục Khuê: Đúng vậy, tư tưởng của mỗi thời mỗi khác, không bàn cãi cái gì đúng cái gì sai, chỉ là sự thay đổi của Tết qua từng giai đoạn, biết đâu sau này, trong tương lai Tết lại có sự khác biệt lớn hơn với Tết ngày nay thì sao.
Tâm Anh: Đúng là vậy, có thể Tết ngày nay không còn mang quá nhiều cái không khí rộn ràng của ngày Tết như ngày xưa, một số tập tục cũng được lược bớt đi nhưng tựu chung lại Tết vẫn là dịp để có thể sum vầy bên gia đình, là một dịp để cho từng người xả hơi, tái tạo lại năng lượng cho bản thân sau những ngày làm việc vất vả.
(Chào kết)
Tâm Anh: Và thưa quý vị, đến đây thì số phát sóng lần này cũng đã kết thúc. Hi vọng rằng, vào thời điểm cận kề Tết Nguyên Đán này, quý vị sẽ có thật nhiều sức khỏe, niềm vui và hạnh phúc đón chào năm mới Giáp Thìn 2024.
Cảm ơn quý vị đã quan tâm lắng nghe.
Tôi là Tâm Anh
Còn tôi là Thục Khuê
Xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại.