Sự thật về 6 “thần dược” có tác dụng chữa Covid-19 được lan truyền trên mạng xã hội

(PLVN) - Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang “hoành hành” ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, rất nhiều những lời khuyên về các “thần dược” có thể chữa hết các virus đang lan truyền nhanh chóng trên các trang mạng xã hội. Vậy, sự thật ở đây là gì? 

1. Tỏi

Đây là loại “thần dược” được rất nhiều bài viết đăng tải trên Facebook, cho rằng ăn tỏi sẽ giúp ngăn chặn sự lây nhiễm từ virus Covid-19. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo: “Mặc dù tỏi là một loại thực phẩm tốt cho sức khỏe, có tính kháng khuẩn nhưng không có bằng chứng nào cho thấy ăn tỏi giúp bảo vệ con người trước Covid-19. 

Theo tờ South China Morning, một người phụ nữ đã phải nhập viện do bị viêm họng nghiêm trọng sau khi ăn hết 1.5kg tỏi sống. Nhìn chung, việc ăn trái cây, rau quả và uống nước vẫn là sự lựa chọn tối ưu cho sức khỏe, tuy nhiên, hoàn toàn không có chứng cứ cho thấy các loại thực phẩm này trực tiếp giúp chúng ta chống lại virus Covid-19.

2.   Khoáng chất thần kỳ

Youtuber nổi tiếng Jordan Sather với hàng trăm nghìn “người theo dõi” đã khẳng định có một nguồn bổ sung “khoáng chất thần kỳ” được gọi là MMS có thể tiêu diệt Covid-19. Nó chứa hợp chất chlorine dioxide – một chất tẩy trắng.

Sather và nhiều người khác đã đồng loạt đăng tải trên Twitter vào tháng 1, trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh mẽ rằng, chlorine dioxide (MMS) không chỉ giết chết tế bào ung thư hiệu quả mà còn tiêu diệt được cả virus Corona. 

Cuối năm 2019, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã lên tiếng cảnh báo về mức độ nguy hiểm khi sử dụng MMS. Không những thế, các cơ quan y tế ở nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đã đặt cảnh báo về vấn đề này.

Theo FDA, không có bất kỳ nghiên cứu nào cho thấy những sản phẩm này an toàn hay hiệu quả để điều trị bất cứ chứng bệnh nào. Ngược lại, các nghiên cứu chỉ ra rằng, dùng MMS có thể gây ra chứng buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy và những triệu chứng rối loạn chức năng nghiêm trọng. 

3.   Nước sát khuẩn làm tại nhà

Tại Italia, nơi đang là “tâm điểm” bùng phát dịch Covid-19, sự thiếu hụt trầm trọng của nước sát khuẩn đang trở thành mối lo ngại trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 đang lây lan nhanh chóng tại đất nước này. 

Một trong những nhãn hiệu nước sát khuẩn nổi tiếng tại đây là Amuchina. Khi nước sát khuẩn trở nên khan hiếm, nhiều trang mạng xã hội đã lan truyền công thức tự làm nước sát khuẩn tại nhà. Tuy nhiên, những công thức này không phù hợp để sử dụng trên da. Các nhà khoa học chỉ ra rằng, các công thức dựa trên những thương hiệu phổ biến của Italia là một chất khử trùng để làm sạch bề mặt của vật dụng. 

Các sản phẩm gel rửa tay chứa cồn thường có chất làm mềm da, nhẹ nhàng cho bề mặt da tiếp xúc, chứa 60 – 70% cồn. 

Giáo sư Sally Bloomfield tại Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh dịch tễ tại London, Anh không tin rằng nước rửa tay sát khuẩn làm tại nhà có hiệu quả cao, vì nó thường chỉ chứa khoảng 40% nồng độ cồn. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến cáo, hầu hết những chất khử trùng thông thường trong nhà chỉ có hiệu quả làm sạch bề mặt vật dụng. 

4.   Keo bạc (Colloidal silver)

Việc sử dụng keo bạc đã được quảng bá trong chương trình truyền hình của Jim Bakker (Mỹ). Theo đó, keo bạc hà là các hạt nhỏ của kim loại lơ lửng trong chất lỏng. Một khách mời trong chương trình đã khẳng định giải pháp này sẽ giết một số chủng Covid-19 trong vòng 12 giờ (trong khi lại thừa nhận nó chưa được thử nghiệm cho Covid-19). 

Ý tưởng rằng nó có thể là một phương pháp điều trị hiệu quả cho corona virus nhanh chóng được chia sẻ rộng rãi khắp Facebook, đặc biệt là xuất phát từ các nhóm “y tế tự do” phi chính thống. 

Những người ủng hộ biện pháp này cho biết keo bạc có thể chữa trị tất cả các loại bệnh vì nó hoạt động như một chất khử trùng hỗ trợ hệ miễn dịch. Tuy nhiên, lời khuyên chính thức từ các cơ quan y tế Hoa Kỳ cho rằng, không có bằng chứng rõ ràng đối với hiệu quả của keo bạc. Quan trọng hơn, nó có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng như tổn thương thận, co giật và làm tình trạng da chuyển sang màu xanh. 

Ngoài ra, không giống như sắt và kẽm, hợp chất bạc không có bất kỳ chức năng nào trong cơ thể con người. 

5.   Uống nước cứ sau 15 phút

Một bài đăng được sao chép và truyền tải trên facebook với ghi chú “bác sĩ Nhật Bản” khuyên rằng, nên uống nước sau 15 phút để cuốn trôi bất kỳ virus nào bám trong miệng. Trong khi đó, một phiên bản có nội dung tương tự được dịch snag tiếng Ả Rập đã được chia sẻ hơn 250.000 lượt trên mạng xã hội.

Theo Giáo sư Bloomfield, điều này là vô lý và hoàn toàn không có căn cứ. Virus vào cơ thể con người qua đường hô hấp khi chúng ta thở, một vài trong số chúng đi vào miệng, uống nước liên tục không thể ngăn chặn được virus.

Mặc dù vậy, uống nước và giữ ấm cổ họng là những lời khuyên y tế hữu ích. 

6.   Sưởi ấm và tránh ăn kem lạnh

Nhiều lời khuyên cho thấy sưởi ấm sẽ giết chết virus, do đó việc uống nước nóng, tắm bồn nước nóng hay sử dụng máy sấy đều được ưu tiên. 

Nhiều người sử dụng mạng xã hội tại nhiều quốc gia đã đưa thông tin sai lệch về việc UNICEF khuyến cáo uống nước nóng, tránh ăn kem lạnh và tiếp xúc với ánh sáng mặt trời sẽ tiêu diệt đuợc virus. 

Tuy nhiên, Charlotte Gornitzka làm việc tại UNICEF đã khẳng định những thông tin sai lệch trên mạng dạo gần đây đã lấy danh nghĩa của UNICEF để tuyên truyền rằng tránh ăn kem và các thực phẩm lạnh khác có thể ngăn ngừa sự tấn công của dịch bệnh là hoàn toàn sai sự thật. 

Rõ ràng, virus cúm không tồn tại tốt ngoài trời có nhiệt độ cao, đặc biệt là vào mùa hè. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào xác nhận ảnh hưởng của sức nóng có thể tiêu diệt chủng virus mới.

Giáo sư Bloomfield cho biết, cố gắng sưởi ấm cơ thể hoặc phơi nắng để giết chết virus là hoàn toàn không hiệu quả. Bởi một khi virus xâm nhập vào cơ thể người thì không có cách nào tiêu diệt được chúng ngoài việc phải tự đấu tranh với chúng. 

Thêm nữa, để diệt virus hiệu quả thì cần nhiệt độ khoảng 60 độ C. Giặt khăn trải giường hay khăn tắm ở 60 độ C là một ý tưởng tốt để tiêu diệt virus bám trên bề mặt vải. Tuy nhiên nhiệt độ này lại quá nóng cho làn da.

Tắm hay uống nước quá nóng cũng không giúp thay đổi nhiệt độ cơ thể chúng ta khi có triệu chứng bệnh xảy ra.

Đọc thêm