Sự thật về hooc môn ức chế dậy thì

(PLO) - Báo PLVN có đăng bài viết cảnh báo về tình trạng trẻ dậy thì sớm. Lo ngại về tình trạng này, nhiều bậc phụ huynh đã tự ý tiêm hooc môn ức chế dậy thì cho trẻ. Theo các chuyên gia, khi thấy con em mình có dấu hiện dậy thì sớm thì nên đưa đi khám để có những cách khắc phục tốt nhất.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa

“Lớn sớm” có ảnh hưởng nặng nề tới trẻ

Những năm gần đây, trẻ dậy thì sớm đang có dấu hiệu gia tăng. Cách đây 3 năm, Bệnh viện Nhi Trung ương chỉ có gần 200 cháu được theo dõi bệnh dậy thì sớm thì đến nay, số bệnh nhân khám và theo dõi dậy thì sớm của bệnh viện đã lên đến gần 800 ca.

Với bé gái, tình trạng dậy sớm thì thường xuất hiện trước 8 tuổi và với bé trai là trước 11 tuổi. Đáng chú ý, có các ca chỉ 2 - 3 tuổi và chủ yếu là bé gái. Trong tổng số các ca bệnh nói trên, có 500 cháu đang phải tiêm hooc môn hàng tháng để kìm hãm dậy thì sớm. Việc tiêm hooc môn này sẽ bắt đầu từ khi phát hiện trẻ dậy thì sớm đến khi trẻ được 10 tuổi rưỡi hoặc tuổi xương 12 tuổi.

Tiến sĩ Bùi Phương Thảo, Phó trưởng khoa Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, có hai loại dậy thì sớm là dậy thì sớm ngoại biên và dậy thì sớm trung ương. Trong đó, nguyên nhân của dậy thì sớm ngoại biên hay gặp nhất đó là u buồng trứng, u tinh hoàn, các bệnh lý về tuyến thượng thận như tăng sản thượng thận bẩm sinh, một số bệnh lý di truyền đặc biệt. Đối với dậy thì sớm trung ương, 40 - 50% do u não, tổn thương não gây ra ở nam giới. Ở nữ giới, trên dưới 10% là do u não, tổn thương não; còn lại 90% là không tìm ra căn nguyên.

Khi đi thăm khám, với những trường hợp nghi ngờ dậy thì sớm, các bé sẽ được chụp X-quang tuổi xương, xét nghiệm sàng lọc xem tuổi xương có gì bất thường hay không. Nếu có, trẻ sẽ được làm tiếp xét nghiệm máu xem mức độ hooc môn sinh dục ra sao, siêu âm bụng xem có khối u bất thường trong ổ bụng hay không; thậm chí, bé phải được chụp não xem có khối u ở não hay không... Nếu là dậy thì do những bệnh lý như u não, tăng sản thượng thận bẩm sinh thì có thể điều trị ngoại khoa, hoặc các điều trị đặc hiệu để giải quyết các nguyên nhân.

Bệnh viện Nhi Trung ương từng điều trị cho bệnh nhi Nguyễn Hoàng Tùng (ở Chương Mỹ, Hà Nội). Bé Tùng sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh. Khi Tùng được 14 tháng, anh Nguyễn Hoàng Tuấn (bố của Tùng) bỗng phát hiện khi ngủ, dương vật của bé hay cương cứng như người lớn. Qua nhiều đêm theo dõi, thấy hiện tượng này không dứt, anh Tuấn vội vã đưa con đi khám. Các bác sĩ cho biết, bé có biểu hiện dậy thì sớm do trong não có u. Vậy là từ ngày đó, bé Tùng thường xuyên được đưa vào viện điều trị bệnh.

Trường của bé Nguyễn Vũ Gia Hường (ở Lục Nam, Bắc Giang) thì khác. Bé Hường bị dậy thì sớm không rõ nguyên do. Trước đó, thấy con có biểu hiện lạ như vùng kín phát triển, xuất hiện lông đen ở mu và đặc biệt thấy con có dấu hiệu có kinh nguyệt, quá hoảng loạn, mẹ bé đưa con đến Bệnh viện Nhi trung ương khám. Qua các xét nghiệm lâm sàng phát hiện Hường bị dậy thì sớm, các bác sĩ chỉ định phải tiêm thuốc ức chế dậy thì sớm cho cháu. Nhờ phát hiện kịp thời mà đến nay bé Hường đã đạt chiều cao, cân nặng hoàn toàn bình thường.

Đưa con đi khám định kỳ tại khoa Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền, chị T. T. (phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, cách đây 2 năm, chị vốn rất tự hào vì con gái T. C. mới 6 tuổi mà đã cao lớn vượt trội, hơn hẳn các bạn ở lớp. Cho đến một buổi chiều, cháu bỗng nhiên kêu đau ngực. Khi kiểm tra ngực của con, phát hiện ra đó là dấu hiệu con gái đã đến lúc dậy thì, chị mới hoảng hốt đưa con đến Bệnh viện Nhi Trung ương thăm khám.

Qua kết quả xét nghiệm và chiếu chụp, bác sĩ kết luận bé bị dậy thì sớm và chỉ định tiêm hooc môn ức chế dậy thì sớm 1 tháng/lần cùng với việc thực hiện lại chế độ ăn và hạn chế dùng một số sản phẩm mà chị đang cho con sử dụng. Đến nay, bé C. đã điều trị được 2 năm và hiện tại, bé cao 1,41cm, tuyến vú không phát triển to lên, chưa có kinh nguyệt.

Còn anh Lê Quốc Phong (29 tuổi, ở Hà Nội), bố của cháu Lê Nguyễn Huyền My (7 tuổi) thì cho hay: “Khi con tôi được 2 tuổi gần 3 tháng, khi tắm cho cháu thì tôi phát hiện ngực cháu phát triển to bất thường. Sau đó, mẹ cháu theo dõi và kiểm tra thì thấy có ra dịch nhầy âm đạo. Những biểu hiện đó rất giống trẻ đang tuổi dậy thì. Bởi vậy gia đình vội vàng đưa thẳng lên Bệnh viện Nhi Trung ương thăm khám. Tại đây, các bác sĩ xác định cháu bị dậy thì sớm và phải điều trị để ức chế sự phát triển một số đặc tính sinh dục nữ. Từ đó đến nay, đều đặn hàng tháng tôi đưa con đến bệnh viện để tiêm hooc môn, cũng như kiểm tra định kỳ”.

Theo các chuyên gia y tế, thời điểm dậy thì không phải tính từ khi xuất hiện kinh nguyệt hoặc có thể xuất tinh, mà tính từ khi cơ thể mọc lông mu, ngực, âm vật, dương vật phát triển. Vì thế nhiều trẻ có kinh nguyệt hoặc xuất tinh ở độ tuổi 12-13 nhưng đã có dấu hiệu mọc lông mu, phát triển ngực ở khoảng 7-8 tuổi, các trường hợp này cũng được xem là dậy thì sớm.

Dậy thì sớm đang trở thành nỗi lo sợ với nhiều cha mẹ bởi những trẻ bị bệnh này thường bị thấp lùn khi trưởng thành cùng với nhiều hệ lụy nghiêm trọng khác. Khi trẻ lớn trước so với bạn bè, tâm lý của trẻ sẽ bất an, sợ hãi nên giảm tập trung học tập.

Một số trẻ lớn sớm nhưng kiến thức lại chưa kịp lớn theo nên cũng dễ phải đối mặt với nguy cơ bị lạm dụng tình dục. Những trẻ dậy thì sớm do bệnh lý trên não, trên thượng thận, nếu không điều trị sớm sẽ dẫn tới tử vong. Dậy thì sớm còn là căn nguyên gây vô sinh và dễ bị tấn công bởi những căn bệnh ung thư: ung thư vú, ung thư dạ con, ung thư buồng trứng…

Tiến sĩ Bùi Phương Thảo, Phó trưởng khoa Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền (Bệnh viện Nhi Trung ương)

Không tự ý tiêm hooc môn 

Theo tiến sĩ Bùi Phương Thảo, với những trẻ dưới 6 tuổi đã dậy thì, bác sĩ sẽ thăm khám và chỉ định tiêm hooc môn ức chế sự phát triển các đặc tính sinh dục phụ như sự phát triển của tuyến vú, lông mu, khả năng có kinh nguyệt…, từ đó giúp trẻ tập trung vào việc học, hòa đồng cùng bạn bè, tránh bị xâm hại tình dục. Về dài hạn, việc tiêm hooc môn kìm hãm dậy thì sớm sẽ giúp trẻ phát triển chiều cao sau này.

“Nếu không tiêm hooc môn thì xương bị ảnh hưởng, trực tiếp ở đây là tuổi xương phát triển trước tuổi thực. Ví dụ, nếu đứa trẻ tuổi thực là 6 tuổi, mà tuổi xương 9 tuổi, trông cao hơn so các bạn cùng tuổi nhưng tuổi xương thực ra lại già hơn các bạn 3 năm.

Do đó, trẻ bị dậy thì sớm này sẽ có ít cơ hội cao hơn so với các bạn bình thường, còn tới 3 năm phát triển chiều cao sau này. Nói cách khác, một cháu bé dậy thì trước 6 tuổi, nếu không được điều trị bằng cách tiêm hooc môn ức chế dậy thì thì sau này cháu sẽ chỉ cao 1,50m. Nhưng nếu điều trị thì cháu có thể cao thêm được 9 đến 10cm nữa”, tiến sĩ Thảo lý giải.

Anh dẫn chứng, cách đây 10 năm, anh có điều trị cho một bệnh nhi tên Hằng (6 tuổi, ở Tuyên Quang) có sự phát triển các đặc tính sinh dục phụ và tuổi xương tăng cao rõ ràng. Sau gần 5 năm điều trị bằng phương pháp tiêm hooc môn ức chế dậy thì, chiều cao của Hằng đạt mức chuẩn của trẻ bình thường. Đến nay, ở tuổi 16, Hằng đạt chiều cao 1,57m.

Với trẻ dậy thì ở giai đoạn từ 6 - 8 tuổi, đặc biệt là trẻ trên 8 tuổi thì bác sĩ sẽ cân nhắc theo từng trường hợp cụ thể để có chỉ định rõ ràng. Tiến sĩ Thảo cho rằng, điều trị ức chế dậy thì ở giai đoạn này không phải là nhất thiết. Nếu điều trị thì chỉ có thể giúp giải quyết được những vấn đề ngắn hạn như kìm hãm sự phát triển đặc tính sinh dục phụ, còn về mặt cải thiện chiều cao thì không còn nhiều.

Tiến sĩ Thảo cho biết, những trẻ phải tiêm thuốc ức chế dậy thì sớm ở bé gái thường có hiện tượng chảy máu âm đạo lần tiêm đầu tiên nhưng chưa có ghi nhận các lần tiếp theo. Việc tiêm này không ảnh hưởng đến sức khoẻ sinh sản của trẻ, không gây vô sinh sau này. Các loại thuốc này đã được sử dụng trên thế giới 30 năm nay. Các nhà khoa học đã làm các nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ tiêm thuốc ức chế dậy thì, khi họ trở thành phụ nữ thì khả năng sinh sản của họ bình thường.

“Khi trẻ có những dấu hiệu nghi ngờ là dậy thì sớm, bố mẹ nên đưa con đi khám chuyên khoa ở các bệnh viện và điều trị kịp thời, tránh ảnh hưởng nặng nề tới tương lai của con. Không nên nghe các thông tin trên mạng rồi tự ý cho trẻ tiêm hooc môn ức chế dậy thì mà không có sự chỉ định, theo dõi chặt chẽ của bác sĩ. Việc dùng hooc môn ức chế dậy thì không đúng chỉ định sẽ khiến trẻ không có được quá trình dậy thì bình thường, ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý của đứa trẻ”, tiến sĩ Thảo khuyến cáo.

Tiến sĩ Thảo cũng bày tỏ lo ngại, môi trường tiếp cận thông tin của trẻ hiện nay là một trong số những tác nhân dẫn đến dậy thì sớm: “Trước đây, trẻ em không hề biết đến internet, mạng xã hội, video… Nhưng ngày nay, internet là một phần cuộc sống của trẻ. Nếu phụ huynh không quản lý tốt vấn đề này, trẻ dễ bị tác động lên tâm sinh lý và đó cũng là lý do khiến trẻ dậy thì sớm hơn”.

Ngoài ra, tình trạng trẻ béo phì gia tăng cũng là một nguyên nhân khiến trẻ dậy thì sớm. Theo đánh giá của tiến sĩ Thảo, đây là nguyên nhân rất quan trọng và đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, những trẻ bị thừa cân, béo phì sẽ bị dậy thì sớm hơn các bạn cùng tuổi phát triển bình thường.

Theo anh, phụ huynh nên giữ tình trạng dinh dưỡng của trẻ ở mức ổn định, vừa phải, hạn chế tình trạng tăng cân quá nhiều, nhất là ở bé gái. Bên cạnh đó, cần hạn chế cho trẻ tiếp xúc sớm với các hình ảnh gợi lên quan hệ giới tính.

Đọc thêm