Chính phủ đề nghị các bộ, ngành tiếp tục triển khai quyết liệt và hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP, Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP và Chỉ thị số 26/CT-TTg để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó tập trung vào những nhiệm vụ cụ thể sau:
Đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Xóa bỏ vị thế độc quyền trong hoạt động thử nghiệm, giám định, kiểm định, chứng nhận; tạo môi trường cạnh tranh, minh bạch, có sự tham gia nhiều tổ chức.
Tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá thể, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng theo cơ chế thị trường. Sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Chính phủ về điều kiện đầu tư kinh doanh, trong đó tập trung cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; tiếp tục thực hiện kết nối thông tin giữa các bộ, cơ quan; thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại với doanh nghiệp, kịp thời xử lý những phản ánh và kiến nghị của doanh nghiệp. Phấn đấu năm 2018 cải thiện căn bản các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh.
Sửa đổi một số chính sách về lựa chọn nhà đầu tư trong vấn đề đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; đầu tư theo hình thức đối tác công tư; chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, bảo hiểm nông nghiệp.
Đánh giá, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, phương pháp định giá đất và khả năng tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Đẩy nhanh tiến độ hình thành cơ quan chuyên trách thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và cổ phần, vốn góp của nhà nước tại doanh nghiệp. Tập trung triển khai thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo lộ trình đã được phê duyệt, không dồn việc thoái vốn vào cuối giai đoạn (năm 2019-2020).
Phát triển mạnh về số lượng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa; có giải pháp phù hợp chuyển hộ cá thể sang doanh nghiệp và khuyến khích phát triển các tập đoàn tư nhân vững mạnh.
Đi kèm với việc cải thiện môi trường đầu tư, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường và cam kết hội nhập quốc tế sâu rộng. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi và chấp hành pháp luật; ban hành kịp thời các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh, nghị quyết có hiệu lực trong năm; rà soát kỹ lưỡng các văn bản pháp luật, tránh tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn cũng như rõ trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý trong việc thực thi pháp luật.
Năm 2018, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua khoảng 30 dự án luật khác nhau, trong đó trọng tâm là các Luật liên quan đến môi trường đầu tư, kinh doanh, quy hoạch, sửa đổi các Luật liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, đầu tư, kinh doanh và các luật khác liên quan bảo đảm đồng bộ với Luật Quy hoạch trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4. Đẩy nhanh công tác triển khai, thực hiện Nghị quyết chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương.
Để đat được các mục tiêu đề ra cho kinh tế, xã hội 2018, Chính phủ cũng đề ra một số vấn đề cần tập trung khác như: Tăng cường bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu;Phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế; Đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí; Giữ vững độc lập, chủ quyền, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…