Sau phần trình bày một số vấn đề lớn của dự thảo sửa đổi Luật Đặc xá, các đại biểu đã cùng thảo luận cụ thể những vấn đề còn băn khoăn.
Liên quan đến thời thiểm đặc xá, đa số các ý kiến đồng ý với quy định cố định 3 thời điểm đặc xá là Quốc khánh 2.9, ngày Tết Nguyên Đán hoặc ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30.4. Tuy nhiên, một số ý kiến còn đề nghị tần suất thực hiện đặc xá nên là 3 hoặc 5 năm một lần.
Về các trường hợp không đề nghị đặc xá (Điều 12 của dự thảo Luật), sau khi tiếp thu ý kiến các ĐB, UBTP cho rằng Luật Đặc xá hiện hành quy định không đề nghị đặc xá đối với trường hợp "trước đó đã được đặc xá” hoặc “có từ 2 tiền án trở lên”- khá chặt chẽ, phù hợp và qua thực tiễn thi hành không phát sinh vướng mắc, khó khăn. Tuy nhiên, cần bổ sung các trường hợp không được đề nghị đặc xá, như người bị kết án về một số tội quy định tại Chương XIII (Các tội xâm phạm an ninh quốc gia), Chương XXVI (Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh) và Tội khủng bố (Điều 299) của BLHS.
Phát biểu trong phiên họp sáng nay, bà Nguyễn Thanh Hải, - Trưởng Ban Dân nguyện- lo lắng về tính minh bạch, công khai, công bằng của việc lựa chọn, xét duyệt đối tượng đặc xá. Bà cho rằng quy trình tương đối khép kín trong nội bộ ngành Công an và “Chưa được rõ ràng”. Bà đề nghị quy định rõ ràng hơn về trình tự thủ tục tham gia của VKS trong giám sát, thanh tra quá trình thực hiện đặc xá, cân nhắc bổ sung đại diện cơ quan dân cử như ĐBQH hay cơ quan QH khi thành lập hội đồng tư vấn đặc xá.
Trả lời băn khoăn của bà Hải, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn khẳng định: “Không có chuyện khép kín hay không minh bạch”. Đặc biệt, Viện kiểm sát thực hiện giám sát thường xuyên, chặt chẽ và là thành viên của hội đồng. Ngoài ra còn có cơ quan tổ chức khác cũng giám sát chặt chẽ quá trình xem xét đặc xá.
Liên quan đến điều kiện về thực hiện nghĩa vụ bồi thường và các nghĩa vụ dân sự để được đề nghị đặc xá, nhiều ĐB cũng đề nghị cần cân nhắc để bảo đảm công bằng, cho người chấp hành án là người nghèo, chưa có điều kiện thực hiện nghĩa vụ dân sự thì vẫn được xét đặc xá, để đảm bảo ý nghĩa của chính sách đặc xá, đồng thời làm mất đi động lực của những người bị kết án là người nghèo phấn đấu cải tạo tốt.
Tuy nhiên, theo UB Tư pháp Dự luật cần quy định theo hướng người bị kết án phải thực hiện xong nghĩa vụ nhưng trừ trường hợp có quyết định của thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền về việc chưa có điều kiện thi hành án hoặc có văn bản của người được thi hành án đồng ý hoãn thi hành án, không yêu cầu thi hành án đối với tài sản không thuộc sở hữu của Nhà nước.