Sửa đổi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thế nào?

(PLVN) - Thảo luận về Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội cho rằng, Dự Luật cần phải là bước cải tiến về cải cách hành chính, tạo sự minh bạch và thuận lợi cho doanh nghiệp. Đồng thời, Luật cần quy định rõ, chặt chẽ để xử lý nghiêm hành vi lợi dụng việc đưa lao động ra nước ngoài nhằm trục lợi, vô trách nhiệm, bỏ rơi người lao động khi gặp khó khăn, bỏ rơi người lao động ở nước ngoài...
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật  sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

Không để người lao động bị lừa

Đại biểu (ĐB) Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội) đề nghị Dự Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cần phải bổ sung quy định về giảm chi phí cho người lao động và tránh tình trạng lừa đảo người lao động. Cùng với đó, cần có sự hài hòa trong chính sách xuất khẩu lao động và chính sách đảm bảo nguồn nhân lực cho phát triển đất nước, phải đặt trong bối cảnh già hóa dân số đang diễn ra, đất nước ta cần có nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. 

Nhắc lại sự việc 39 người Việt thiệt mạng trong xe container tại Anh hồi năm ngoái, ĐB Thích Bảo Nghiêm (đoàn Hà Nội) cho rằng, có những người nhẹ dạ, bị lừa sang nước ngoài lao động rồi bơ vơ. Vì thế, Dự Luật cần phải có những quy định thật chặt chẽ, tránh để tình trạng người lao động Việt Nam ra nước ngoài rồi trốn chui, trốn lủi.

Đề cập đến việc nhiều cá nhân, doanh nghiệp tổ chức các đường dây đưa người ra nước ngoài dẫn đến hậu quả chết người, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) đề nghị phải có hành lang pháp lý để cảnh báo, ngăn chặn, răn đe và xử lý các đối tượng đi ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng chính thống, nhưng khi sang tới nơi lại bỏ ra ngoài làm việc, dẫn tới mất niềm tin giữa Việt Nam với các nước trong xuất khẩu lao động.

Đề cập đến tình trạng nhiều người bị lừa đưa đi xuất khẩu phải làm việc rất vất vả, nhiều người xuất cảnh khi chưa được cho phép hay hành vi môi giới lừa gạt trái pháp luật, cưỡng bức lao động, đi rồi trốn ở lại…, Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, những hành vi lợi dụng làm trái là vi phạm pháp luật phải bị xử lý.

Tại các quốc gia có nhiều lao động Việt Nam sẽ có bộ phận tham tán thương mại để xử lý và bảo hộ công dân khi xảy ra tai nạn lao động, xử lý theo pháp luật sở tại. Còn doanh nghiệp nào lợi dụng để thu phí môi giới trái pháp luật dứt khoát phải xử lý.

Thành lập Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC 

Chiều 10/6, với 92,96% ĐB tán thành, QH đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

Trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga cho biết, do yêu cầu đặc biệt về chuyên môn của giám định viên tư pháp, ngoài các điều kiện về trình độ đào tạo thì thời gian công tác thực tế đối với người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp có ý nghĩa rất quan trọng. Vì vậy, để bảo đảm chất lượng đội ngũ giám định viên tư pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị cho giữ quy định về thời gian công tác thực tế của người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp như quy định hiện hành là 5 năm.

 Về Phòng kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC, do còn ý kiến khác nhau nên UBTVQH đã chỉ đạo Tổng Thư ký QH xin ý kiến ĐB. Kết quả, có 51,35% tổng số ĐB tán thành phương án bổ sung quy định “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC”. UBTVQH đề nghị QH cho tiếp thu theo đa số ý kiến ĐB QH.

 UBTVQH cho rằng vấn đề này đã được cân nhắc kỹ trên cơ sở thực tiễn hoạt động tố tụng, nhằm đáp ứng yêu cầu công tác điều tra, xử lý tội phạm về tham nhũng, tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp.

Theo điều luật, Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC thực hiện giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử. Căn cứ vào nhu cầu và điều kiện thực tế của địa phương, Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh có giám định viên pháp y thực hiện giám định pháp y tử thi. Chính phủ quy định chi tiết chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc của tổ chức giám định tư pháp công lập. Viện trưởng VKSNDTC quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC, trình UBTVQH phê chuẩn. 

Băn khoăn việc mở rộng chủ thể ký thỏa thuận quốc tế 

Cho ý kiến về Dự án Luật Thỏa thuận quốc tế, ĐB Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh), ĐB Lê Thành Long (đoàn Kiên Giang) và nhiều ĐB khác bày tỏ băn khoăn với việc mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế đến UBND cấp huyện và cấp xã. 

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phân tích, so với Pháp lệnh 2007, Dự thảo Luật bổ sung 3 nhóm chủ thể là: Nhà nước và Chính phủ; các cơ quan dưới cấp Bộ như tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; cơ quan cấp tỉnh của các tổ chức chính trị xã hội…

Phạm vi mở rộng chủ thể như vậy là rất rộng, chừng mực nào đó không khả thi vì không thể nào quản được. Theo pháp lệnh hiện hành chỉ ở một số cấp ở dạng nhận thức cao mà còn khó khăn huống hồ đến cấp xã.

Đề xuất bỏ tất cả các quy định liên quan đến các thỏa thuận quốc tế về đầu tư khỏi Dự thảo Luật, ĐB Lê Thành Long cho rằng “để tránh tuyệt đối trường hợp mà những bên ký các thỏa thuận quốc tế, đặc biệt là với số lượng chủ thể được mở rộng như vậy thì phải đánh giá rất kỹ và loại trừ được hết các khả năng mà cách hiểu rằng, kể cả cấp xã, kể cả cấp huyện rồi cơ quan chuyên môn cấp tỉnh ký thỏa thuận với một bên nước ngoài mà không phát sinh trách nhiệm quốc tế là chúng ta phải bồi thường. Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu rất kỹ theo hướng phải hết hết sức rạch ròi và những gì có thể phát sinh trách nhiệm pháp lý quốc tế của Nhà nước”. 

Đọc thêm