Phiên thảo luận về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020; việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới bảo hiểm BHYT trong 2 năm 2019-2020.
Lo ngại số người hưởng BHXH một lần có xu hướng gia tăng
Phát biểu tại phiên họp, đề cập đến việc số người hưởng BHXH một lần có xu hướng gia tăng, tác động lớn đến chính sách an sinh xã hội của Nhà nước, Đại biểu Hoàng Ngọc Định (đoàn Hà Giang) đề nghị Chính phủ có xem xét, có phương án linh hoạt trong việc quy định thời gian tham gia đối với người tham gia BHXH tự nguyện, tính toán mức hưởng phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động trực tiếp được tiếp cận và thụ hưởng BHXH.
Cũng băn khoăn về tình trạng số người hưởng BHXH một lần gia tăng, Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (đoàn Hải Dương) chỉ ra rằng, đa số những người hưởng chế độ BHXH một lần là những người lao động trẻ, nhu cầu về chi tiêu tài chính lớn và không tính đến tích lũy thời gian đóng BHXH để đủ 20 năm và đủ tuổi nghỉ hưu.
Khẳng định việc hưởng BHXH một lần là nhu cầu thực tế của người lao động, Đại biểu Sơn cũng dẫn dự báo cho rằng số người hưởng chế độ BHXH một lần sẽ tăng cao vào các năm tiếp theo.
Trước thực trạng đó, Đại biểu đề xuất sớm nghiên cứu sửa đổi quy định về hưởng BHXH một lần theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH, sớm sửa Luật BHXH để thực hiện các giải pháp đã nêu tại Nghị quyết, thực hiện các nội dung cải cách về xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, hướng tới bao phủ toàn dân.
Cùng với đó, sửa đổi điều kiện về thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí theo hướng linh hoạt nhằm giảm số người hưởng BHXH một lần, điều chỉnh cách tính lương hưu bảo đảm kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng – hưởng công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững, tăng sức hấp dẫn và tính liên kết giữa các chế độ BHXH nhằm mục tiêu mở rộng diện bao phủ…
Điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối với ngân sách Nhà nước
Phát biểu tiếp thu, giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định BHXH đến nay đã từng bước trở thành trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, góp phần nâng cao khả năng chống chịu, phòng ngừa và khắc phục rủi ro cho người lao động trong quá trình tham gia.
Thời gian tới, Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam và các cơ quan sẽ khẩn trương đề xuất Quốc hội xem xét, sửa đổi một cách căn cơ Luật BHXH và Luật Việc làm.
“Cuối tháng 10 này, phiên họp Chính phủ sẽ bàn về nội dung luật BHXH sửa đổi”, Bộ trưởng Dung cho hay.
Về thể chế hóa Nghị quyết 28, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, có một số nội dung đã tiến hành như điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối với ngân sách Nhà nước.
“Tới đây, sẽ tập trung giải quyết một số vấn đề như phát triển hệ thống BHXH đa tầng, sửa đổi giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới giảm còn 10 năm; phát triển nguyên tắc bảo hiểm theo hướng bảo đảm nguyên tắc đóng – hưởng công bằng, bình đẳng và phát triển bền vững…”, ông Dung nói.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đề cập đến việc sử dụng các quỹ ngắn hạn đúng mục đích, tăng quyền lợi cho người lao động, nghiên cứu điều chỉnh phát huy kết dư trong thúc đẩy thị trường lao động, xây dựng các chính sách hấp dẫn người lao động tham gia BHXH.
Về các đề xuất, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất Quốc hội giao cho Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sử dụng kết dư của các quỹ BHXH ngắn hạn để hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch và các yếu tố rủi ro.