Vừa là nghĩa vụ, vừa là niềm tự hào
Khi lòng dân hướng về chủ quyền biển đảo, sức mạnh của thế trận Biên phòng toàn dân được nhân lên. Ngư dân chính là chỗ dựa vững chắc cho BĐBP trong thực thi nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới biển, đảo của Tổ quốc.
Ở Đà Nẵng, địa phương này hiện có 583 tàu công suất trên 90CV, trong đó tàu trên 400CV chiếm 75%. Đây là lực lượng thường xuyên bám biển, là sợi dây thông tin liên lạc giữa biển, đảo và đất liền.
Để mối liên lạc giữa biển, đảo và đất liền luôn vững chắc, sự liên kết giữa ngư dân và lực lượng BĐBP là hết sức quan trọng. Qua hệ thống liên lạc, mọi thông tin, tình hình trên biển được ngư dân truyền tải đầy đủ về đất liền.
Đều đặn mỗi ngày hai lần vào 8h và 15h, tất cả các thuyền trưởng đồng loạt lên máy báo cáo tình hình về cho lực lượng biên phòng. Các thông tin về vị trí neo đậu, tình hình an ninh trật tự trên biển, các tàu nước ngoài trong khu vực… là những dữ liệu quý giá hỗ trợ lực lượng BĐBP trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Hiện Đồn Biên phòng Phú Lộc (quận Thanh Khê) thường xuyên giữ liên lạc với 25 tàu cá có công suất lớn. Đây là lực lượng thường xuyên đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển ngoài khơi của nước ta. Khi có bất cứ thông tin bất thường nào trên biển, ngư dân thông báo về Đồn Biên phòng Phú Lộc để kịp thời có phương án hỗ trợ.
“Trong năm 2018, Đồn Biên phòng Phú Lộc liên lạc được 2.112 lượt phương tiện, nắm được 24 nguồn tin về tàu nước ngoài xâm phạm chủ quyền, tai nạn, cứu hộ cứu nạn. Quận Thanh Khê hiện có trung đội dân quân biển, được biên chế trên bốn tàu lớn. Khi có yêu cầu ứng cứu, các tàu đều cố gắng để hỗ trợ lẫn nhau”, Thượng tá Đinh Quang Phòng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Phú Lộc cho biết.
Ông Mai Đăng Nhiều (SN 1962, ở phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) gắn bó gần 40 năm với nghề đánh bắt hải sản. Trước đây, ông mua lại con tàu cũ số hiệu ĐNa 90029TS và nâng cấp lên 700CV để vươn khơi bám biển dài ngày.
Với kinh nghiệm dày dạn sóng gió và giữ trọng trách Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường An Hải Bắc, nhiều lần ông Nhiều kịp thời thông báo tình hình bất ổn trên biển về đất liền cho lực lượng BĐBP. Phường An Hải Bắc hiện có 35 tàu, công suất mỗi tàu trên 400CV. Trong mỗi chuyến ra khơi, các tàu đi theo tổ, đội để hỗ trợ nhau trong sản xuất và giúp đỡ khi tàu bạn có sự cố.
“Ngư dân chúng tôi là lực lượng thường xuyên có mặt trên biển, vừa làm kinh tế vừa đóng vai trò khẳng định chủ quyền biển, đảo quốc gia. Biển không có ngư dân giống như nhà không có cửa vậy. Ngư dân như cột mốc sống, con tàu với lá Quốc kỳ tung bay chính là ranh giới quốc gia rõ ràng nhất trên biển, đảo”, ông Nhiều tự hào nói.
Trên trận tuyến giữ an ninh trật tự trên biển
Ngư dân Nguyễn Truyền (thường gọi là Mười Truyền, ở thôn Phú Lạc, xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) tự nhận mình là đồng đội của các chiến sĩ Biên phòng, là “lính” được huấn luyện từ “lò đào tạo” của anh Ba Vinh (Đại tá Nguyễn Quang Vinh, nguyên Phó Chỉ huy trưởng về Nghiệp vụ BĐBP Phú Yên) nên có phần tinh thông về nghiệp vụ.
Anh Mười Truyền rành rọt bảo, đi bắt tội phạm thì hạn chế dùng tàu của BĐBP, bởi hễ tàu vừa xuất kích từ trong bờ thì ở ngoài biển, tội phạm sẽ nổ máy, cao chạy xa bay. Chưa nói, khi truy bắt không kịp, chúng thả tang vật xuống biển tẩu tán. Không có tang vật để buộc tội coi như chuyện phá án không thành. Vậy nên, để đảm bảo cho cuộc đấu tranh có kết quả, nên dùng tàu cá ngụy trang.
Cho tới giờ, Mười Truyền cũng không thể nhớ, mình đã bao nhiêu lần lái tàu chở BĐBP ra biển tuần tra, truy đuổi, vây bắt các đối tượng dùng thuốc nổ, hóa chất đánh bắt thủy sản. Song, có những chuyến đi để lại những dấu ấn khó quên mà với anh, nó còn lưu giữ niềm tự hào, bởi anh đã được tham gia như một người lính thực thụ, một người đồng đội của các chiến sĩ BĐBP trong cuộc đấu tranh bảo vệ môi trường biển.
Anh Truyền kể, một ngày cuối năm 2014, sau chuyến biển đêm trở về, vừa bán cá xong, đang neo ghe vào bến để về nhà nghỉ ngơi, anh chợt nghe cuộc điện thoại từ một thuyền đánh cá của anh em Tổ trật tự an ninh xã Hòa Hiệp Trung cho hay, ngoài Hòn Khô có chiếc vỏ lườn, nghi sử dụng thuốc nổ. Qua điện thoại trao đổi nhanh với Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam, anh “điều” ngay cậu em út của mình cùng lên tàu, chở đội công tác của BĐBP ra Hòn Khô.
|
Ngư dân Nguyễn Truyền (ngồi giữa) kể về những lần lái tàu đưa BĐBP đi truy quét nạn dùng thuốc nổ đánh bắt hải sản |
Thực hiện phương án nghi binh theo kế hoạch đã bàn với Đại úy Lê Xuân Thắng, Đội trưởng Đội công tác, khi tàu chạy đến gần Hòn Khô, Mười Truyền tắt máy, cho tàu thả trôi. Cùng lúc, anh đề nghị, một số chiến sĩ cởi trần, giống ngư dân đi đánh cá. Anh em khác mang súng thì vẫn mặc quân phục, ẩn nấp trong ca bin. Quan sát từ xa, anh thấy một chiếc ghe phía trước cứ lượn lờ quanh Hòn Khô. Không lâu, anh lại nghe ầm... ầm, hai tiếng nổ liên tiếp dội lên từ lòng biển.
Tiếp tục để mắt dõi về Hòn Khô, Mười Truyền thấy từ chỗ chiếc ghe đang nghi vấn có ba người nhảy xuống biển. “Tui thầm nghĩ, nếu chạy thẳng tới sẽ không bao giờ bắt được chúng. Vậy là, tui bảo chú Út đề máy, rút ga lên, cho tàu chạy vòng lại theo chiều nước trôi, vờ như người đi vớt cá bị nổ để ăn”, anh Truyền kể.
Anh lấy hai cây vợt, bảo hai chiến sĩ đứng hai bên mạn tàu, cầm vợt giơ cao như chuẩn bị vớt cá nhằm đánh lạc hướng đối tượng. Canh khi mũi tàu tới chỗ thuận tiện, anh hạ lệnh cho lái tàu ôm cua, vòng tới, đẩy mạnh hết cỡ. Chiếc tàu vừa cập vào mạn thuyền bên kia, Mười Truyền cất tiếng hô to, cùng lúc anh nhảy ngay qua tàu vi phạm.
“Mình phải khống chế thuyền trưởng trước để yêu cầu giảm ga, các chiến sĩ Biên phòng mới nhảy qua được bên tàu vi phạm thi hành nhiệm vụ. Nếu không nhanh, thuyền trưởng tàu vi phạm sẽ liều lĩnh tăng ga chạy, không lường được nguy hiểm”, Mười Truyền chia sẻ.
Thế nhưng, việc phá án cũng chưa thể nhanh như dự định khi Đội công tác không tìm thấy lượng thuốc nổ trên tàu. Suốt đêm về suy nghĩ, Mười Truyền chợt nhớ, thông thường, nếu ngâm thuốc nổ dưới nước mặn sẽ nổ mạnh hơn.
Vậy có thể tang vật nằm dưới lớp đá lạnh dày ở hầm tàu. Sáng ra, ý kiến đề nghị của anh được thực thi. Khi những khối đá lạnh vừa được bốc lên khỏi hầm tàu thì tang vật lộ diện với 177 kíp nổ, 53m dây cháy chậm, 75 quả nổ tự tạo, 66kg thuốc nổ các loại, 450 lon kim loại (vật liệu làm quả nổ) buộc các đối tượng phạm tội phải cúi đầu thừa nhận vi phạm.
Ở Hà Tĩnh, nghề đánh bắt trên biển mang lại nguồn thu nhập lớn cho nhiều ngư dân huyện Lộc Hà, song cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro… Vì vậy, huyện đã hình thành các tổ đội sản xuất trên biển để ngư dân hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế biển.
Trong hơn năm năm qua, toàn huyện đã thành lập mới sáu HTX, 15 tổ hợp tác. Nhìn chung, các HTX, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, góp phần bảo vệ nguồn lợi hải sản, bảo hộ an toàn lao động và đảm bảo an ninh, quốc phòng trên biển.
Ông Nguyễn Xuân Long, Tổ trưởng Tổ hợp tác đánh bắt thủy sản thôn Long Hải, xã Thạch Kim cho hay: “Từ khi có tổ hợp tác, chúng tôi đã tập hợp nhau lại, đoàn kết không chỉ trong tổ mà còn liên kết với các tổ khác phối hợp đánh bắt, giúp đỡ nhau trên biển.
Mỗi lần đánh bắt, khi một thuyền phát hiện luồng cá thì phát tín hiệu để các thuyền khác tổ chức khai thác, việc này vừa tiết kiệm thời gian, năng suất đánh bắt cũng cao hơn trước đây. Bên cạnh đó, việc lênh đênh trên biển hàng ngày, hàng tháng khó có thể tránh khỏi rủi ro, bất trắc như thuyền hỏng, gặp bãi rạn san hô, thiên tai…
Khi đó, chúng tôi kêu gọi các thuyền khác trong tổ đến ứng cứu, kéo ra khỏi vùng nguy hiểm. Nhờ tổ đội hỗ trợ nhau, sản lượng đánh bắt cá tăng lên, riêng tổng thu nhập của thuyền chúng tôi hiện nay mỗi năm đạt trên 1 tỷ đồng, cao hơn so với trước đây”.
Việc liên kết trong đánh bắt thủy sản còn giúp các thành viên trong tổ thường xuyên trao đổi thông tin về ngư trường, thị trường tiêu thụ, kịp thời khai thác các luồng cá tập trung; đặc biệt, một số tổ đã bắt đầu hình thành việc phân công tàu thuyền chuyên làm công tác hậu cần, cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm…