Sửng sốt với những đường hầm đất sét, công viên tượng cát

(PLO) - Đường hầm đất sét, Công viên tượng cát hay làng Pháp trên đỉnh Bà Nà… là những sáng tạo gần đây từ các đơn vị làm du lịch, thu hút quan tâm của du khách gần xa. So với thế giới, Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng du lịch chưa khai phá hết, chờ đợi những tư duy mới mẻ.
Nhờ tư duy mới mẻ, nhà đầu tư đã biến đồi cát đỏ ở Mũi Né thành một công trình du lịch độc đáo, thu hút khách thời gian qua.
Nhờ tư duy mới mẻ, nhà đầu tư đã biến đồi cát đỏ ở Mũi Né thành một công trình du lịch độc đáo, thu hút khách thời gian qua.

Đột phá từ tư duy mới mẻ

Theo công bố của đại diện đơn vị thực hiện công trình Công viên tượng cát (Forgotten Land), thì thời điểm gần đây, đặc biệt là Tết Nguyên đán, mỗi ngày, công viên đón khoảng 1000 lượt khách. Đó là một con số khá đáng mơ ước với một công trình du lịch, vui chơi mới đưa vào hoạt động.

Trước đó, chưa ai nghĩ đến ý tưởng một đồi cát đỏ Phan Thiết vốn đang khai thác tốt tiềm năng du lịch lại có thể còn đột phá hơn nữa với một công trình tượng điêu khắc từ cát. Trên quy mô khoảng 2ha là vài chục tượng cát lớn nhỏ, tạo thành một “thành phố cổ tích” với lâu đài, các nhân vật cổ tích, thần thoại Việt và thế giới (Thạch Sùng, Sơn Tinh Thủy Tinh, nàng Lọ Lem, chú mèo đi hia…), và tượng điêu khắc tái hiện một số công trình kiến trúc của Việt Nam.

Dưới các bàn tay nghệ nhân tài hoa đến từ nhiều nước, cộng với màu cát đỏ trầm đặc trưng vùng đất Phan Thiết, công viên cát mang một vẻ đẹp huyền hoặc, độc đáo. Đó cũng chính là lý do công trình du lịch này trở thành điểm đến hút du khách dịp Tết Nguyên đán vừa qua. 

Trước đó, với ý tưởng dùng đất sét điêu khắc thành một đường hầm dài, tái hiện lại một Đà Lạt từ nguyên thủy đến thành phố du lịch nổi tiếng ngày nay, chủ nhân của Đường hầm đất sét đã “thắng lớn” khi lượng khách đổ về đây ngày một đông hơn, dịp Tết vừa qua cũng tiếp hàng ngàn lượt khách mỗi ngày.

Với chiều dài 1.200m chứa đựng những kiến trúc theo phong cách cổ điển, nằm trải dài dưới cánh rừng thông bạt ngạt, hoàn toàn dễ hiểu khi ý tưởng này nhận được ủng hộ của du khách gần xa. Đà Lạt cũng là vùng đất có nhiều sáng tạo mới mẻ trong hoạt động du lịch.

Dường như, mỗi một  năm, Đà Lạt lại đẹp ra, “thay áo” với nhiều công trình mới và điểm du lịch mới được khám phá, đưa vào phục vụ du lịch: Rừng lá phong, đồng hoa lavender, vườn mai anh đào, mê cung tình yêu từ cây xanh, các suối, thác… liên tục “làm mới” bản đồ du lịch của Đà Lạt. 

Làng Pháp trên đỉnh Bà Nà cũng là một minh chứng cho tư duy sáng tạo, biết tận dụng ưu thế thiên nhiên để làm du lịch. Trước đó, Bà Nà vốn cũng đã là một đỉnh núi xinh đẹp, khí hậu mát mẻ được nhiều người biết đến.

Tuy nhiên, từ cáp treo và làng Pháp trên đỉnh Bà Nà được đưa vào hoạt động, thì lượng du khách mới tăng đột biến, và Bà Nà trở thành một điểm du lịch thu hút du khách trên cả nước và nước ngoài. Không khí mát mẻ, se lạnh quanh năm cùng cảnh sắc hữu tình đã cực kì thích hợp với một không gian châu Âu cổ kính, sang trọng.

Đây cũng là làng châu Âu xinh đẹp và có quy mô nhất đầu tiên xây dựng tại Việt Nam. Chỉ trong nửa đầu năm 2016, cáp treo Bà Nà đạt gần 732 tỷ đồng doanh thu, thời điểm cao điểm, mỗi ngày Bà Nà Hills đón trên 20 ngàn lượt khách tham quan. Một con số đáng mơ ước cho không chỉ các điểm du lịch trong nước.

Còn rất nhiều tiềm năng “ngủ quên”?

Cái hay của những người làm du lịch có tư duy mới mẻ, đó là biết nhìn ra những ưu điểm của mỗi vùng đất và tận dụng được những ưu thế ấy và khai thác một cách hiệu quả bằng những cách thức đầy sáng tạo. Nhiều vùng đất tưởng chừng bị lãng quên, hoặc tưởng đã khai thác hết mọi tiềm năng, nhưng với nhiều “phù thủy” khai thác du lịch, mảnh đất ấy vẫn có thể được nâng tầm hơn, trở thành điểm du lịch “hái ra tiền”.

Tuy nhiên, đáng buồn là tỉ lệ thắng cảnh, điểm du lịch được khai thác hiệu quả như thế chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Ngược lại, nước ta còn rất nhiều thắng cảnh tuyệt đẹp, có thể sánh ngang với nhiều điểm du lịch nổi tiếng thế giới, nhưng chưa được đầu tư, khai thác đúng hướng. Cạnh đó, còn tình trạng khai thác một cách manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, khiến hoạt động du lịch không chỉ không tôn được nét đẹp mà còn góp phần “phá nát” cảnh quan.

Như câu chuyện du lịch Phú Yên, phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” tạo ra những thước phim quảng cáo hoàn toàn miễn phí, giúp cho Phú Yên trở thành một điểm đến đáng lưu tâm cho những người yêu du lịch. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm, Phú Yên vẫn đang khá loay hoay, chưa tìm ra được những hướng đi giúp du lịch ở vùng đất này tỏa sáng.

Một trong những thắng cảnh có vẻ đẹp say lòng người nhất nước có lẽ phải kể đến Ninh Bình. Với non nước hữu tình mang vẻ đẹp thuần Việt, Quảng Bình có tất cả các yếu tố hấp dẫn từ núi non, hồ, sông, hang động và cả ngôi chùa Bái Đính kỉ lục…, đủ để trở thành một điểm tham quan du lịch lý tưởng cho không chỉ người Việt.

Tuy nhiên, nhiều năm nay, du lịch Ninh Bình vẫn chỉ phát triển bình bình dựa trên những ưu thế sẵn có, không có tính bứt phá xứng tầm với tiềm năng. Khi phim “King Kong” chọn Ninh Bình xuất hiện trong một cảnh quay của phim, địa danh này nhanh chóng được biết đến trên toàn thế giới. Song tất cả còn chờ tư duy của những người làm du lịch ở Ninh Bình, có biết khai thác một cách sáng tạo trên những nền tảng có lợi sẵn có hay không.

Được biết, hiện Ninh Bình đã có ý tưởng lưu giữ phim trường, xây dựng tour du lịch phim trường để làm du lịch. Tuy nhiên, đây mới chỉ là ý tưởng, còn thực tế như thế nào thì phải chờ tiếp vào các nhà đầu tư.

Đọc thêm