Giá phân bón tăng, áp lực bủa vây doanh nghiệp
Bước qua giai đoạn 2020 - 2021 khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp sản xuất phân bón tưởng chừng sẽ “dễ thở” hơn khi dịch bệnh được kiểm soát. Tuy nhiên, tình hình kinh tế, chính trị thế giới đã khiến ngành phân bón trong nước lại đối mặt với những thách thức mới.
Không chỉ chịu nhiều tác động sau đại dịch như giá cước vận chuyển tăng mạnh, giá dầu, giá khí tự nhiên tăng cao… giá phân bón còn chịu ảnh hưởng lớn từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, bởi đây là hai quốc gia xuất khẩu phân bón hàng đầu thế giới. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp vào giá phân bón trong nước, theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), tính đến giữa năm 2022, giá phân bón đã tăng phi mã, lên mức cao nhất trong 50 năm trở lại đây.
Chia sẻ tại một diễn đàn mới đây, ông Vũ Xuân Hồng - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho biết: Giá phân bón tăng, bắt nguồn từ nguồn cung vật liệu tăng đột biến, trong đó phải kể đến như giá lưu huỳnh tăng gấp đôi, giá ure tăng 89%, thêm vào đó là nguồn cung quặng Apatit cho sản xuất Supe lân không đủ. Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao phải giảm tải sản xuất dây chuyền Supe lân và A xít, làm chi phí chung tăng cao.
Với sự tăng cao của giá nguyên vật liệu, doanh nghiệp đối mặt với thực tế không đủ nguyên liệu, khiến cho hoạt động sản xuất cầm chừng, không đạt công suất, điều này đã trực tiếp đẩy giá thành phân bón tăng cao. Theo ông Vũ Xuân Hồng, năm 2021 và 6 tháng năm 2022, phân bón sụt giảm 20-25% về sản lượng so với cùng kỳ. Như Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao sụt giảm trên 100-200.000 tấn.
Chưa dừng lại ở đó, việc phân bón tăng giá phi mã là một trong những lý do khiến không ít nông dân bỏ ruộng, diện tích nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ phân bón của công ty khi sức tiêu dùng của thị trường đi xuống. Trước thực tế trên, bài toán đặt ra là làm sao để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người nông dân, đơn vị kinh doanh và đơn vị sản xuất trước áp lực giá phân bón ngày càng tăng.
Tìm lời giải cho bài toán phân bón tăng giá
Vốn đã gặp nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất nông nghiệp khi có nhiều thời điểm nông sản rớt giá, khó tìm đầu ra cho sản phẩm, giá phân bón tăng cũng đồng nghĩa với gánh nặng của người nông dân tăng thêm. Để chia sẻ với bà con nông dân, từ nhiều năm qua, Supe Lâm Thao đã triển khai việc bán phân bón trả chậm trên khắp cả nước. Với hình thức này, nông dân sẽ nhận phân bón trước để kịp thời vụ sản xuất, 4-6 tháng sau, khi nông sản bước vào vụ thu hoạch, công ty mới thu tiền bán trước đó.
Người dân được Supe Lâm Thao hỗ trợ về phân bón, trang bị kiến thức để nâng cao sản lượng và chất lượng nông sản |
Việc bán phân bón trả chậm đã tạo điều kiện cho hội viên, nông dân kịp thời đầu tư sản xuất, đồng thời tiếp cận và sử dụng vật tư nông nghiệp bảo đảm chất lượng, nhất là nguồn phân bón chính hãng. Tính riêng 9 tháng đầu năm 2022, Supe Lâm Thao đã bán trả chậm khoảng 40 ngàn tấn phân bón (tương đương gần 240 tỷ đồng) cho bà con nông dân trên toàn quốc.
Bên cạnh hỗ trợ để người nông dân có phân bón kịp thời vụ, doanh nghiệp còn đẩy mạnh trang bị kiến thức cho bà con. Thời gian qua, công ty đã tổ chức hàng ngàn lớp tập huấn hướng dẫn sử dụng phân bón Lâm Thao tại nhiều địa phương trên cả nước; đồng thời phối hợp với các địa phương thực hiện nhiều mô hình trình diễn sử dụng phân bón Lâm Thao trên các loại cây trồng khác nhau. Nhờ sử dụng phân bón Lâm Thao đúng quy trình kỹ thuật, rất nhiều vùng trồng đã đạt năng suất và chất lượng nông sản cao hơn so với các vụ trước đó; không những giúp nông dân tiết kiệm được tối đa chi phí, mà còn giúp giảm thiểu đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường.
Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm tri ân, tăng cường mối quan hệ hợp tác gắn bó với các nhà phân phối, khách hàng |
Không chỉ đồng hành cùng người nông dân trong sản xuất nông nghiệp, công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cũng có nhiều hoạt động nhằm tri ân, tăng cường mối quan hệ hợp tác gắn bó với các nhà phân phối, khách hàng trong lĩnh vực sản xuất, cung ứng phân bón. Đối với các đối tác, Supe Lâm Thao luôn cam kết không ngừng nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm.
Bên cạnh đó, từ đầu năm 2021, công ty đã thực hiện việc gắn tem thông minh (QR- code) cho mỗi bao phân bón. Không những giúp bà con dễ dàng nhận diện hàng chính hãng cũng như hướng dẫn sử dụng, các chương trình khuyến mãi… mã QR- code của Supe Lâm Thao còn giúp quá trình quản trị nội bộ của doanh nghiệp trở nên dễ dàng hơn. Các quy trình như kiểm soát vùng bán, truy xuất nguồn gốc, chăm sóc khách hàng… tất cả đều có thể tương tác hai chiều. Từ khi được triển khai đến nay, con tem 4.0 đã giúp đảm bảo lợi ích của cả người tiêu dùng, nhà phân phối lẫn doanh nghiệp sản xuất.
Việc quét mã QR-code trên bao bì đã trở nên quen thuộc đối với khách hàng khi mua phân bón của Supe Lâm Thao |
Với uy tín trong quá trình hợp tác, từ nhiều năm qua, hệ thống các nhà phân phối trên cả nước đã luôn gắn bó đồng hành cùng Supe Lâm Thao trong công tác tiêu thụ sản phẩm phân bón.
Đối với hoạt động sản xuất, Supe Lâm Thao cũng nỗ lực để tiết kiệm tối đa chi phí, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm. Là một trong những đơn vị sản xuất phân bón hàng đầu cả nước, nên để ổn định nguồn cung, doanh nghiệp phải chuẩn bị nguồn nguyên liệu đầu vào. Để chủ động trong đảm bảo nguồn cung đảm bảo sản xuất, doanh nghiệp cũng đã ký hợp đồng mua các lô lớn với giá cả hợp lý, tận dụng tối đa nguyên liệu trong nước. Trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát mạnh năm 2021, dù một số thời điểm rơi vào tình trạng hết hàng, tuy nhiên nhìn chung hoạt động sản xuất của công ty vẫn được duy trì, công suất hoạt động được đẩy mạnh tối đa.
Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bà con nông dân trong sản xuất nông nghiệp, những năm qua, Supe Lâm Thao đã nỗ lực không ngừng để nâng cao chất lượng sản phẩm và cho ra mắt thị trường những sản phẩm mới, phù hợp với xu hướng nông nghiệp xanh. Năm 2021, công ty đã cho ra mắt các sản phẩm mới: phân bón hữu cơ khoáng Lâm Thao; phân bón NPK-S hàm lượng cao thế hệ mới Lâm Thao. Đặc biệt, đầu năm 2022, doanh nghiệp đã đưa ra thị trường sản phẩm Supe lân vi sinh Lâm Thao. Các sản phẩm mới của Công ty đã nhận được đánh giá cao của khách hàng và nông dân về hiệu quả sử dụng trên nhiều loại cây trồng.
9 tháng đầu năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá thực tế) của Supe Lâm Thao đạt 2.538 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ |
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, nên dù trong giai đoạn khó khăn khi giá phân bón biến động mạnh, trong 9 tháng đầu năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá thực tế) của công ty vẫn đạt 2.538 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ. Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 2.508 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ. Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, công ty cũng đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm như: đẩy nhanh tốc độ chuyển đối công nghệ số, cải tiến trong công tác gắn tem thông minh có gắn mã QR - code trên bao bì sản phẩm…
Những kết quả trên cho thấy hướng đi đúng đắn của Supe Lâm Thao khi đảm bảo hài hòa lợi ích giữa đơn vị sản xuất, đơn vị kinh doanh và người tiêu dùng. Đây được xem là “kiềng ba chân” giữ cho doanh nghiệp đứng vững giữa những biến động, áp lực, nhất là khi giá phân bón tăng cao như hiện nay.