Sỹ tử lớp 12 quyết tâm đạt kết quả thi tốt nhất

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa sẽ diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2024. Đây là năm cuối cùng thi theo chương trình giáo dục phổ thông 2006, dự kiến năm sau có nhiều thay đổi. Điều này khiến các “sĩ tử” quyết tâm đạt được kết quả tốt nhất cho kỳ thi sắp tới.
Trước kỳ thi THPT quốc gia, các thí sinh “quay cuồng” tham gia hàng loạt kỳ thi để mong có một suất vào đại học sớm. (Ảnh: PV)
Trước kỳ thi THPT quốc gia, các thí sinh “quay cuồng” tham gia hàng loạt kỳ thi để mong có một suất vào đại học sớm. (Ảnh: PV)

Nguyễn Phương Linh (lớp 12, THPT Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: “Hiện tại, em học thêm 6 môn khác nhau gồm Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh thi tốt nghiệp THPT, Tiếng Anh để thi IELTS, lớp ôn thi Đánh giá năng lực (gồm tổ hợp KHXH và KHTN)”.

Dù còn 2 tháng nữa mới diễn ra kỳ thi THPT quốc gia, tuy nhiên, hiện nhiều thí sinh đã tham gia đến vài kỳ thi khác nhau để xét tuyển vào trường đại học. Vào đầu tháng 3 năm nay, kỳ thi Đánh giá năng lực đợt 1 của ĐHQG TP HCM thu hút hơn 94 nghìn người đăng ký dự thi. Cuối năm ngoái, kỳ thi Đánh giá tư duy của trường Đại học Bách khoa có khoảng 3.000 thí sinh tham gia và số lượng vẫn còn tiếp tục tăng trong các đợt thi tiếp theo kéo dài đến giữa tháng 6.

Ngoài ra, còn một số phương thức khác được nhiều trường đại học sử dụng để tuyển sinh như xét tuyển kết hợp (gồm chứng chỉ tiếng Anh kết hợp với học bạ hoặc điểm thi THPT quốc gia), xét tuyển bằng học bạ THPT, sử dụng kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực do một số trường tổ chức. Mỗi phương thức xét tuyển đều tăng thêm cơ hội để thí sinh đỗ vào ngôi trường, ngành nghề mình yêu thích, nhưng mặt khác cũng tạo ra áp lực cho các em.

Trao đổi với phóng viên, cô giáo Hoàng Thị Loan (Trường THPT Bình Minh, Hà Nội) chia sẻ, cuối tháng 4 là giai đoạn thí sinh cần xác định mục tiêu cụ thể, nhóm ngành nghề yêu thích, trường đại học phù hợp với năng lực của bản thân. Học sinh tránh “ôm đồm” nhiều lớp học thêm một lúc, hoặc tham dự quá nhiều cuộc thi. Hiện tại, các em nên tập trung vào những môn học thế mạnh của mình để đạt được điểm số tốt nhất, đỗ vào trường đại học, ngành nghề yêu thích.

Đặc biệt, theo cô Loan, thí sinh không nên lo lắng về phương án thi THPT năm 2025, vì chương trình GDPT 2018 hướng người học đến việc vận dụng kiến thức phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh, nên đề thi trong tương lai sẽ không đánh đố hoặc đòi hỏi thí sinh học thuộc, học vẹt, học mẹo. Cô Loan nhấn mạnh: “Hiện tại, điều quan trọng nhất, các thí sinh cần ôn tập thật chắc kiến thức, giữ tâm lý thoải mái. Tránh việc “học tủ” theo đồn đoán ở trên mạng. Ngoài ra, các em nên kết hợp học tập và thư giãn, nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc, ăn đúng bữa để đạt phong độ tốt nhất trong kỳ thi diễn ra vào cuối tháng 6 sắp tới”.

Đọc thêm