Thu bộn tiền nhờ in tác phẩm nghệ thuật trái phép
Thời gian qua, một số đơn vị kinh doanh áo dài đã nảy ra ý tưởng in những bức tranh nghệ thuật lên thân áo dài để tạo điểm nhấn mới lạ, thu hút khách hàng. Và quả thật những bộ áo dài với hoa văn là các bức tranh nghệ thuật như phố cổ, ao sen, thiếu nữ... màu sắc, đường nét tinh tế đã khiến chị em “mê tít”.
Đặc biệt, thời điểm Tết Nguyên đán vừa qua, kiểu áo dài này bán rất đắt hàng. Chuyện sẽ không có gì để nói nếu các đơn vị này không dùng... trái phép tranh các họa sĩ để kinh doanh. Đa phần các bức tranh được họ lấy trên mạng về, xử lý photo shop rồi in ấn lên nền vải áo dài.
Có áo dài in đến 2, 3 bức tranh ghép lại. Cứ như thế, tác phẩm hội họa tâm huyết của các họa sĩ được bày bán rộng rãi dưới hình thức áo dài in hàng loạt và các đơn vị kinh thu về không ít tiền từ đó.
Bức xúc trước sự việc này, một loạt họa sĩ như họa sĩ Bùi Trọng Dư, Lâm Đức Mạnh, Ngụy Đình Hà, Nguyễn Thu Huyền, Nguyễn Đăng Sơn, Lê Phan Quốc, Phan Linh Bảo Hạnh… đã lên tiếng, đồng thời quyết định cùng luật sư xử lý đến cùng các đơn vị có hành vi nêu trên.
Hồi đáp lại các động thái này, một số đơn vị đã hạ hình ảnh quảng cáo, có đơn vị còn ngây ngô trả lời: “Họ chỉ tình cờ lấy từ trên mạng xuống, không biết của ai. Nếu họ không lấy thì người khác cũng lấy!”.
Một trong những sản phẩm áo dài in trái phép tác phẩm hội họa |
Câu trả lời này phản ánh đúng thực chất của thị trường, cũng như nhận thức vế tác quyền của một bộ phận kinh doanh. Đầu tiên, một đơn vị nảy ra ý tưởng in tranh lên áo dài, bán đắt hàng, sau đó hàng loạt người kinh doanh khác ăn theo, không cần biết tranh từ đâu ra, chỉ đơn giản lên mạng tìm, tải về, hoặc vào trang của chính đối thủ kinh doanh của mình “chôm” về, nghĩa là “ăn cắp” đến 2, đến n lần...
Khi “ăn cắp” thành trào lưu
Không chỉ đối với áo dài. Việc “ăn cắp”, vi phạm bản quyền về tranh ảnh, tác phẩm nghệ thuật còn tràn lan trong việc kinh doanh nhiều mặt hàng khác: Tranh treo tường, decal dán tường, đồng hồ treo tường hay các vật dụng trang trí khác như gốm sứ, hoa văn đồ vật trong nhà...
Một ví dụ, hiện tượng tranh chép, tranh nhái dù bị phản ứng mạnh nhưng đến nay vẫn còn tồn tại, từ các cửa hàng bày bán tranh lề đường, hè phố cho đến các cửa hàng tranh online. Có trường hợp, một cửa hàng tranh còn tự xưng là “phòng tranh” với việc phân loại các tác phẩm nhái, chép của họa sĩ trong nước lẫn các trường phái hội họa quốc tế để bán, giao tận nơi cho khách.
Tương tự, các loại sản phẩm trang trí khác như decal dán tường nhà, tranh đồng hồ treo tường, tranh trên gốm sứ, trên mặt rèm... cũng được nhiều đơn vị thực hiện để buôn bán. Một hình thức khác cũng vi phạm bản quyền một cách “hồn nhiên” là dịch vụ in ấn tranh, in trang trí lên các bề mặt theo yêu cầu. Khách hàng tự mang tranh tới hoặc cửa hàng tự có catalogue để lựa chọn, sau đó chỉ việc in ra.
Thực tế, giờ đây việc sao chép trái phép tác phẩm hội họa để kinh doanh càng dễ dàng hơn bao giờ hết. Nếu như trước kia, muốn có bức tranh chép thì cần đến đội ngũ chép tranh được thuê từ những người có năng khiếu hội họa.
Giờ đây, chỉ cần một máy in màu kĩ thuật số chất lượng, có thể in ấn lên nhiều bề mặt như vải canvas, vải lụa, gốm sứ hay các bề mặt khác, thì tác phẩm nào cũng có thể được sao chép và trở thành hoa văn trang trí cho sản phẩm kinh doanh với vài thao tác dễ dàng trong thời gian rất ngắn.
Quay lại câu chuyện các họa sĩ đi kiện đơn vị kinh doanh áo dài, hiện các họa sĩ vẫn miệt mài đòi lại công bằng cho mình, đồng thời đăng tải toàn bộ những sản phẩm áo dài in tranh trái phép lên trang cá nhân để đưa lời cảnh báo mong muốn người tiêu dùng nhận diện, đừng tiếp tay cho sản phẩm vi phạm bản quyền.
Chuyện tác phẩm bị “ăn cắp” và kinh doanh trái phép là câu chuyện không mới. Từ bao lâu nay nó vẫn làm đau đầu những tác giả chân chính và đem lại nguồn lợi lớn cho những đơn vị kinh doanh. Cho đến khi nào sự quản lý còn lỏng lẻo, cho đến khi nào ý thức về bản quyền còn mơ hồ, người kinh doanh lẫn khách hàng vẫn vô tư sử dụng đồ nhái, giả miễn rẻ đẹp thì câu chuyện tác quyền trong nước vẫn còn là bài toán nan giải.