Tác quyền âm nhạc: Bảo vệ “đứa con tinh thần” không dễ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mới đây, nhạc sĩ Giáng Son, tác giả ca khúc “Giấc mơ trưa” đã bức xúc lên tiếng trước việc “đứa con tinh thần” của chị khi đăng tải trên kênh YouTube riêng đã bất ngờ bị “réo” tên vì…. vi phạm bản quyền tác giả.
Nhạc sĩ cần thận trọng với tác quyền của chính mình.
Nhạc sĩ cần thận trọng với tác quyền của chính mình.

Nhạc sĩ bức xúc vì “bỗng dưng bị mất quyền làm cha mẹ”

Câu chuyện của nhạc sĩ Giáng Son tiếc rằng không phải câu chuyện mới mà các nhạc sĩ phải đối mặt khi bảo vệ “đứa con tinh thần” của mình.

Còn nhớ, trước đó, nhiều nhạc sĩ rơi vào tình cảnh bị tố vi phạm bản quyền với chính tác phẩm của mình. Ví dụ như nhạc sĩ Ngọc Khuê cũng có 37 ca khúc bị cho là vi phạm bản quyền. Trong khi theo nhạc sĩ thì đó là những video “ đa phần là do tôi sáng tạo ra, đầu tư tiền phối khí, thuê ca sĩ, thu thanh, thậm chí thuê người thu hình làm video, đã đăng ký ủy nhiệm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc cho VCPMC. Vậy mà các video này bị nhận xằng là của họ để kiếm tiền trên công sức của những người lao động sáng tạo”.

Tương tự, nhạc sĩ Minh Châu có hàng chục video ca khúc nhạc sĩ sáng tác đăng tải trên nền tảng số bị cảnh báo là vi phạm bản quyền. Nhạc sĩ cho biết “cảm thấy bị xúc phạm khi tác phẩm của mình lại bị người ta nhận vơ và bảo mình ăn cắp”.

Quay lại với vụ việc liên quan đến nhạc sĩ Giáng Sơn, mới đây, trong cuộc họp báo của BHMedia với truyền thông, đại diện BHMedia đã đưa ra lý giải rằng Giáng Son tác giả của ca khúc “Giấc mơ trưa” đã cẩn thận chuẩn bị một bản ghi – thuộc quyền sở hữu của chị để đưa lên kênh Youtube riêng của mình.

Nhưng vì trên Youtube có nhiều bản ghi “Giấc mơ trưa” của nhiều chủ sở hữu khác nữa. Do đó, khi phát hiện bản ghi “Giấc mơ trưa” của Giáng Son mới được tải lên hơi giống với bản ghi “Giấc mơ trưa” của nghệ sĩ Dương Thùy Anh đã tải lên trước đó, Youtube đã so sánh, đối chiếu và tự động gửi “thông báo xác nhận bản quyền” tới nhạc sĩ Giáng Son.

Theo đại diện BHMedia, bản ghi “Giấc mơ trưa” do nghệ sĩ Dương Thùy Anh trên Youtube đã được Youtube ghi nhận. Dòng chữ Licensed to Youtube tức là cấp cho Youtube bởi BH Media (được chủ sở hữu ủy quyền) và ba tổ chức bảo vệ bản quyền (trong đó Trung tâm bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam).

Ghi nhận này rất quan trọng, vì Youtube sẽ trả tiền tác quyền cho Giáng Son về Trung tâm bảo vệ tác giả âm nhạc Việt Nam, nơi Giáng Son ủy quyền.

“Đây là cơ chế quét bản quyền tự động của Youtube, mà những ai đã từng lập kênh Youtube đều trải nghiệm và hiểu. Thông báo đó nhằm mục đích để chủ sở hữu các bản ghi đối soát bản quyền với nhau. Thông báo đó không làm ảnh hưởng đến quyền up bản ghi của Giáng Son. Chỉ cần Giáng Son làm thao tác phản hồi, là chủ sở hữu bản ghi kia sẽ xác minh lại và gỡ xác nhận bản quyền khỏi video” - bà Kiều Oanh - Trưởng phòng pháp chế BH Media khẳng định.

Cũng theo BH Media, mỗi bản ghi âm, audio của một bài hát khi được phát hành, sẽ chứa đựng 2 loại quyền tách biệt là: quyền bản ghi liên quan đến phần nhạc, hòa âm phối khí và âm thanh giọng hát có trong bản ghi âm; quyền tác giả liên quan đến phần giai điệu, tiết tấu và lời của bài hát được sử dụng trong bản ghi âm.

Theo pháp luật về bản quyền, hãng đĩa hoặc nhà sản xuất ra bản ghi âm là người nắm giữ phần “Quyền bản ghi" - Một loại quyền liên quan của quyền tác giả quy định tại Khoản 3 Điều 4 Luật SHTT. Còn nhạc sĩ, người sáng tác bài hát nắm giữ “Quyền tác giả” - Khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005. Tại Việt Nam, có rất nhiều nghệ sĩ chưa hiểu chính xác về hai loại quyền nói trên. Có nhạc sĩ nghĩ mình là người tạo ra tác phẩm đó nên có quyền 100% đối với những bản ghi âm, ghi hình liên quan đến tác phẩm của mình.

Thận trọng với quyền của chính mình

Đó là lời khuyên mà nhiều luật sư dành cho các tác giả trong lĩnh vực nghệ thuật. Ở Việt Nam, quyền tác giả là một lĩnh vực còn mới mẻ nhưng các quy định pháp luật Việt Nam và các điều ước mà Việt Nam tham gia về quyền tác giả về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu bảo hộ quyền tác giả nói chung và quyền tác giả âm nhạc nói riêng.

Tác quyền âm nhạc là động lực để nhạc sĩ duy trì sáng tạo.

Tác quyền âm nhạc là động lực để nhạc sĩ duy trì sáng tạo.

Tuy nhiên, trong thực tế, có tác giả, do sơ suất trong ký kết hợp đồng đã dẫn tới việc mất hẳn quyền sở hữu, quyền kiểm soát đối với chính tác phẩm của mình.Về vấn đề này, trao đổi với báo chí, đại diện bộ phận pháp chế của VCPMC đã từng lưu ý rằng, theo Luật Sở hữu trí tuệ, thời gian bảo hộ quyền tác giả được thực hiện từ khi tác phẩm ra đời.

Đơn vị ủy thác sẽ có trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm từ khi ký ủy thác cho tới 50 năm sau khi tác giả qua đời. Vì vậy, đừng vì một chút lợi nhỏ trước mắt mà các tác giả vội ký ủy thác cho một đơn vị khai thác, quản lý khi chưa nắm rõ về các thủ tục pháp lý cũng như những rủi ro gặp phải khi bán độc quyền hoặc chuyển nhượng tác phẩm.

Cũng theo VCPMC, từ những nội dung phản ánh và đề nghị tư vấn của nhiều nhạc sĩ gửi đến, mới thấy rằng thực tế đa phần các nhạc sĩ do chưa nắm rõ các điều khoản thỏa thuận và thuật ngữ pháp lý nên khi ký kết đã không lường trước được những tình huống đầy rủi ro. VCPMC cũng đã có những hỗ trợ pháp lý, tránh hiện tượng nhầm lẫn, không trung thực “tình ngay lý gian” hoặc cố tình lừa dối, làm sai lệch trong giao dịch dân sự, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tác giả - chủ sở hữu tác phẩm.

Bên cạnh sự “cả tin” của tác giả thì còn có việc nhiều tổ chức, cá nhân đã lạm dụng những kẽ hở pháp lý để biến mục đích phổ biến tác phẩm âm nhạc thành công cụ để phục vụ triệt để cho mục đích kinh doanh; khiến tác giả không chỉ thiệt thòi về vật chất mà còn ảnh hưởng đến tinh thần và sức sáng tạo.

Còn nhớ, năm 2019, nhạc sĩ Tạ Quang Thắng – tác giả của ca khúc “Sống như những đoá hoa” khi biết Sở VH-TT&DL Vĩnh Phúc cấp phép cho chương trình “Tôn vinh Nữ hoàng Thương hiệu Việt Nam 2019” được biểu diễn ca khúc này ngay lập tức phản đối kịch liệt vì lý do không đồng ý cho “đứa con tinh thần” của mình xuất hiện chương trình này.

Tuy nhiên, việc phản đối của Tạ Quang Thắng vô hiệu vì khi ấy, chương trình đã được cấp phép (chương trình này sau đó bị huỷ vì nhiều lý do khác, không phải liên quan đến sự kiện ca khúc của nhạc sĩ Tạ Quang Thắng).

Vì sao là “cha đẻ” của ca khúc mà nhạc sĩ Tạ Quang Thắng lại không hề biết và không hề được xin phép khi ca khúc được đưa vào chương trình? Câu hỏi này đã phần nào cho thấy sự bất cập mà giới nhạc sĩ lo lắng bấy lâu, rằng ca khúc tuy do họ sáng tác nhưng không có quyền quyết định số phận của nó.

Nguyên nhân đến từ sự bất cập của pháp luật. Cụ thể, với Nghị định 142/2018/NĐ-CP sửa đổi một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ VH-TT&DL thì khi một đơn vị muốn trình diễn ca khúc nào đó, họ không cần phải thông qua thoả thuận với nhạc sĩ hay cơ quan được uỷ quyền, mà chỉ cần cam kết sẽ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tác quyền là sẽ được cấp phép biểu diễn từ cơ quan chức năng.

Ở góc độ cơ quan ban hành luật, thì với những thay đổi trong Nghị định 142, cơ quan thực hiện mong muốn sẽ giảm thiểu các thủ tục hành chính rườm rà, tiết kiệm thời gian cho nhạc sĩ và các đơn vị trình diễn. Tuy nhiên, mục đích này bị cho là không phù hợp bởi theo nhiều nhạc sĩ, ý thức tôn trọng bản quyền của đại đa số ban tổ chức và những người sử dụng nhạc tại Việt Nam không có, nên nếu không ràng buộc về mặt pháp lý thì việc không tuân thủ bản quyền sẽ càng nhiều hơn, khiến nhạc sĩ phải chịu thiệt thòi khi ca khúc của mình bị “diễn chùa”.

Và điều đáng buồn là khi biết bị vi phạm như vậy nhưng chẳng có nhạc sĩ nào có không thể cấm, từ chối một ca sĩ hay một chương trình nào đó sử dụng ca khúc của mình.

Trước một loạt những sự kiện về quyền tác giả xảy ra gần đây, nhiều nhạc sĩ cho biết họ đã nhận thức được rằng tuy rằng nhạc sĩ là người sáng tạo tác phẩm nhưng điều đó cũng không đồng nghĩa với việc họ có thể hiểu biết hết mọi thứ, mà thay vào đó rất cần có sự đồng hành của nhà tư vấn luật bản quyền và nhà tư vấn công nghệ thông tin. Ở thời đại 4.0, các nhạc sĩ lại có thêm một “mặt trận” nữa là nền tảng số và cũng chính ở “mặt trận” này vấn đề bản quyền của họ lại trở nên mong manh, khó bảo vệ hơn bao giờ hết, nếu thiếu những kiến thức chuyên sâu về bản quyền và công nghệ.

Đọc thêm