Quy định bắt buộc hay ưu tiên?
Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến lần đầu có một số vấn đề mới, quan trọng nhưng ý kiến còn khác nhau. Trong số những vấn đề Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) xin ý kiến có quy định về việc tách vụ án hình sự. Về vấn đề này, theo TANDTC, loại ý kiến thứ nhất cho rằng phải tách vụ án hình sự có người phạm tội là người chưa thành niên và người đã thành niên để giải quyết độc lập. Loại ý kiến thứ 2 cho rằng không nên tách vụ án hình sự vì sẽ phát sinh nhiều vụ án, thêm nhiều thủ tục tố tụng không cần thiết và đề nghị giữ như Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành.
Thẩm tra nội dung này, đa số ý kiến trong Ủy ban Tư pháp tán thành loại ý kiến cho rằng chỉ nên quy định theo hướng “ưu tiên việc tách vụ án có người chưa thành niên phạm tội để giải quyết riêng”. Song, một số ý kiến trong Ủy ban Tư pháp lại tán thành loại ý kiến cần quy định bắt buộc phải tách vụ án hình sự có người chưa thành niên để giải quyết độc lập.
Phát biểu tại phiên thảo luận về dự án Luật, Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH Bùi Văn Cường cho biết, theo khuyến nghị của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), các phiên tòa có bị cáo là người chưa thành niên nên bố trí trong một phòng xử án khác, hoặc vào một ngày hoặc giờ khác trong ngày, tách biệt với phiên tòa có bị cáo là người lớn. Bày tỏ tán thành với loại ý kiến tách vụ án hình sự có người phạm tội là người chưa thành niên và người đã thành niên, Tổng Thư ký QH cũng cho rằng, trong trường hợp người chưa thành niên phải xuất hiện ở cả phiên tòa xét xử người đã thành niên thì cũng cần phải có biện pháp để bảo vệ người chưa thành niên nhằm thống nhất với các quy định nguyên tắc cơ bản được quy định tại dự thảo Luật.
Ủng hộ việc tách vụ án hình sự với trường hợp người chưa thành niên tham gia, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Hoàng Thanh Tùng cho rằng đây là quy định cần thiết để đáp ứng yêu cầu xử lý tội phạm mà vẫn bảo đảm thân thiện. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhận định, về nguyên tắc, việc tách vụ án hình sự không chỉ phụ thuộc vào đối tượng, mà còn phải tính đến mối quan hệ giữa hành vi phạm tội do chủ thể khác nhau cùng tiến hành trong một vụ án để xác định chính xác mức độ tội phạm của từng chủ thể. “Đối với một số trường hợp, việc tách vụ án dẫn đến bất lợi hơn cho người chưa thành niên chứ không hẳn là tốt hơn. Bởi vì, như thế các em phải tham gia 2 lần vào quy trình tố tụng, 1 lần là quy trình thông thường, 1 lần là quy trình đối với người chưa thành niên”, ông Hoàng Thanh Tùng phân tích.
Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị tiếp tục rà soát và nghiên cứu cách thức tách vụ án hình sự một cách phù hợp, khả thi hơn, có thể là không tách biệt hoàn toàn theo quy trình riêng mà chỉ tách biệt về không gian xét xử. Ví dụ, người chưa thành niên phạm tội có thể tham gia phiên tòa trực tuyến hoặc tham gia từ phòng xét xử riêng... “Tức là phải có tách cho cụ thể hơn chứ không nói đơn giản là chỉ tách vụ án”, ông Tùng nói.
Hình phạt không nặng hơn khi tách vụ án
Giải trình về vấn đề này, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình khẳng định, nếu không tách vụ án hình sự thì trên thực tế, các cháu là người chưa thành niên phạm tội sẽ bị xét xử ở trong một phòng xét xử không thân thiện và tiếp cận với toàn bộ nội dung vụ án, đặc biệt là những vụ án xâm hại sức khỏe, tính mạng hay buôn lậu ma túy. “Nếu các cháu phải ra tòa trong môi trường không thân thiện, tiếp cận với phương thức, thủ đoạn của các đối tượng là người lớn phạm tội thì trên thực tế đã tác động ngược chiều chứ không phải là tác dụng tốt cho các cháu. Ấn tượng về 1 phiên tòa không phải phiên tòa thân thiện như thế nặng nề hơn việc phải tổ chức phiên tòa thân thiện”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hòa Bình cũng cho rằng, nếu những vụ án này do các thẩm phán không hiểu về tâm lý trẻ em sẽ không bảo đảm các lợi ích của các cháu. “Cho nên việc tách phiên tòa là rất cần thiết”, Chánh án TANDTC khẳng định.
Về băn khoăn “các cháu phải ra tòa 2 lần thì hình phạt có nặng hơn không?”, ông Nguyễn Hòa Bình khẳng định “không nặng hơn”. “Đây là tách về đối tượng chứ không phải tách hành vi. Nếu tách hành vi thì bất lợi nhưng tách về đối tượng thì không bất lợi. Có thể các cháu không phải ra tòa lần thứ 2 mà tham gia phiên tòa trực tuyến hoặc ghi âm, ghi hình sau đó công bố tài liệu tham gia của các cháu với tư cách là người làm chứng”, ông Nguyễn Hòa Bình phân tích.