Tài chính tiêu dùng thu hút nhà đầu tư ngoại

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Mặc dù thị trường cho vay tiêu dùng chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch COVID-19 nhưng các công ty tài chính đang nỗ lực tái cơ cấu, củng cố năng lực của mình nhằm thu hút nhà đầu tư ngoại, huy động vốn với chi phí rẻ và an toàn.
Tài chính tiêu dùng thu hút nhà đầu tư ngoại

Nhiều công ty tài chính tăng vốn điều lệ

Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 đã khiến thị trường lao động đối mặt với tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng, số người thất nghiệp và thiếu việc làm tăng cao chưa từng thấy. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến phân khúc khách hàng của các công ty tài chính chủ yếu là công nhân, người lao động có thu nhập trung bình thấp.

Theo thống kê của hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, dịch Covid-19 đang gây ảnh hưởng nặng nề đến các 12 công ty tài chính. Tính đến hết đến cuối tháng 9/2021, tổng dư nợ tín dụng các công ty tài chính đạt khoảng 130.000 tỷ đồng, gần như không tăng trưởng so với cuối năm 2020.

Đồng thời, thu nhập của khách hàng giảm sút, việc thu nợ khó khăn do dịch bệnh, khiến tỷ lệ nợ xấu bình quân tại các công ty tài chính đang ở mức 9-10%, trước đó vào thời điểm cuối năm 2020 tỷ lệ nợ xấu chỉ khoảng 6%.

Tuy nhiên, ngành tài chính tiêu dùng vẫn ghi nhận những điểm sáng khi nhiều công ty tài chính lần lượt tăng vốn trong 2021. Có thể kể đến như FE CREDIT tăng vốn lên gần 11.000 tỷ đồng, MCREDIT tăng vốn từ 800 tỷ đồng lên 1.300 tỷ đồng, EVNFinance tăng vốn điều lệ thêm gần 400 tỷ đồng, Công ty Tài chính Lotte Việt Nam được tăng vốn điều lệ lên hơn 991 tỷ đồng….

Việc tăng vốn điều lệ là điều cần thiết trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước siết chặt hơn các tỷ lệ an toàn vốn của các định chế tài chính phi ngân hàng, đòi hỏi các công ty tài chính gia tăng nguồn vốn trung và dài hạn hơn. Để giải quyết bài toán tăng vốn an toàn, hiệu quả, một số công ty tài chính đã nỗ lực tái cơ cấu, củng cố năng lực của mình, thu hút nhà đầu tư ngoại nhằm huy động nguồn vốn với chi phí rẻ và an toàn.

Giải bài toán tăng vốn

Tại FE CREDIT, trong năm 2021, giới đầu tư đã bất ngờ chứng khiến thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) lớn nhất trong lĩnh vực tài chính ngân hàng tại Việt Nam khi VPBank hoàn tất bán 49% vốn điều lệ tại FE CREDIT cho Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC (SMBCCF) vào cuối tháng 10.

Thông qua thương vụ này, FE CREDIT được kỳ vọng tận dụng cơ hội để huy động mới hoặc cơ cấu lại nguồn vốn huy động hiện tại của mình, từ đó giúp cải thiện chi phí huy động vốn cũng như khả năng sinh lời.

Trong bối cảnh dịch bệnh, cùng với những định kiến về cho vay tiêu dùng tại Việt Nam, sự thành công của thương vụ không chỉ cho thấy cái nhìn lạc quan từ giới đầu tư nước ngoài đối với thị trường trong nước mà còn thể hiện thành quả của FE CREDIT sau nhiều năm nỗ lực đầu tư phát triển, tạo dựng giá trị và khẳng định vai trò cần thiết của tài chính tiêu dùng trong nền kinh tế đất nước.

Suốt 11 năm qua, FE CREDIT đã cố gắng chứng minh hiệu quả của sản phẩm cho vay tiêu dùng với nhu cầu tài chính của khách hàng. Đến nay, công ty đã cung cấp khoảng 15 triệu khoản vay, phục vụ hơn 12 triệu khách hàng, trong đó có hơn 4 triệu khách hàng thân thiết thường xuyên sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của công ty. Đồng thời, FE CREDIT liên tục nắm giữ thị phần lớn nhất trong khối các công ty tài chính tiêu dùng tại Việt Nam.

Trong hai năm qua, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi COVID-19 nhưng tình hình tài chính của FE CREDIT về cơ bản vẫn ở mức lành mạnh, thể hiện qua các chỉ số tài chính như biên lãi ròng (NIM), thanh khoản, đòn bẩy tài chính, tỷ lệ an toàn vốn (CAR ) và khả năng sinh lời …

Nhờ vậy, mới đây hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody's Investors Service (Moody’s) đã quyết định nâng hạng tín nhiệm CFR (Đánh giá tín nhiệm dựa trên mối tương quan với các thành viên trong cùng tập đoàn) của FE CREDIT từ B1 lên Ba3.

Moody’s nhận định việc nâng cấp xếp hạng tín nhiệm của FE CREDIT bắt nguồn từ kỳ vọng công ty sẽ nhận được sự hỗ trợ từ SMBCCF trong nhiều trường hợp, qua đó giúp giảm thiểu rủi ro khi công ty phụ thuộc vào nguồn vốn ngắn hạn (wholesale funding) đồng thời hỗ trợ tính thanh khoản cho công ty.

Bên cạnh đó, Moody's cũng kỳ vọng vào khả năng rất cao FE CREDIT sẽ nhận được sự hỗ trợ từ VPBank, công ty mẹ sở hữu 50% vốn điều lệ tại FE CREDIT cũng như tầm quan trọng đối với chiến lược bán lẻ của VPBank trong thời điểm hiện tại.

Có thể thấy, bài toán tăng vốn là điều kiện cần thiết đối với công ty tài chính trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh. Để có thể huy động vốn với chi phí rẻ và hiệu quả, công ty tài chính cần có chiến lược, giải pháp tổng thể phù hợp với tình hình thực tế nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, khẳng định tiềm năng trong mắt nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Đọc thêm