Phát biểu trong phiên thảo luận tại Tổ sáng nay (22/10), Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển (ĐBQH tỉnh Lai Châu) nhận định: Việt Nam có rất nhiều nguồn tài nguyên để kinh tế phát triển. Trong đó, nguồn tài nguyên con người rất quý giá. Tuy nhiên, lâu nay, chúng ta mới chỉ chú ý khai thác nguồn tài nguyên đất, nguồn tài nguyên khoáng sản, và chưa có sự đầu tư đúng mức cho nguồn tài nguyên là sức lao động của con người.
Theo đại biểu: “Chúng ta cần phải tiết kiệm sử dụng tài nguyên, phải nâng cao chất lượng lao động, dựa vào nguồn lao động. Lâu nay, chúng ta vốn có truyền thống “dạy nhau ở bờ ruộng, hội nghị đầu bờ”. Cần phải sang nền kinh tế xanh, dựa vào nguồn tài nguyên trí thức. Không dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có, mà phải dựa vào con người.”
ĐB Quách Thế Tản (Hòa Bình) đưa ra một gợi ý cho chiến lược phát triển giáo dục liên quan đến vấn đề này: Giáo dục chúng ta mới nói nhiều về chính quy. Còn giáo dục ngoài nhà trường, giáo dục phi chính quy, giáo dục cho người lớn học thường xuyên, học suốt đời, học để biết, để làm việc… chưa được quan tâm.
ĐB Quách Thế Tản (Hòa Bình) |
Theo ông Tản, Chính phủ cần quan tâm để đào tạo nguồn nhân lực trong nông thôn, nâng cao chất lượng lao động. “Cần xây dựng xã hội học tập. Vấn đề này đã có đề án, có quyết định của chính phủ. Chính phủ nên đánh giá để xem chúng ta đã thực hiện đến đâu.”
ĐB Hồ Đức Phớc (Nghệ An) cũng đồng tình quan điểm này, theo ông, cần sắp xếp lại trường ĐH, trường dạy nghề. “Lao động của chúng ta trẻ, nhưng lại ít trình độ công nghệ, không tham gia được thị trường lao động thế giới, không có trình độ cao. Chỉ đi làm thuê những công việc đơn giản. Công nhân kỹ thuật cao ở ta chủ yếu là người nước ngoài sang làm. Việt Nam là một thị trường lao động béo bở ở ASEAN.” ĐB đưa ý kiến.
ĐB cũng cho rằng cần gắn nông nghiệp vào sản xuất, cần biến nguồn nguyên liệu của chúng ta với sản xuất. Mà để làm được điều này thì chúng ta phải có nguồn nhân lực có thể làm chủ được. Có như vậy, Việt Nam mới hạn chế được tình trạng nguyên liệu của chúng ta, người chúng ta làm, nhưng lại gắn thương hiệu của nước ngoài.