Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long- Hà Nội tái hiện không gian trưng bày đồ chơi Trung thu đầu thế kỷ XX được phục dựng qua hình vẽ của Henri Oger và những bức ảnh tư liệu quý của Bảo tàng Albert Kahn - Pháp. Qua phần trưng bày này, các em có thể hiểu thêm được nhiều điều về cuộc sống của trẻ em xưa trong dịp Tết Trung thu, trong đó, có nhiều món đồ chơi nay đã vắng bóng.
Những bức ảnh tư liệu quý về Tết Trung thu của Bảo tàng Albert Kahn - Pháp |
“Vui Tết Trung thu”, các em nhỏ còn được thưởng thức múa sư tử, múa rối nước, múa rối cạn, ca nhạc, được bồi và tô vẽ mặt nạ, làm bánh trung thu, làm đèn ông sao, đèn kéo quân, đèn ông sư, đèn con thỏ, nặn tò he, tiến sĩ giấy và ông đánh gậy trông trăng, làm đồ gốm (vuốt, nặn, vẽ các hình con giống).
Trẻ nhỏ còn được thử đi cầu tre gánh lúa, bập bênh, ném vòng, ngựa gỗ, bao bố, kéo co, chơi chuyền, pháo đất, ô ăn quan, bịt mắt đánh trống; Gặp gỡ giao lưu: Trò chuyện cùng các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử về tết Trung thu cổ truyền; trò chuyện cùng các gia đình bà Đinh Thị Tú Anh- nghệ nhân bánh trung thu; gia đình ông Hoàng Bá Nhất- nghệ nhân bồi và vẽ mặt nạ (Bắc Ninh); gia đình ông Vũ Văn Sinh - nghệ nhân đèn kéo quân (Thanh Oai- Hà Nội); gia đình bà Nguyễn Thị Tuyến- nghệ nhân làm ông tiến sỹ giấy (Vân Canh- Hà Nội); gia đình ông Đỗ Văn Kỳ nghệ nhân làm đèn con thỏ, đèn ông sư (Thường Tín- Hà Nội); gia đình ông Lương Mạnh Hải nghệ nhân gốm (Bát Tràng- Hà Nội); ông Đặng Văn Tiên, nghệ nhân tò he…
Sôi động màn múa sư tử |
Chương trình “Phá cỗ- trông trăng” sẽ diễn ra vào tối 4/10 với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật hấp dẫn, độc đáo.
Không chỉ hướng đến việc vui Tết Trung thu, Ban Tổ chức còn mong muốn qua các hoạt động của chương trình, các em có thể hiểu thêm về văn hóa truyền thống Việt Nam.