Tai nạn, thương vong trong nhà trường: Vì đâu nên nỗi?

(PLO) - Liên tiếp thời gian gần đây, những vụ tai nạn đã hi hữu xảy ra trong nhà trường, thậm chí dẫn tới tử vong như Trường ĐH Công nghệ TPHCM (HUTECH). Và tiếp tục chiều 24/10, trên mạng xã hội đăng tải thông tin khu B của Trường ĐH HUTECH có hiện tượng bong tróc, rung lắc, gạch lát nền bị nứt khiến sinh viên, giảng viên phải bỏ chạy. Còn tại Hà Nội, học sinh ngồi trong lớp muốn đội mũ bảo hiểm bởi lo trần rơi…
Ngay tại Thủ đô, nguy cơ không an toàn vẫn rập rình những ngôi trường xuống cấp thế này. Ảnh minh họa
Ngay tại Thủ đô, nguy cơ không an toàn vẫn rập rình những ngôi trường xuống cấp thế này. Ảnh minh họa

Trò học trong hoang mang

Ngày 17/10, sinh viên Nguyễn Thanh Long (SN 1988), khi đang đứng xếp hàng chờ thang máy tại trường thì bị một mảng bê tông rơi trúng, tử vong tại chỗ. Nguyên nhân được xác định là cơn mưa lớn liên tiếp nhiều ngày khiến kết nối giữa các mảnh ghép của tấm sênô ở tầng 16 (máng xối nước dùng để hứng hoặc dẫn nước mưa được làm bằng bê tông cốt thép) bị rơi xuống. Nhiều sinh viên khác đang xếp hàng cũng bị mảnh bê tông văng trúng.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hutech cho rằng, vụ tai nạn trên là sự cố ngoài ý muốn. Hiện nhà trường đã nhận trách nhiệm về sự việc này và sẽ chu cấp, chăm sóc cho gia đình Thanh Long trong thời gian tới. Ngay sau vụ tai nạn, nhà trường đã rà soát cơ sở vật chất, tiến hành sửa lại các khu vực xuống cấp để sinh viên yên tâm đến trường.

Tuy nhiên, nhiều sinh viên cho rằng tình trạng nứt gãy, sụt lún ở dãy nhà B (nơi sinh viên Long bị nạn) đã xuất hiện từ lâu. Dãy nhà xảy ra sự cố rơi khối bê tông gồm 2 khu nhà xây nối nhau. Do có một khu nhà bị sụt lún, xuống cấp gây ra những vết đứt gãy. Sinh viên tỏ ra lo ngại về sự an toàn khi cơ sở vật chất của trường học không đảm bảo. Nếu việc rà soát, kiểm tra cơ sở vật chất được tiến hành thường xuyên, có thể vụ tai nạn thương tâm kể trên đã không xảy ra.

Thế nhưng, ngày 24/10, tiếp tục có đoạn chia sẻ trên fanpage của trường như sau: “Em học lớp 16DK... hôm nay học phòng B709, khi đang học có một bạn nữ hét lên. Lúc đó đang học nên cũng không ai để ý nhưng bạn đó càng la lớn hơn bảo gạch chỗ bạn đó ngồi bị nứt. Xong cả lớp đều đứng dậy thì bắt đầu cảm nhận nền gạch rung lên, dưới sàn nghe tiếng lách cách càng lúc càng lớn. Thầy hô cả lớp bình tĩnh để chạy qua khu A, nhiều bạn bỏ đồ lại chạy, sau đó gạch chỗ bạn nữ đó bong lên (em nghe nói lại vì lúc đó chạy nên không nhìn lại), thật sự lúc đó em rất sợ, ai cũng sợ. Thầy giáo giật cái laptop chạy theo tụi em, mà sàn vẫn kêu rồi rung . Em cứ nghĩ trong đầu là sập đến nơi rồi, lúc qua được khu A em còn run bần bật, em không biết có liên quan gì đến chuyện rớt bê tông hôm trước không. Nhưng điều em bức xúc nhất là thầy chỉ báo cho trường rồi bảo tụi em về, nhưng trường không thông báo cho những sinh viên lớp khác, mọi người vẫn học như không có chuyện gì...”.

Về thông tin này, theo đại diện của Phòng Tư vấn - Tuyển sinh - Truyền thông của Trường HUTECH, sự việc xảy ra tại phòng B-07.09 vào ngày 23/10. Sau khi khảo sát và tham khảo ý kiến chuyên gia, nhà trường kết luận nguyên nhân vụ việc như sau: “Hiện tượng này là do sự biến dạng nhiệt của gạch. Đây là hiện tượng thường xuyên xảy ra ở các tòa nhà, đặc biệt là các tòa nhà có diện tích mặt bằng rộng. Việc bong tróc gạch này cũng đã xảy ra tại một số phòng học trước đây và đã được sửa chữa.

Hiện tại, nhà trường đang phối hợp cùng các đơn vị tiến hành rà soát, kiểm tra lại toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất và quy trình an toàn tại cả các địa điểm học tập, thực hành của sinh viên. Công tác kiểm tra thực hiện ở tất cả hạng mục công trình nhằm bảo đảm mức an toàn cao nhất cho toàn bộ sinh viên khi học tập, sinh hoạt. Ngoài ra, lãnh đạo nhà trường cũng cam kết sẽ tạo sự an toàn tối đa, tạo tâm lý tốt nhất cho sinh viên khi theo học tại trường”.

Thầy dạy trong sợ hãi

Một sự việc khác, ngày 17/10, 9 học sinh Trường Tiểu học Thạnh Quới A (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) đã phải nhập viện vì sập trần phòng học. Theo báo cáo của nhà trường, một cơn mưa lớn kèm theo lốc xoáy xảy ra tại ấp Phú Thạnh, xã Thạnh Quới, huyện Long Hồ (Vĩnh Long). Khi các em học sinh đang trong giờ học, bất ngờ lốc xoáy đã lồng vào các phòng học, làm trần của 5 phòng học cấp 4 bị đổ sập và 1 vài chỗ ở các phòng học khác cũng bị hư hỏng. 9 em học sinh đã bị thương (trong đó, có 5 em lớp 3 và 4 em lớp 4). Được biết, Trường Tiểu học Thạnh Quới A vừa được sửa chữa, nâng cấp toàn bộ mái tôn, la phông, đường điện và sơn mới cách đây hơn 1 năm. Tuy nhiên, do đóng la phông nằm dưới các thanh thông gió nên gió dễ dàng thốc vào bên trong gây nên sự cố.

Ngay giữa Thủ đô Hà Nội, hơn 1.500 học sinh, thầy cô giáo Trường THPT Trần Nhân Tông đang ngày ngày phải dạy và học trong sự sợ hãi bởi các mảng trần có thể rơi xuống bất cứ lúc nào.  Cơ sở hạ tầng của nhà trường có nhiều dấu hiệu xuống cấp, đặc biệt là tại khu lớp học.

Ngày 13/10 vừa qua, hai mảng vữa lớn bất ngờ rơi xuống tại hai phòng học của lớp 12A12 và 12A13 nhưng rất may hôm đó các em học sinh được nghỉ học. Tiếp đó, ngày 20/10 các mảng vữa lớn tiếp tục rơi ở lớp 10A13, rất may, không có ai bị thương. Để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên, Ban Giám hiệu nhà trường đã yêu cầu học sinh hai lớp 12A12 và 12A13 đến học tạm tại phòng hội đồng của nhà trường. 

Trước sự việc này, nguồn tin từ một cán bộ ở Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Trường THPT Trần Nhân Tông vừa được UBND TP Hà Nội phê duyệt đầu tư xây dựng hệ thống phòng học. Tuy nhiên đây là kinh phí của năm 2018 nên sớm nhất đến quý I năm sau mới có thể thi công.

Hiện nay, trường có hơn 1.500 học sinh, 39 lớp học chia làm 2 ca học vào sáng và chiều. Trường THPT Trần Nhân Tông được đầu tư xây dựng cách đây 56 năm. Để hạn chế nguy cơ rơi vữa, Ban Giám hiệu Trường THPT Trần Nhân Tông cử người cầm gậy đi chọc những điểm bị rạn nứt, có khả năng rơi lở. Ngoài ra, nhà trường nhắc nhở giáo viên, học sinh đề cao cảnh giác. 

Tuy nhiên, đây chỉ là những biện pháp tình thế trong lúc chờ kinh phí tu sửa từ UBND TP Hà Nội. Theo Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nhân Tông, từ năm 2010 một số phòng học của trường đã xuống cấp. Đến năm 2013, nhà trường đã cùng với Sở GD&ĐT Hà Nội xây dựng kế hoạch tu bổ, trình lên UBND TP Hà Nội. Từ đó đến nay, nhà trường đã nhiều lần đề nghị Sở GD&ĐT đẩy nhanh tiến độ vì trường đang ngày càng xuống cấp. 

Và trong khi chờ đợi kinh phí, phụ huynh, thầy cô và học sinh tiếp tục sống chung với sợ hãi bởi sự xuống cấp không thể cố hơn được nữa. Và điều quan trọng, khi những sự cố xảy ra, sự thiệt thòi, đau đớn trước hết thuộc về người thân và gia đình. Bởi khi người đã mất thì chẳng có vật chất nào có thể bù đắp được những mất mát, và đau đớn để lại cho người thân…

Đọc thêm