Văn bản nói trên hướng dẫn thực hiện một số vấn đề về việc xử lý nợ xấu và xử lý tài sản của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng theo quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14. Theo đó, trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực - từ ngày 15/8/2017 và được thực hiện trong thời hạn 05 năm kể từ ngày có hiệu lực - cơ quan THADS áp dụng quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 để thực hiện việc xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng.
Đối với những việc thi hành án liên quan đến xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng đã được cơ quan THADS tổ chức thi hành xong một phần hoặc chưa thi hành xong trước ngày 15/8/2017 nhưng đã thực hiện các thủ tục về thi hành án theo đúng quy định của Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành thì trình tự, thủ tục và kết quả thi hành án được công nhận. Các thủ tục thi hành án tiếp theo mà Nghị quyết số 42/2017/QH14 điều chỉnh thì được thực hiện theo Nghị quyết này.
Về quyền thu giữ tài sản bảo đảm, theo quy định tại Điều 7 của Nghị quyết số 42/2017/QH14, tổ chức tín dụng không được quyền thu giữ tài sản bảo đảm đối với những tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đang bị kê biên hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật. Do đó, trong trường hợp cơ quan THADS đang kê biên tài sản bảo đảm (kể cả việc kê biên theo quy định tại Điều 90 Luật THADS) hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm thì tổ chức tín dụng cũng không được quyền thu giữ tài sản bảo đảm.
Đối với trường hợp đương sự có thỏa thuận về việc tự tổ chức thi hành án thì cơ quan THADS căn cứ các quy định pháp luật về THADS để thực hiện (ví dụ: các đương sự thỏa thuận với nhau về việc yêu cầu cơ quan thi hành án đình chỉ một phần hoặc toàn bộ quyền, lợi ích được hưởng theo bản án, quyết định thì cơ quan THADS áp dụng điểm c khoản 1 Điều 50 Luật THADS để đình chỉ việc thi hành án nếu thỏa thuận đó không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba).
Về việc kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án (Điều 11 Nghị quyết số 42/2017/QH14), từ ngày 15/8/2017, cơ quan THADS chỉ kê biên tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo quy định tại Điều 90 Luật THADS khi thuộc một trong các trường hợp sau: (i) để thi hành bản án, quyết định của Tòa án về cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe; (ii) có sự đồng ý kê biên bằng văn bản của tổ chức tín dụng.
Đối với trường hợp cơ quan THADS đã thực hiện việc kê biên theo quy định tại Điều 90 Luật THADS trước ngày 15/8/2017 thì vẫn tiếp tục tổ chức thi hành án theo quy định của pháp luật về THADS./.