Tại sao con người ngày càng mắc nhiều bệnh từ động vật?

(PLVN) - Không còn nghi ngờ gì nữa khi nói con người ngày càng mắc nhiều bệnh từ động vật và các đại dịch trên trên thế giới đều đến từ động vật. Tại sao lại như vậy? Phải chăng là do thói quen ăn uống kinh hoàng của con người, ăn tất, xơi tất, không còn gì là giới hạn?
Ngày càng nhiều động vật hoang dã sống trong thành phố.
Ngày càng nhiều động vật hoang dã sống trong thành phố.

“Kinh khủng!”- đó là bình luận mà nhiều người đã thốt lên khi xem clip quay cảnh cô gái người Trung Quốc điềm nhiên ăn nguyên một con dơi với vẻ thích thú ra mặt. Thậm chí cô gái này còn giang cánh con dơi ra để ống kính may quay chĩa vào cho rõ là cô đang xơi con dơi thật và nguyên con, chứ không phải bánh bột nặn hình dơi. 

Chuyện ăn dơi có thể xa lạ với nhiều quốc gia trên thế giới nhưng ở Trung Quốc đó là điều hết sức bình thường. Khi dịch cúm do virus Corona gây ra tại Vũ Hán, thông tin cho thấy nguyên nhân khiến virus Corona bùng phát chính là người dân ở thành phố Vũ Hán thích ăn súp dơi.

Dơi là một trong những loài động vật hoang dã được bày bán rất nhiều ở chợ hải sản Vũ Hán. Được biết, mã di truyền của Coronavirus có trong dơi cũng có mối liên quan tới một loại virus gây dịch SARS trước đây. Cùng với dơi, người dân Trung Quốc còn thích nhiều loại động vật hoang dã khác vì theo họ chúng là những thứ đắt tiền, hiếm có và có tác dụng cải thiện một số tình trạng sức khỏe của cơ thể.

Ăn bất chấp bệnh

Chương trình “Tin tức 1+1” phát ngày 23/1, một Ủy viên Y tế Quốc gia Trung Quốc đã thông tin rằng, họ đã nhanh chóng tìm thấy nguồn gốc lây nhiễm của bệnh viêm phổi lạ do Coronavirus gây ra. Qua tìm hiểu, họ phát hiện ra loại virus này tồn tại trong động vật hoang dã được bày bán ở một chợ hải sản tại Vũ Hán. Đây là một khu chợ địa phương chuyên bày bán hải sản, nhưng cũng có rất nhiều người buôn bán trái phép động vật hoang dã tại đây.

Trong những năm gần đây, việc buôn bán động vật hoang dã mặc dù là bất hợp pháp ở Trung Quốc nhưng vẫn chưa bị cấm triệt để. Một số khu chợ nhỏ lẻ vẫn lén lút bán rất nhiều loài động vật hoang dã như rắn, dơi, chồn hôi, chuột...

Có cầu mới có cung, cũng bởi nguyên do người Trung Quốc quá yêu thích hương vị của những loài động vật hoang dã này mà họ đã bất chấp những rủi ro mầm bệnh. Và sự bùng phát của đại dịch Coronavirus là cái giá phải trả cho thói quen ăn uống kinh hoàng của người Trung Quốc mang đến.

Mặc dù nguồn gốc của chủng loại virus mới này vẫn đang được điều tra và chưa có kết luận cuối cùng nhưng các chuyên gia đã nghiên cứu và chỉ ra rằng chính động vật hoang dã là nguồn gốc lây lan virus.

Còn nhớ, trong đại dịch SARS 17 năm trước, nguồn gốc của virus cũng là từ cầy hương. Do vậy, các nhà khoa học và chuyên gia sau khi nhận thấy chủng loại virus mới này hoạt động giống như virus SARS đã nghi ngờ có thể bắt nguồn từ một số loài động vật hoang dã được bày bán trong chợ Vũ Hán.

Tuy nhiên, động vật hoang dã không mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể như nhiều người tưởng tượng. Ngoài các loại thịt gia súc như gà, heo, bò, hải sản... thì những loài vật sống trong tự nhiên hoang dã đều chứa nhiều mầm bệnh nguy hiểm. Khoảng 1200 năm trước, người ta đã phát hiện ra trong các loài động vật hoang dã chứa nhiều loại vi khuẩn lạ. Nếu nhiễm phải những vi khuẩn này, hậu quả sẽ rất khó lường. 

Một số loài động vật hoang dã chứa mầm bệnh lây nhiễm virus như: cầy hương (loài này từng là vật chủ trung gian truyền virus SARS và nhiều loại virus khác.

Những loại virus này có thể làm hỏng phổi và tổn thương hệ thần kinh trung ương); nhím (nhím hoang dã chứa nhiều ký sinh trùng endoparasite, có thể gây tổn hại cho mắt, mô dưới da, não, ruột và nhiều cơ quan nội tạng khác); rắn (nhiều loại rắn hoang dã chứa vô số ký sinh trùng nguy hiểm có thể gây viêm phúc mạc, nhiễm trùng huyết, viêm màng ngoài tim, não, mô dưới da... tổn thương nhiều cơ quan dẫn tới tử vong); gấu mèo (là vật chủ gây bệnh dại điển hình. Bên trong cơ thể của gấu mèo chứa nhiều loại giun.

Do đó, nếu ăn thịt loài động vật này có thể gây ra tổn thương nặng nề cho dạ dày); tê tê (trong vảy của tê tê chứa rất nhiều bọ ve và ký sinh trùng. Nếu ăn thịt tê tê, người ăn có thể sẽ đối diện với một số biến chứng như viêm gan. Thịt và vảy của tê tê không phải là một loại thuốc bổ như nhiều người vẫn tưởng); sóc (chứa nhiều vi khuẩn gây dịch hạch, giun, ký sinh trùng.

Do đó, nếu ăn thịt sóc hoang dã sẽ có nguy cơ làm hỏng ruột, gan, não và nhiều cơ quan nội tạng khác); lợn rừng (chứa nhiều loại ve, vi khuẩn trichinella, có thể gây ra sốt xuất huyết, ảnh hưởng đến cổ tử cung và làm hỏng cơ quan tiêu hóa).

Ai phải chịu rủi ro cao nhất?

Từ xưa đến nay, con người nhiều lần mắc bệnh từ động vật. 50 năm qua, nhiều bệnh truyền nhiễm đã lan ra nhanh chóng sau khi thực hiện “bước nhảy” tiến hóa từ động vật sang người. Dịch HIV/Aids những năm 1980 bắt nguồn từ họ người (gồm người, tinh tinh, khỉ đột, đười ươi), dịch cúm gia cầm năm 2004-2007 xuất phát từ chim, dịch cúm A-H1N1 năm 2009 thì do lợn.

Khu chợ Vũ Hán vẫn lén lút bán động vật hoang dã dù bị cấm.
 Khu chợ Vũ Hán vẫn lén lút bán động vật hoang dã dù bị cấm.

Gần đây hơn, các chuyên gia phát hiện Hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng (SARS) bắt nguồn từ dơi, lây sang cầy hương rồi đến người. Dơi cũng là sinh vật khiến con người mắc Ebola.

Sự biến đổi về môi trường và khí hậu đang khiến môi trường sống của động vật trở nên khác đi hoặc biến mất. Động vật thay đổi cách sống, nơi sống và cả thức ăn. Cuộc sống của con người cũng dần khác đi, 55% dân số thế giới hiện sống ở thành thị. Tỷ lệ này 50 năm trước chỉ là 35%. Các thành phố lớn cung cấp nơi trú ẩn mới cho động vật hoang dã như dơi, chuột, gấu mèo, sóc, cáo, chim, chó rừng và khỉ.

Chúng có thể sống trong không gian xanh như công viên, vườn cây. Động vật hoang dã trong thành phố thậm chí sống tốt hơn ngoài tự nhiên vì có nguồn thức ăn dồi dào. Và vì thế chúng để lại những chất thải ở khắp nơi, khiến cho không gian đô thị xuất hiện thêm rất nhiều bệnh mới.

Cùng với đó, sự biến đổi của môi trường, khí hậu hiện nay đang đẩy nhanh quá trình này. Nhu cầu du lịch quốc tế gia tăng khiến tốc độ lây lan của dịch bệnh mới trở nên nhanh và ở quy mô rộng hơn.

Con người ngày càng mắc nhiều bệnh của động vật như vậy thì ai là người phải chịu rủi ro cao nhất? Đó là nhóm đối tượng sống ở thành phố nhưng làm việc trong ngành chế biến thực phẩm, dọn dẹp vệ sinh, chăm sóc động vật, do có nhiều cơ hội tiếp xúc nguồn và người mang mầm bệnh.

Nhóm đối tượng này cũng có thể có hệ thống miễn dịch yếu hơn do dinh dưỡng kém, thường xuyên tiếp xúc với không khí chất lượng thấp hoặc điều kiện không vệ sinh. Và nếu bị nhiễm bệnh, họ thường ít chú ý và không đủ điều kiện đến cơ sở y tế.

Đâu là giải pháp?

Chính vì thế nên có thể nói, đại dịch sẽ là một phần của tương lai  chúng ta và con người buộc phải chấp nhận điều này. Việc “chủ động thừa nhận” đặt con người vào thế mạnh hơn để chống lại các đại dịch mới.

Hãy nhớ rằng, cách đây một thế kỷ, đại dịch cúm Tây Ban Nha đã lây nhiễm khoảng nửa tỉ người và giết chết 50 - 100 triệu người trên toàn thế giới. Sau đó, các tiến bộ khoa học và sự rót vốn đầu tư cho nghiên cứu y tế toàn cầu đã giúp loài người ít nhiều có thể đương đầu với những căn bệnh như thế trong tương lai. 

Tuy nhiên, rủi ro là điều không thể báo trước. Bất cứ thời điểm nào trong tương lai, con người cũng sẽ trải qua những dịch bệnh lớn. Điều đáng nói rằng, xã hội thường xử lý những bệnh truyền nhiễm mới như một vấn đề độc lập thay vì thừa nhận đó là một triệu chứng của việc thế giới đang biến đổi.

Trong khi đó, trên thực tế, càng thay đổi môi trường nhiều, con người càng phá vỡ các hệ sinh thái và tạo cơ hội cho bệnh tật xuất hiện.Và những bệnh lây nhiễm mới có thể lan nhanh tại thành phố lớn vì có rất nhiều người cùng sống trong một không gian hẹp, hít thở chung một bầu không khí và chạm vào những bề mặt giống nhau.

Hiểm họa băng tan giải phóng mầm bệnh và virus khổng lồ

Hiện tượng ấm lên toàn cầu cùng với hoạt động của con người đang làm tan lớp đất đóng băng vĩnh cửu, đánh thức mầm bệnh và virus khổng lồ cổ đại. Đơn cử, băng tan chảy trên cao nguyên Tây Tạng do biến đổi khí hậu có thể giải phóng hàng chục loài virus mắc kẹt, tiềm ẩn nguy cơ mang mầm bệnh.

Kết quả nghiên cứu được rút ra sau khi các nhà khoa học xem xét hai lõi băng nguyên thủy được thu thập từ sông băng Guliya vào năm 1992 và 2015. Các nhà khoa học đã phát hiện 33 loài virus khoảng 520 - 15.000 năm tuổi mắc kẹt bên trong một dòng sông băng khổng lồ trên cao nguyên Tây Tạng, phía tây bắc Trung Quốc, trong đó có 28 loài chưa từng được biết tới.

“Băng tan còn tiềm ẩn nguy cơ giải phóng một loạt mầm bệnh vào môi trường mà thế giới hiện nay chưa được chuẩn bị để đối phó”, nhóm nghiên cứu lo ngại.

Đọc thêm