Tam Dương: Khát vọng đột phá từ vùng đất thuần nông

0:00 / 0:00
0:00
Từ một huyện thuần nông thuộc địa hình trung du đồi gò cằn cỗi, bạc màu của tỉnh Vĩnh Phúc, thời gian qua Tam Dương đã bứt phá, chuyển động mạnh mẽ; các khu dân cư, khu đô thị mới, khu, cụm công nghiệp lần lượt mọc lên, đời sống nhân dân được cải thiện rõ nét với khát vọng lớn trên chặng đường trở thành huyện công nghiệp vào năm 2030.
Lãnh đạo UBND huyện Tam Dương báo cáo Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành (người đội mũ) về quy hoạch, mục tiêu phát triển của huyện.
Lãnh đạo UBND huyện Tam Dương báo cáo Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành (người đội mũ) về quy hoạch, mục tiêu phát triển của huyện.

Sản xuất công nghiệp dẫn dắt tăng trưởng

Ông Phùng Mạnh Thắng, Chủ tịch UBND huyện Tam Dương cho biết: Tam Dương được thành lập lại năm 1998 trên cơ sở tách ra từ huyện Tam Đảo. Sau gần 25 năm thành lập lại, huyện Tam Dương có những bước tiến ngoạn mục, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 12,4%/năm. Cơ cấu kinh tế theo ngành và lĩnh vực chuyển dịch tích cực, đúng hướng. Theo đó, công nghiệp - xây dựng chiếm gần 56%, thương mại - dịch vụ chiếm 22,5%, nông - lâm - thủy sản còn 21,5%. Vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 6.856 tỷ đồng, tăng 65% so với giai đoạn 2010 - 2015.

Đặc biệt, những năm gần đây, Tam Dương tập trung khai thác hiệu quả nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị. Tổng vốn đầu tư phát triển xã hội giai đoạn 2015 - 2020 đạt 6.856 tỷ đồng, tăng 65% so với giai đoạn 2010 - 2015. Năm 2022, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 8,69% (vượt 1,69%); cơ cấu kinh tế ngành công nghiệp - xây dựng đạt 57,4% (tăng hơn 4%); thương mại - dịch vụ đạt 21,11%; có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao… Các chỉ tiêu Tỉnh uỷ, Huyện uỷ giao đều đạt và vượt kế hoạch.

Điểm mới và trọng tâm nhất là Tam Dương hoạch định phát triển công nghiệp là động lực, nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân. Từ sau Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXX (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đến nay, Đảng bộ, chính quyền huyện Tam Dương dồn sức tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ xây dựng, hoàn thiện các công trình hạ tầng do tỉnh và huyện đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi nhằm hợp tác, kết nối giữa huyện với các địa phương trong tỉnh. Đặc biệt là chủ trương xây dựng và phát triển các khu công nghiệp (KCN) và cụm công nghiệp (CCN) đã và đang được triển khai tích cực, hiệu quả.

Đến nay, Tam Dương được quy hoạch 4 KCN với tổng diện tích đất là 552 ha, gồm: Tam Dương I, khu vực 2, với quy mô 163 ha; Tam Dương I, khu vực 3, với quy mô 176 ha; Tam Dương II, khu A, với quy mô 135 ha; Tam Dương II, khu B2, với quy mô 78 ha. Tất cả các KCN nêu trên đã và đang được khẩn trương xúc tiến với tinh thần cải tiến mạnh mẽ, đồng bộ, thông suốt thủ tục xây dựng, phát triển các hạng mục nhanh nhất, bảo đảm đúng tiến độ và hiệu quả đầu tư.

Cùng với đó, ngoài việc duy trì, phát triển các ngành công nghiệp sẵn có trên địa bàn như sản xuất gạch, may mặc, giày dép... Ủy ban nhân dân (UBND) huyện đề xuất và được UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho phép điều chỉnh, bổ sung phương án phát triển định hướng tới năm 2030 đối với 2 CCN, gồm: Hợp Thịnh, với quy mô 47 ha; Hoàng Lâu, với quy mô 50 ha, hiện đã được thành lập và giao chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng, đang tiến hành lập dự án. Bộ Công thương đồng ý chủ trương quy hoạch 2 CCN là: Duy Phiên, với quy mô 75 ha; Hướng Đạo với quy mô 46 ha. Ngoài ra, có 3 CCN đang được UBND huyện đề xuất quy hoạch, với tổng diện tích là 408 ha, gồm: Vân Hội, Hoàng Đan 1, Hoàng Đan 2.

UBND huyện Tam Dương thường xuyên bàn giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh, hướng tới phát triển nhanh, bền vững.

UBND huyện Tam Dương thường xuyên bàn giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh, hướng tới phát triển nhanh, bền vững.

Để kết nối giữa các KCN, CCN, giữa huyện với các địa phương trong và ngoài tỉnh, huyện Tam Dương tập trung đầu tư mở rộng, phát triển hệ thống đường giao thông như: đường vành đai KCN Tam Dương I, đường vành đai 2, đường vành đai 3, đường nối KCN Tam Dương I và KCN Tam Dương II, đường Hợp Châu - Đồng Tĩnh… Đồng thời, tiếp tục đề xuất UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Bộ Giao thông - Vận tải sớm triển khai thi công nút giao IC5 cao tốc Nội Bài - Lào Cai xuống địa bàn huyện Tam Dương; đề xuất UBND tỉnh đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào các KCC, CCN như: cấp điện, nước, thông tin, các dịch vụ kỹ thuật để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Mặt khác, để khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn, lãnh đạo huyện Tam Dương cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận về đất đai, cơ chế, chính sách; quyết liệt chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính, nâng cao phẩm chất, đạo đức công vụ, nhất là với đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp làm việc với doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Có thể khẳng định, điểm nổi bật trong thời gian qua của huyện Tam Dương là từng bước chuyển đổi từ chính quyền quản lý sang chính quyền vừa quản lý, vừa phục vụ với mục tiêu sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhất là thủ tục hành chính nhanh gọn, linh hoạt. Chính vì vậy, những năm gần đây, huyện Tam Dương thu hút được nhiều doanh nghiệp đến tìm hiểu, hợp tác đầu tư. Hiện nay, trên địa bàn huyện có trên 300 doanh nghiệp đang hoạt động trên các lĩnh vực, góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp của huyện lên hơn 19%/năm. Trong đó, có một số dự án của các nhà đầu tư đã và đang hoạt động sản xuất tại các KCN, góp phần tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đóng góp cho ngân sách nhà nước.

Tiêu biểu như Công ty TNHH Vitto tại KCN Tam Dương II, khu A, chuyên sản xuất các loại gạch ốp lát chất lượng cao. Bình quân mỗi năm công ty cung cấp cho thị trường gần 15 triệu m2 gạch với doanh thu đạt hơn 1.400 tỷ đồng/năm, bảo đảm việc làm ổn định cho 730 lao động với thu nhập bình quân đạt 8 triệu đồng/người/tháng. Tại KCN Tam Dương II, khu A, còn một số doanh nghiệp khác đang hoạt động hiệu quả như: Công ty TNHH Công nghiệp Hưng Phúc, Công ty TNHH Vitto Trading, Công ty cổ phần VP Trung Mỹ, Công ty cổ phần VP Thiện Mỹ, Công ty cổ phần ngói cao cấp AMADO, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn rất nhiều các doanh nghiệp sản xuất đang hoạt động tại các xã Hoàng Lâu, Kim Long, Đạo Tú, Duy Phiên, Hoàng Đan, Thanh Vân… tạo ra nhiều việc làm cho lao động địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang công nghiệp, dịch vụ, thương mại.

Nông nghiệp hướng tới chất lượng cao

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Dương Lê Xuân Bình, cùng với ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp, huyện Tam Dương vẫn là điểm sáng của tỉnh Vĩnh Phúc về sản xuất nông nghiệp. Đến nay, giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất canh tác đạt 155 triệu đồng/ha/năm, tăng gần 72 triệu đồng/ha so với năm 2010. Huyện đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung, trồng cây có giá trị kinh tế cao như: gạo Long Trì, rau quả xanh ở Vân Hội, Kim Long, An Hòa, Hợp Hòa...

Trong lĩnh vực trồng trọt, đã có sự điều chỉnh về cơ cấu cây trồng theo hướng tăng diện tích những cây có thị trường tiêu thụ thuận lợi và giá trị cao. Đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng và giá trị, hiệu quả sản xuất. Đối với cây lúa, diện tích gieo trồng đạt 6.339 ha, trong đó, trên 80% diện tích lúa có năng suất, chất lượng cao. Hiện nay, năng suất lúa đạt trên 58 tạ/ha, sản lượng đạt 36.775 tấn.

Sản phẩm nông nghiệp của huyện Tam Dương hướng đến năng suất, chất lượng cao.

Sản phẩm nông nghiệp của huyện Tam Dương hướng đến năng suất, chất lượng cao.

Cây rau màu đạt 1.738 ha, trong đó có 611 ha rau, quả được sản xuất theo mô hình Viet Gap, 168 ha sản xuất rau ăn lá theo hướng hữu cơ. Mô hình sản xuất hoa, rau, quả công nghệ cao ở thị trấn Hợp Hòa, mô hình sản xuất rau, củ quả theo chuỗi giá trị của các hợp tác xã trên địa bàn huyện và các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh ổn định, hiệu quả kinh tế cao như: dưa chuột ở An Hòa, Hướng Đạo, Hợp Hòa; su su, mướp ở Kim Long; rau an toàn Viet Gap ở Vân Hội, Hợp Thịnh...

Với lợi thế là địa phương có nhiều đồi gò, đồng cỏ nên tập trung đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại tập trung ở các xã: Kim Long, Hướng Đạo, Thanh Vân, Hoàng Lâu, Hoàng Hoa... Do vậy, Tam Dương luôn là địa phương có tổng đàn gia cầm cao nhất tỉnh Vĩnh Phúc. Chăn nuôi gia súc, gia cầm được phát triển đúng hướng, tiếp tục khẳng định là ngành mũi nhọn trong cơ cấu nông nghiệp của huyện.

Quy mô chăn nuôi trang trại, gia trại được phát triển nhanh theo hướng liên kết, tập trung nhiều ở các xã: Kim Long, Hướng Đạo, Thanh Vân, Hoàng Lâu, Hoàng Hoa... Đặc biệt, đàn gia cầm của huyện vẫn giữ được tổng đàn nhiều nhất tỉnh Vĩnh Phúc với trên 4.100.000 con. Cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch tích cực theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành trồng trọt, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi theo hướng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm cao.

Những bứt phá, sáng tạo của huyện Tam Dương đầy ấn tượng cho thấy những quyết sách đúng đắn, quyết tâm rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và hệ thống chính trị của huyện không ngừng đổi mới, hành động quyết liệt, từ chiến lược, kiến tạo hành lang phát triển đến các giải pháp ngắn hạn và dài hạn; huy động, khơi thông tối đa mọi nguồn lực, tháo gỡ những nút thắt, “điểm nghẽn”, vượt qua mọi khó khăn, phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng huyện Tam Dương phát triển toàn diện, bền vững, trở thành huyện công nghiệp vào năm 2030.

Đọc thêm