Tâm tư những nhà biên kịch lịch sử

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Lịch sử dân tộc là nguồn đề tài vô tận đối với nghệ thuật sân khấu, song cũng là thách thức với các đạo diễn để có thể có những vở diễn tốt. 
Các nghệ sĩ rất tâm huyết với vở “Làm Vua” (ảnh Minh Giang).
Các nghệ sĩ rất tâm huyết với vở “Làm Vua” (ảnh Minh Giang). 

Nhiều vở diễn giá trị

Vở diễn “Làm vua”, tác giả kịch bản - Đăng Chương; kịch bản - sân khấu và dàn dựng - đạo diễn Lê Quý Dương, do Sân khấu Lệ Ngọc trình diễn sẽ ra mắt tại Nhà hát Lớn (Hà Nội) từ ngày 2-4/5/2021. Qua câu chuyện về Đinh Tiên Hoàng, Hoàng hậu Dương Vân Nga và Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn, đạo diễn Lê Quý Dương cho biết, vở diễn “Làm vua” là bản anh hùng ca bất diệt của dân tộc Việt Nam không chịu ách áp bức nô lệ từ phương Bắc, bất khuất hiên ngang đứng lên, thống nhất giang sơn, khẳng định chủ quyền, mở ra triều đại phong kiến tập quyền đầu tiên của dân tộc. 

Những năm gần đây, rất nhiều sân khấu đã dàn dựng các vở kịch, chèo, cải lương... về đề tài lịch sử và để lại ấn tượng tốt đẹp với người xem như “Trưng nữ vương”, “An Tư Công chúa”, “Đề Thám”, “Trần Bình Trọng”, “Trần Quốc Toản ra quân”, “Hồ Quý Ly”, “Đô đốc Bùi Thị Xuân”, “Thái hậu Dương Vân Nga”... Chỉ riêng hình tượng anh hùng dân tộc Quang Trung đã có trên 50 vở diễn ở nhiều thể loại. Nghệ thuật sân khấu Việt Nam đã có những tác phẩm lịch sử trở thành kinh điển vì tính hiện đại của nó như bộ ba vở chèo “Bài ca giữ nước” của tác giả Tào Mạt. 

Ngay trong Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ IV - 2020 có tới 70% số tác phẩm tham dự là kịch về đề tài lịch sử, hoặc đề tài cũ được làm lại. Trong đó, Nhà hát Chèo Hà Nội mang đến vở “Tình sử Thăng Long” về mối tình giữa Lý Chiêu Hoàng - Trần Cảnh và màn nhường ngôi lịch sử. Nhà hát Cải lương Việt Nam dựng “Người đi tìm minh chủ”, khắc họa nhân vật lịch sử Ngô Thì Nhậm - một danh sĩ thời Hậu Lê - Tây Sơn. Nhà hát Cải lương Hà Nội tham dự với vở “Huyền thoại Thánh Mẫu” nói về mẹ Vua Lý Công Uẩn...

Các nhà hát ở các tỉnh, thành cũng hăng hái dàn dựng vở diễn đề tài này. Nhà hát Chèo Nam Định và Đoàn Cải lương Nam Định đã xây dựng nhiều vở diễn về đề tài lịch sử được giới chuyên môn và khán giả đánh giá cao: “Chiếng chèo Nam”, “Trần Quốc Toản ra quân”, “Trạng lường Lương Thế Vinh”, “Tấm vóc đại hồng”, “Soi bóng người xưa”… Đoàn Cải lương Nam Định có nhiều vở diễn về đề tài lịch sử thành công như: “Ngô Quyền dựng nước”, “Trần Hưng Đạo”; “Trần Bình Trọng”; “Linh hồn Đại Việt”...

Đề tài dễ mà khó

Lịch sử dân tộc là nguồn đề tài vô tận đối với nghệ thuật sân khấu, song cũng là một thách thức với các đạo diễn để có thể có những vở diễn tốt. Nhiều ý kiến cho rằng, các tác phẩm sân khấu về đề tài lịch sử không phải là tác phẩm lịch sử, mà đem những điều đã xảy ra để soi rọi, bàn về cái đang xảy ra, sẽ xảy ra bằng ngôn ngữ của nghệ thuật sân khấu. Tuy nhiên, các tác giả khi sáng tạo cũng cần phải đúng với lịch sử, đúng quan niệm của nhân dân, từ nhân vật và sự kiện lịch sử đến trang phục, bối cảnh...

Là người trực tiếp dàn dựng nhiều vở diễn sân khấu về đề tài lịch sử, đạo diễn – NSƯT Hoàng Quỳnh Mai chia sẻ: “Lịch sử Việt Nam với chiều dài hàng nghìn năm luôn là một kho báu để các ngành nghệ thuật nói chung và sân khấu nói riêng khai thác. Tuy không phải dày công nghĩ ra những câu chuyện và tuyến nhân vật xung quanh nhưng để có được một vở diễn hay về đề tài này lại không phải là điều dễ dàng. Xuất phát từ cùng một chất liệu đó, người nghệ sỹ phải có những góc nhìn, cách cảm và lối tiếp cận riêng để kịch bản của mình không bị lặp lại khi cùng khắc họa một nhân vật hay tái hiện một thời kỳ lịch sử. Trong nghệ thuật kịch, tính hiện đại của các vở kịch lịch sử chính là vấn đề vở diễn đặt ra và cách giải quyết chúng trong bối cảnh của cuộc sống hôm nay”. 

Nhà viết kịch Chu Thơm cho hay, với những người cầm bút sau này, điều quan trọng là phải có cái gì đó của riêng mình, nếu không muốn những người thẩm định kịch bản chỉ đọc hai phút là "buông" ngay. Ðể câu chuyện cũ thu hút khán giả, người viết phải nhìn câu chuyện ấy bằng nhãn quan của ngày hôm nay, đưa hơi thở của ngày hôm nay.

Các nghệ sĩ luôn trăn trở tìm hướng đi gắn nghệ thuật với lịch sử để tôn vinh lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên, họ gặp nhiều rào cản, khó khăn. Theo NSND Lê Tiến Thọ - cựu Chủ tịch Hội NSSK Việt Nam, nguyên nhân của tình trạng này là khán giả ngày càng ít quan tâm đến nghệ thuật sân khấu.  Một nguyên nhân nữa là loại hình nghệ thuật sân khấu có đề tài về lịch sử chưa được đầu tư đúng mức... 

Khi dựng một vở diễn sân khấu có đề tài về lịch sử sẽ tốn gấp 3 - 4 lần so với dựng một vở diễn sân khấu theo đề tài hiện đại. Một chiếc áo để vua mặc có khi mất đến vài chục triệu đồng, chưa kể đến trang phục của quan, quân kèm theo... Thêm vào đó, việc xây dựng hình tượng nhân vật lịch sử, những tình huống, tiết tấu để thông qua nhân vật lịch sử đối chiếu với hiện tại cũng chưa tốt nên những vở diễn sân khấu đề tài lịch sử chưa thu hút khán giả. 

Các nghệ sĩ mong muốn, Nhà nước cần quan tâm, đầu tư nhiều hơn cho những vở diễn sân khấu có đề tài về lịch sử. Đặc biệt, để những nhà viết kịch tìm đến với những đề tài lịch sử, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật có giá trị lịch sử, có ý nghĩa tôn vinh và có ý nghĩa giáo dục thì Nhà nước cần có một chính sách đãi ngộ đặc biệt, cụ thể là thù lao, nhuận bút của kịch bản lịch sử phải cao hơn các loại hình văn học khác. Các trường học cần có hoạt động ngoại khóa tổ chức các buổi xem – mỗi năm một lần tại sân khấu với các loại hình nghệ thuật có gắn đề tài lịch sử để học sinh hiểu hơn về các nhân vật, các sự kiện lịch sử.

Dựng một vở lịch sử hay đã khó, giữ nó sống bằng những đêm diễn thường xuyên ở mỗi đơn vị lại càng khó... Tuy vậy, các nghệ sĩ sân khấu đã không thờ ơ với đề tài lịch sử. Với cách nhìn tươi mới cùng sáng tạo nghệ thuật, họ đã giúp khán giả hiểu hơn, yêu hơn và trân trọng hơn lịch sử dân tộc.

Đạo diễn Lê Quý Dương: 

“Làm kịch lịch sử, điều khó nhất là phải có tính đương đại. Nếu làm kịch lịch sử giống như lịch sử nguyên bản hiện lên thì làm làm gì? Tuy nhiên, cũng không được xuyên tạc hay bịa đặt, bóp méo lịch sử. Khó là ở chỗ đó. Phải tìm ra được những bài học hiện đại sâu sắc và có giá trị đương thời từ câu chuyện lịch sử đó. 

Thực ra thì những vấn đề lớn lao và triết lý nhân văn của loài người cũng chẳng thay đổi mấy theo suốt chiều dài văn minh của nhân loại. Ngày xưa thì chiến tranh bằng giáo mác voi ngựa, rồi phát triển hơn thì súng đạn xe tăng, máy bay, rồi phát triển hơn nữa thì chiến tranh bằng thương mại, kinh tế, thậm chí văn hóa, rồi phát triển hơn nữa thì chiến tranh bằng công nghệ. Hình thức có thể đổi thay nhưng bản chất của chiến tranh thì vẫn không thay đổi. 

Bởi vậy kịch lịch sử khi được dàn dựng đúng sẽ giúp con người đi vào bản chất các vấn đề của xã hội và tồn tại. Nó làm con người sống tự tin hơn, sáng tạo hơn và điều quan trọng nhất là giữ nguyên vẹn cho mình khát vọng sống và những giá trị nhân văn”.