Chiều 14/4, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ ký Quy chế phối hợp công tác giữa Văn phòng Chủ tịch nước và Tòa án Nhân dân Tối cao; Văn phòng Chủ tịch nước và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.
Phát biểu tại Lễ ký, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định đây là những Quy chế rất quan trọng để giúp Chủ tịch nước hoàn thành chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn mà Hiến pháp và pháp luật quy định, cũng như nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó.
Quy chế phối hợp công tác giữa Văn phòng Chủ tịch nước với Tòa án Nhân dân Tối cao và với Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ký ngày 14/4 để thay thế 2 Quy chế được ban hành từ năm 2012.
Qua 10 năm triển khai thực hiện, các Quy chế trên đã tạo cơ sở quan trọng để 3 cơ quan phối hợp, góp phần nâng cao hiệu quả tham mưu, phục vụ hoạt động của Chủ tịch nước thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp, pháp luật và nhiệm vụ được Bộ Chính trị phân công phụ trách công tác tư pháp; góp phần quan trọng vào những thành tựu chung của Đảng, Nhà nước.
Tuy nhiên, các Quy chế phối hợp này đều không còn phù hợp, do được ban hành trước khi Hiến pháp được sửa đổi năm 2013, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân được bổ sung, sửa đổi vào năm 2014. Mặt khác, trong quá trình triển khai thực hiện, vẫn còn một số vướng mắc, bất cập dẫn đến những khó khăn trong phối hợp, nhất là phục vụ Chủ tịch nước trong việc xét đơn xin ân giảm hình phạt án tử hình và đặc xá.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Văn phòng Chủ tịch nước, Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ngay sau các cuộc làm việc với Chủ tịch nước vào tháng 6/2021, đã ban hành được Kế hoạch của Liên ngành Trung ương về phối hợp theo dõi, rà soát, đối chiếu hồ sơ vụ án tử hình và kiểm tra công tác giam giữ, thi hành án đối với người bị kết án tử hình tại các trại giam.
Theo chỉ đạo của Chủ tịch nước, sau đúng 7 tháng, đã hoàn thành nghiên cứu, sửa đổi quy chế phối hợp công tác giữa ba cơ quan. Trong đó, có sửa đổi, bổ sung trình tự, thủ tục trình Chủ tịch nước xét đơn xin ân giảm án tử hình nhằm khắc phục tình trạng tồn đọng hồ sơ án tử hình hiện nay.
Đây là các cơ sở pháp lý quan trọng, cần thiết để triển khai thực hiện các công việc theo chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan để phục vụ Chủ tịch nước thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Do đó, 3 cơ quan phải tổ chức thật tốt việc thực hiện Quy chế phối hợp công tác này.
Chủ tịch nước yêu cầu các bản Quy chế được ký kết lần này phải được triển khai sâu rộng và thực hiện một cách nghiêm túc từ lãnh đạo đến các bộ phận nghiệp vụ, đặc biệt là các cán bộ, chuyên viên trực tiếp thực hiện công việc; đi đôi với làm tốt công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Quy chế.
Quá trình thực hiện phải đảm bảo đúng nguyên tắc, tuân thủ chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan theo quy định của pháp luật; đảm bảo tính chủ động, thường xuyên, chặt chẽ, kịp thời, tạo điều kiện hỗ trợ lẫn nhau. Định kỳ hằng năm, ba cơ quan cần tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm và báo cáo Chủ tịch nước.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương và mong muốn Ban Nội chính Trung ương, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Bộ Công an, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và Văn Phòng Chủ tịch nước sẽ phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, liên tục để thực hiện tốt công tác tham mưu, phục vụ Chủ tịch nước trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật cũng như thực hiện nhiệm vụ được Bộ Chính trị phân công phụ trách công tác tư pháp, nhiệm vụ Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương và Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Đây là khối lượng công việc rất lớn, đòi hỏi phải tổ chức thật tốt, hiệu quả và thực hiện nghiêm túc 2 Quy chế này.