Theo dự kiến, phiên tòa trực tuyến gồm điểm cầu trung tâm và điểm cầu tham gia. Điểm cầu trung tâm được lập tại tòa án hoặc địa điểm khác. Thành phần tham gia gồm: HĐXX, thư ký phiên tòa, đại diện VKSND các cấp, đương sự, bị hại cùng người bảo vệ quyền lợi hoặc người bào chữa, người tham gia tố tụng khác.
Điểm cầu tham gia (đối với vụ án hình sự) được đặt tại cơ sở giam giữ. Điều kiện cần có là bị cáo, cơ sở giam giữ có văn bản đề nghị tổ chức phiên tòa trực tuyến và được VKSND đồng ý.
Thành phần dự tòa gồm: Bị cáo; người bào chữa; lực lượng công an và kiểm sát viên (nếu có). Nếu bị cáo dưới 18 tuổi thì bố trí người đại diện tham gia tại điểm cầu này, trừ trường hợp họ đề nghị đến điểm cầu trung tâm. Nếu phiên tòa không thể bố trí điểm cầu tại cơ sở giam giữ thì có thể đặt tại trụ sở TAND cấp huyện hoặc tỉnh ở nơi có cơ sở giam giữ.
Đối với vụ án hành chính hay vụ việc dân sự, điểm cầu tham gia được đặt tại nơi đương sự lựa chọn và phải được tòa án chấp nhận. Thành phần tham dự gồm: Đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (nếu có).
Về trình tự xét xử trực tuyến, TAND Tối cao đề xuất tổ chức theo mô hình của phiên tòa thông thường theo quy định. Tuy nhiên, việc kiểm tra căn cước của những người dự tòa phải thông qua so sánh trực tuyến các giấy tờ tùy thân hoặc qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Trường hợp người tham gia tố tụng tại điểm cầu tham gia cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ của vụ án hình sự thì công chức tòa án hoặc cán bộ của cơ sở giam giữ tiếp nhận, sao chụp rồi gửi cho HĐXX. Sau đó, chủ tọa phải công bố, đánh giá các tài liệu, chứng cứ đó.
Đối với trang thiết bị cho một phiên xử trực tuyến, dự thảo đề xuất phòng xử án phải được trang bị hệ thống trực tuyến riêng biệt như: Hệ thống chiếu sáng; đường truyền và thiết bị mạng; âm thanh; thiết bị hiển thị hình ảnh, giải mã tín hiệu truyền hình, phần mềm truyền hình trực tuyến; camera ghi hình; thiết bị lưu trữ dữ liệu; máy chiếu và bộ lưu điện.
Theo dự thảo, phiên tòa xét xử trực tuyến phải được ghi âm, ghi hình có âm thanh để lưu trữ dưới dạng dữ liệu điện tử. Người tham gia phiên tòa không quay phim, chụp ảnh hoặc phát tán tài liệu, phát trực tiếp (livestream) phiên xử lên mạng xã hội.
Dự thảo đề xuất chỉ xét xử trực tuyến các vụ án hình sự mà bị cáo bị xét xử tội danh có hình phạt dưới mức đặc biệt nghiêm trọng (dưới 15 năm tù); các vụ án có chứng cứ rõ ràng và bị cáo đang bị tạm giam. Những vụ việc dân sự, hành chính có tình tiết đơn giản, đương sự có địa chỉ cư trú rõ ràng cũng có thể được xét xử trực tuyến.
TAND Tối cao đề xuất không xét xử trực tuyến các vụ án hình sự, hành chính, dân sự có tài sản ở nước ngoài; xử kín hoặc các vụ liên quan nhóm xâm phạm an ninh quốc gia; các vụ án liên quan chiến đấu, phục vụ chiến đấu của quân đội; nhóm tội chống lại loài người.
Trả lời báo chí, TS. Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án TANDTC, cho rằng hình thức xét xử trực tuyến giúp tiết kiệm thời gian, kinh phí cho người dân, cơ quan, tổ chức và hạn chế tiếp xúc gần, tránh lây lan dịch bệnh.
Về cơ sở của đề xuất này, ông Tuệ nói: “Trên cơ sở nghiên cứu chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cam kết quốc tế của Việt Nam; nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn, TAND Tối cao đề xuất tổ chức phiên tòa trực tuyến và sẽ áp dụng đối với một số vụ án hình sự, hành chính và dân sự.
Theo cam kết của Việt Nam khi tham gia Hội đồng Chánh án các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Hội đồng Chánh án khu vực ASEAN, đến năm 2025, chúng ta phải hoàn thành việc xây dựng và tổ chức vận hành tòa án điện tử.
Về cơ sở pháp lý, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính đều có các quy định về tố tụng điện tử, tố tụng trực tuyến, tạo cơ sở bước đầu cho việc tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Mặt khác, thời gian qua, một số tòa án khi tổ chức phiên tòa hình xét xử vụ án xâm hại tình dục, tham nhũng và một số vụ án khác có nhiều người tham gia tố tụng đã cho luật sư, bị hại, người làm chứng… tham gia phiên tòa tại phòng cách ly hoặc phòng khác với sự hỗ trợ của thiết bị điện tử.
Tình hình dịch bệnh COVID-19 khiến hoạt động xét xử của tòa án bị ảnh hưởng. Nhiều vụ án đến hạn nhưng không thể đưa ra xét xử theo quy định. Một số vụ việc bị kéo dài thời hạn giải quyết do đương sự, bị can, bị cáo cư trú hoặc bị tạm giam ở vùng có dịch nên không thể trực tiếp tham gia phiên tòa. Điều này đòi hỏi phải sớm có giải pháp để đưa các vụ án ra xét xử theo đúng thời hạn, kịp thời bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân, ổn định trật tự xã hội và bảo đảm tác phòng chống dịch”.