Sáng nay, Bộ LĐTB&XH, Tổng LĐLĐVN và cơ quan LHQ về bình đẳng giới (BĐG) và trao quyền năng cho phụ nữ (UN WOMEN) tổ chức hội thảo tăng cường thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐG (2011-2020).
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thanh Hòa nhấn mạnh, BĐG là mục tiêu quan trọng để phát triển, vai trò của phụ nữ trong xã hội ngày càng được tăng cường, khoảng cách giới bước đầu được thu hẹp. Hiện phụ nữ đang tham gia vào nhiều lĩnh vực, tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội. Đóng góp của lao động nam và nữ cho xã hội ngày càng bình đẳng song công việc của lao động nữ chủ yếu là giản đơn, bấp bênh và rủi ro cao.
|
Xã hội cần có sự đồng thuận, cam kết mạnh mẽ, thúc đẩy triển khai Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2011-2020 |
Thực hiện BĐG vẫn còn hạn chế nên cũng đang là một trong những rào cản đến sự phát triển bền vững, bảo đảm công bằng xã hội, nhất là thể hiện rất rõ trong lĩnh vực chính trị. Do đó, xã hội cần có sự đồng thuận, cam kết mạnh mẽ, thúc đẩy triển khai Chiến lược trong thời gian tới.
Nhấn mạnh đến vai trò của chính sách trong thúc đẩy BĐG, ông Nguyễn Hòa Bình – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam – cho rằng, đưa chính sách, pháp luật về BĐG vào cuộc sống có nhiều thách thức to lớn nên cần có nhiều giải pháp để thực hiện BĐG cho phù hợp với thực tế của từng địa phương, đơn vị.
Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới nhằm đến 7 mục tiêu, tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm từng bước giảm khoảng cách giới trong hệ thống chính trị; giảm khoảng cách giới trong kinh tế, lao động, việc làm, tăng sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, từng bước bảo đảm sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong giáo dục đào tạo; bảo đảm BĐG trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; bảo đảm BĐG trong lĩnh vực văn hóa thông tin để đến 2015 giảm 60% và đến 2020 giảm 80% sản phảm văn hóa thông tin mang định kiến giới.
Tăng thời lượng phát sóng của các chương trình, chuyên mục và số lượng các sản phẩm tuyên truyền, giáo dục về BĐG; bảo đảm BĐG trong đời sống gia đình từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới: rút ngăn khoảng cách về thời gian tham gia công việc gia đình của phụ nữ so với nam giới xuống 2 lần và 1,5 lần vào năm 2020. Hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, nạn nhân bị buôn bán trở về; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về BĐG bằng đảm bảo số dự thảo VBQPPL được xác định có nội dung liên quan đến bĐG, hoặc có vấn đề về bất BĐG, phân biệt đối xử về giới được lồng ghép giới; bố trí cán bộ làm công tác BĐG, tập huấn, bồi dưỡng…
Để thực hiện, trong Chiến lược cũng đề ra các giải pháp: lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, hoàn thiện hệ thống chính sách, nâng cao nặng lực quản lý nhà nước về BĐG, tuyên truyền phổ biến giáo dục, xây dựng tổ chức thực hiện chiến lược, phát triển hệ thống dịch vụ, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, nghiên cứu về BĐG…
H.Giang