Tại các tỉnh Miền Trung, sau mưa lũ làm cho vệ sinh môi trường tại các vùng dân cư bị ô nhiễm, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển, nên trong thời gian tới sẽ tiếp tục ghi nhận thêm nhiều trường hợp mắc bệnh Melioidosis. Đây tuy là bệnh ít gặp, không gây thành dịch, nhưng bệnh cảnh thường tiến triển nặng, có tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt ở những đối tượng có nguy cơ cao.
Để chủ động có các biện pháp phòng chống hiệu quả đối với bệnh Melioidosis, Cục Y tế dự phòng đề nghị các Sở Y tế tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình bệnh Melioidosis, phát hiện sớm các trường hợp mắc mới, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ và các đối tượng nguy cơ cao để phát hiện sớm các trường hợp mắc và xử lý điều trị trên địa bàn tỉnh, thành phố, đặc biệt là tại các vùng nguy cơ cao, đã có bệnh nhân mắc bệnh Melioidosis. Tổ chức thu dung, cấp cứu bệnh nhân, điều trị tích cực để hạn chế mức thấp nhất các trường hợp tử vong do bệnh Melioidosis.
Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị y tế tổ chức điều tra, phân tích về dịch tễ các trường hợp mắc bệnh Melioidosis, phân tích nguy cơ và các biện pháp phòng chống bệnh Melioidosis.
Đồng thời, phối hợp với cơ quan truyền thông đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về nguy cơ mắc và các biện pháp phòng chống bệnh Melioidosis để người dân hiểu và chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống; đưa các trường hợp nghi ngờ bị mắc bệnh đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị, đặc biệt chú ý đối với các đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh Melioidosis.
Bệnh Melioidosis (Whitmore) do trực khuẩn Gram âm Burkholderia pseudomallei tồn tại trong môi trường tự nhiên gây ra. Vi khuẩn B. pseudomallei khi vào cơ thể có sẽ thâm nhập vào các bộ phận của cơ thể, thường gặp là ở phổi. Bên cạnh đó là các cơ quan nội tạng như gan, thận, tim, cơ, da các tuyến tiêu hóa… Đây là bệnh ít gặp, không gây thành dịch, nhưng bệnh cảnh thường tiến triển nặng, có tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt ở những người mắc bệnh mãn tính.