Tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý đấu thầu

(PLVN) - Đây là vấn đề được các đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến tại phiên họp Quốc hội sáng nay, 15/11, thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Toàn cảnh phiên họp.
Toàn cảnh phiên họp.

Khắc phục bất cập về mua sắm, đấu thầu trong lĩnh vực y tế

Tình trạng thiếu thuốc và trang thiết bị y tế tại nhiều cơ sở khám, chữa bệnh công lập trong thời gian qua là vấn đề được nhiều đại biểu cho ý kiến tại phiên họp.

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (đoàn Đắk Nông) nhấn mạnh, tình trạng này đã ảnh hưởng đến việc khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của Nhân dân, nhất là người bệnh nghèo đang tham gia bảo hiểm y tế, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo, tháo gỡ nhưng tình trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Theo đại biểu, nguyên nhân của tình trạng này là do những vướng mắc, bất cập của các quy định trong công tác mua sắm, đấu thầu trong lĩnh vực y tế.

Do đó, đại biểu đề nghị cần sửa đổi các quy định về đấu thầu thuốc, trang thiết bị vật tư y tế trong Luật Đấu thầu chỉnh sửa đổi lần này, nghiên cứu có quy định phù hợp để tháo gỡ những điểm nghẽn trong đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế để đảm bảo cho nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của Nhân dân.

“Tôi nhận thấy cần thiết bổ sung vào dự thảo Luật Đấu thầu quy định riêng về đấu thầu cho ngành y tế. Cụ thể, một số nội dung như mua sắm thuốc, mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế, hóa chất sinh phẩm và các dịch vụ phi tư vấn khác như bảo trì, sửa chữa, thay thế linh kiện, thay thế trang thiết bị hay thuê các thiết bị y tế phục vụ công tác điều trị và các dịch vụ y tế như vệ sinh công nghiệp trong bệnh viện cần có quy định chi tiết hình thức chỉ định thầu, xử lý, chỉ định thầu rút gọn”, đại biểu nói.

Chung băn khoăn, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, đấu thầu chỉ là một phương tiện, không phải là mục đích. Mục đích của đấu thầu là làm sao để có những sản phẩm chất lượng và kiểm soát được giá cả.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan phát biểu tại phiên họp.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan phát biểu tại phiên họp.

“Rõ ràng, trong thời gian qua, tiêu cực nhiều quá và hầu như toàn dự thảo Luật tăng cường những biện pháp để giám sát. Về mặt quy trình phức tạp hơn nhưng trên thực tế, chính việc này sẽ dẫn đến hệ lụy là ảnh hưởng đến thời gian, đến công sức. Và thực sự nó có chống được tiêu cực hay không?”, đại biểu đặt vấn đề.

Theo đại biểu, hầu như tất cả các nhóm sản phẩm, dịch vụ sử dụng ngân sách đều phải đấu thầu, nhưng có thể chúng ta chấp nhận chuyện chậm lại để không tiêu cực. Song, có một số những nhóm mặt hàng, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, cứu chữa người bệnh, việc ảnh hưởng tới tính mạng tới sức khỏe của người dân thì không thể chậm được.

Tán thành với ý kiến cho rằng phải có một chương riêng quy định về vấn đề đấu thầu trong lĩnh vực y tế, đại biểu đề nghị phải xem xét lại để đa dạng hóa các phương thức để có được hàng hóa, dịch vụ, có được thuốc cho người bệnh "chứ không phải chỉ chăm chú vào đấu thầu, vừa tốn thời gian, vừa tốn công sức và cũng không bảo đảm chống được tiêu cực".

Nhấn mạnh thuốc là mặt hàng thiết yếu, khi đấu thầu sẽ có những tình trạng các đơn vị từ chối, không tham gia thầu hoặc phải hủy thầu, đại biểu đề nghị phải có cách giải quyết đặc biệt cho vấn đề này.

Đại biểu cũng đề nghị quy định căn cứ theo thị trường thực tế, thay vì căn cứ vào giá trúng thầu của năm trước, để làm giá kế hoạch của năm sau, tránh tình trạng giá càng ngày càng thấp và không bảo đảm được chất lượng.

Nêu rõ yêu cầu phải làm sao để bảo đảm được giá rẻ nhất nhưng chất lượng phải bảo đảm, đại biểu cho rằng trong tiêu chí đấu thầu thuốc thiếu một tiêu chí hết sức quan trọng là đánh giá về hiệu quả của bác sĩ điều trị, được lượng hóa và tính thành số điểm và do Hội đồng thuốc và điều trị chịu trách nhiệm một cách công khai, minh bạch.

“Đây là một vấn đề đôi khi hơi cảm tính và sau này nếu như những cơ quan kiểm tra, điều tra có thể kết luận tại sao không chọn thuốc rẻ hơn mà lại chọn thuốc này giá đắt hơn… nên rất cần có những quy định cụ thể về vấn đề này”, đại biểu nói.

Quy định rõ để tránh cài cắm thông tin trong hoạt động đấu thầu

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) cho rằng, hạn chế lớn nhất trong đấu thầu thời gian vừa qua là số lượng người tham gia dự thầu rất ít.

Đại biểu phân tích, kể cả đấu thầu trên mạng cũng chỉ bình quân hơn một hồ sơ, chứng tỏ tính cạnh tranh không cao. Nguyên nhân chính ở đây có thể do thông tin đã được cài cắm trong hồ sơ mời thầu, làm hạn chế những nhà thầu tham gia.

Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu.

Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu.

Để hạn chế việc cài cắm thông tin, luật hiện hành cũng như luật dự thảo chỉ có một điều duy nhất nói rằng là "cấm không được cài cắm thông tin để hạn chế nhà thầu", còn cài cắm như thế nào thì không nói.

“Vì vậy, tôi đề nghị để tránh cài cắm thông tin thì chúng ta phải quy định rất rõ trong hồ sơ mời thầu phải như thế nào là không cài cắm thông tin”, đại biểu nêu quan điểm.

Còn đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng ưu đãi trong việc chọn thầu là rất cần thiết nhưng chỉ nên quy định một số hàng hóa đặc thù, hàng hóa khuyến khích sản xuất trong nước, không quy định chung mà nên cụ thể hơn để dễ thực hiện, để không tùy tiện áp dụng.

“Ngoài ra, việc quy định chi tiết của Chính phủ cũng cần phải rõ ràng về những nội dung ưu đãi để chọn nhà thầu cho khách quan, công bằng, minh bạch, tránh đối tượng lợi dụng ưu đãi thông đồng với các nhà thầu khác có thể tiêu cực’, đại biểu nói.

Đảm bảo thuận lợi, kiểm soát chặt chẽ tài sản của Nhà nước

Phát biểu giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, đây là một luật tương đối khó, phức tạp và ảnh hưởng đến nhiều mặt của xã hội.

“Chúng tôi đồng tình với rất nhiều ý kiến cho rằng chúng ta phải quy định làm sao cho chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch để làm sao thuận lợi trong quá trình hoạt động nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát chặt chẽ tài sản của Nhà nước, nguồn vốn của Nhà nước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, thực tiễn vừa qua cho thấy, hành vi thông đồng, gian lận, nâng khống giá, cài cắm các tiêu chí đánh giá trong hồ sơ mời thầu, can thiệp bất hợp pháp vào quá trình đấu thầu, chia nhỏ các gói thầu để chỉ định… đang diễn biến hết sức phức tạp và tinh vi.

Theo Bộ trưởng, bên cạnh một số nguyên nhân chủ quan trong tổ chức thực hiện, trong các quy định pháp luật của chúng ta còn chưa đầy đủ và chặt chẽ về vấn đề này.

“Lần này, dự thảo Luật đã bổ sung rất nhiều quy định để tránh hiện tượng này. Theo đó, bổ sung hoàn thiện các quy định về hồ sơ mời thầu để làm sao chống hiện tượng cài cắm các tiêu chí để cạnh tranh, gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh”,

Về việc tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, Bộ trưởng cho hay, đây là một loại hình hàng hóa, một loại hàng hóa hết sức đặc biệt, đặc thù và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người dân.

Vì vậy nên việc cần có quy định rõ ràng, cụ thể là hết sức cần thiết và cấp bách. “Trong dự thảo luật đã thiết kế một chương nói về các quy định này và có một số điều khoản ở các chương khác cũng đã nói về quy định những vấn đề về y tế, nhưng chúng tôi sẽ rà soát lại để làm sao cho đầy đủ, bao quát, thuận lợi trong quá trình mua sắm các trang thiết bị y tế, thuận lợi cho quá trình thực hiện, tổ chức thực hiện”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng việc thiết kế một chương riêng cho lĩnh vực y tế là vấn đề cần phải cân nhắc để không phá vỡ kết cấu chung của bộ luật và hệ thống pháp luật.

“Không phải chỉ có lĩnh vực y tế mới có đặc thù, đặc biệt, chúng ta có rất nhiều lĩnh vực cần đặc thù, đặc biệt, kể cả trong giáo dục, đào tạo, kể cả trong thiên tai, địch họa, kể cả trong chiến tranh, kể cả quốc phòng, an ninh... Nếu mỗi một vấn đề đó, chúng ta lại thiết kế một chương thì chắc chắn sẽ không hợp lý. Chúng tôi cho rằng làm sao bao quát đầy đủ là được chứ không có nghĩa phải nhặt ra để riêng vào một chương”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phân tích.

Từ đó, Bộ trưởng cho hay, cơ quan soạn thảo sẽ cứu thêm, trên tinh thần rà soát bao quát, đầy đủ tất cả các vấn đề vướng mắc hiện nay trong ngành y tế để đảm bảo thuận lợi.

Đọc thêm