Tăng cường kỷ luật, kỷ cương quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước

(PLVN) - Sáng 12/5, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

Còn tồn tại, bất cập trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2021, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, các chính sách tài chính trong năm 2021 được thực hiện đồng bộ, kịp thời, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng của dịch.

Vì vậy, từ cuối quý III/2021, các hoạt động kinh tế đã bắt đầu phục hồi và tăng trưởng tích cực, kinh tế vĩ mô cả năm được đánh giá ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh, thị trường tài chính tiền tệ ổn định, an sinh xã hội được đảm bảo, an ninh, quốc phòng được giữ vững.

Bộ trưởng Tài chính cũng cho hay, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã nghiêm túc thực hiện các giải pháp đã đề ra; thực hiện chi ngân sách bám sát mục tiêu, dự toán được giao; rà soát, cắt giảm mạnh các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai, tập trung nguồn lực chi cho phòng, chống dịch COVID-19.

Tuy nhiên, trong thực hiện, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp; việc tổ chức triển khai thực hiện một số chính sách đảm bảo an sinh xã hội còn chậm; số chuyển nguồn kinh phí sang năm sau còn lớn; một số bộ, ngành, địa phương chấp hành chưa nghiêm kỷ luật, kỷ cương tài chính nhà nước trong quản lý, sử dụng ngân sách, thực hiện quyết toán ngân sách và gửi về Bộ Tài chính thẩm định, tổng hợp còn chậm và chưa đúng quy định.

Báo cáo kết quả kiểm toán quyết toán NSNN năm 2021 tại phiên họp, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, qua kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN năm 2021 tại Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư và tổng hợp một số kết quả kiểm toán chính của các cuộc kiểm toán tổ chức trong năm 2022, KTNN chỉ ra nhiều tồn tại, bất cập trong công tác quản lý, sử dụng NSNN.

Liên quan đến tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, kết quả kiểm tra trong năm 2022 cho thấy, đến 31/12/2022 các đơn vị đã thực hiện kiến nghị xử lý tài chính tăng thu, giảm chi NSNN 22.492,1 tỷ đồng, đạt 88,57%; kiến nghị xử lý khác được thực hiện 33.284,7 tỷ đồng, đạt 80,08%.

Ngoài ra, đến 31/12/2022 các đơn vị được kiểm toán thực hiện thêm 18.248,3 tỷ đồng (trong đó, kiến nghị tăng thu, giảm chi NSNN 6.957,21 tỷ đồng) kiến nghị từ niên độ 2019 trở về trước, bằng 21,4% tổng số kiến nghị chưa thực hiện tính đến 31/12/2021.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán Ngân sách nhà nước năm 2021.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán Ngân sách nhà nước năm 2021.

KTNN đề nghị UBTVQH xem xét cho ý kiến đối với quyết toán NSNN năm 2021 do Chính phủ trình để báo cáo QH phê chuẩn thu cân đối NSNN 2.387.906 tỷ đồng; chi cân đối NSNN 2.484.491 tỷ đồng; bội chi NSNN 214.105 tỷ đồng, bằng 2,52% GDP thực hiện.

Làm rõ trách nhiệm chậm lập, gửi báo cáo quyết toán

Trình bày báo cáo thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà chỉ rõ tình trạng kỷ luật, kỷ cương trong lập, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN năm 2021 chưa nghiêm, nhiều tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm, đặc biệt công tác quyết toán NSNN chậm đã nêu trong các nghị quyết của QH, UBTVQH chưa được khắc phục.

Tình trạng điều chỉnh thông tin, số liệu quyết toán sau thời gian chỉnh lý, tổng hợp quyết toán NSNN không phù hợp theo quy định Luật NSNN chậm được khắc phục.

Việc theo dõi, tổng hợp, hạch toán thông tin, số liệu đánh giá, quyết toán thu, chi NSNN không sát, điều chỉnh nhiều thông tin, số liệu sau thời gian chỉnh lý quyết toán, thậm chí tiếp tục điều chỉnh sau thời gian tổng hợp báo cáo quyết toán ảnh hưởng rất lớn trong dự báo, lập, đánh giá dự toán NSNN, huy động nguồn vốn bù đắp bội chi, trả nợ gốc lãi trong năm và các năm sau và công tác thẩm tra quyết toán NSNN.

Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương rút kinh nghiệm trong việc lập, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN năm 2021 không nghiêm, không đúng quy định; làm rõ trách nhiệm đối với các Bộ, ngành, địa phương chậm lập, gửi báo cáo quyết toán NSNN năm 2021, quyết toán các khoản thu, chi NSNN còn nhiều sai sót, hạch toán không đầy đủ,… ảnh hưởng đến công tác thẩm định, thẩm tra, tổng hợp quyết toán NSNN năm 2021. Đồng thời, xác định lộ trình xử lý dứt điểm các tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm.

Về quyết toán thu, chi NSNN năm 2021, theo Báo cáo của Chính phủ, dự toán chi là 1.701.713 tỷ đồng; quyết toán 1.708.088 tỷ đồng, tăng 6.375 tỷ đồng (0,4%) so với dự toán. Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng quyết toán chi NSNN (bao gồm cả số chi chuyển nguồn) rất thấp là do công tác lập dự toán chi không sát, giải ngân đầu tư công thấp, chậm tổ chức triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

“Việc hủy bỏ dự toán, chuyển nguồn lớn, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách kinh tế, chính sách an sinh xã hội của Nhà nước”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà nhấn mạnh.

Để tăng cường kỷ luật, kỷ cương quản lý, sử dụng NSNN và tăng cường việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị UBTVQH báo cáo QH, từ quyết toán NSNN niên độ năm 2022, QH không phê chuẩn quyết toán các khoản thu, chi NSNN trong niên độ đã phát hiện không đúng quy định; các khoản chi phải hủy nguồn, thu hồi về NSNN trong niên độ và các năm trước, nhưng chưa thực hiện thu hồi và các kết luận, kiến nghị Kiểm toán Nhà nước yêu cầu xử lý tài chính trong niên độ quyết toán NSNN (bao gồm cả các trường hợp HĐND các cấp đã phê chuẩn quyết toán).

Có giải pháp quyết liệt để xử lý những tồn tại, hạn chế

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, câu chuyện thực hiện kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách từ khâu lập, thi hành dự toán, đến quyết toán còn chậm, thiếu chính xác, phải điều chỉnh là những vấn đề đã cũ.

Mặt khác, nêu việc tỷ lệ thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đối với quyết toán NSNN còn thấp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị cần phân tích rõ nguyên nhân, làm rõ đó là do các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước hay do ý thức của đơn vị thực hiện.

Chỉ ra việc xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân cũng rất thấp, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh lưu ý cần phải có chế tài để xử lý với trường hợp, tổ chức cá nhân không thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Hải chỉ rõ, qua báo cáo Kiểm toán Nhà nước, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách và ý kiến của UBTVQH cho thấy còn nhiều bất cập trong quản lý, điều hành, sử dụng ngân sách kéo dài nhiều năm chưa được khắc phục. Do đó, đề nghị Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt để xử lý.

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Hải cho biết thêm mỗi năm có đặc điểm tình hình riêng nên các báo cáo cần làm rõ, nêu rõ địa chỉ cụ thể, kiến nghị kịp thời để giải quyết các vấn đề đã nêu như việc sửa đổi các văn bản pháp luật, rõ trách nhiệm người đứng đầu, các vấn đề về chỉ đạo việc thực hiện các kết luận của kiểm toán…

Đọc thêm