Tăng cường năng lực nội tại và sức chống chịu của nền kinh tế

(PLVN) - “Cần đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu các lĩnh vực theo hướng đa dạng hóa, tăng cường năng lực nội tại và sức chống chịu của nền kinh tế trước những diễn biến khó lường của kinh tế và thương mại thế giới”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp.

Sáng nay, 23/5, Quốc hội tiến hành phiên thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023; Kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023.

Quan tâm đến tính bền vững của các động lực tăng trưởng

Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, trong năm 2023, mặc dù tình hình thế giới có nhiều khó khăn tác động đến nền kinh tế của Việt Nam, nhưng dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Quốc hội ra nghị quyết; Chính phủ điều hành, thực hiện nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, nỗ lực, quyết tâm rất lớn, hoàn thành được 10/15 chỉ tiêu.

Bên cạnh những điểm sáng, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bày tỏ băn khoăn khi kim ngạch xuất khẩu năm 2023 giảm 2,5% so cùng kỳ năm trước; tăng trưởng tiêu dùng tư nhân năm 2023 giảm còn 3,5% (năm 2022 là 7,2%); thị trường bất động sản trầm lắng, tốc độ tăng đầu tư khu vực tư nhân trong nước giảm còn 2,8%.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần đánh giá cụ thể hơn các tác động của tăng trưởng trên các mặt xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư của tư nhân trong nước năm vừa qua, làm rõ nguyên nhân và có giải pháp ứng phó trong thời gian tới; quan tâm đến tính bền vững cho các động lực tăng trưởng.

Nhấn mạnh những tháng còn lại năm 2024, dự báo tình hình kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn, nhất là khi tình hình kinh tế nước ta luôn chịu tác động từ tình hình kinh tế bên ngoài, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần có các kịch bản phù hợp, đánh giá để có chỉ đạo linh hoạt; đổi mới, cải cách nền tảng kinh tế vĩ mô, rà soát đánh giá kết quả thực hiện.

Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần đề ra các giải pháp cụ thể triển khai các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị về đổi mới mô hình tăng trường, thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; phát triển kinh tế tư nhân; định hướng thu hút đầu tư nước ngoài, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển vùng, và công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Ngoài ra, Chính phủ, các bộ, ngành cần ban hành sớm các nghị định, thông tư để hướng dẫn tổ chức triển khai có hiệu quả các luật căn bản của thể chế kinh tế thị trường như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Quản lý nợ công, Luật Đầu tư công… đã được Quốc hội thông qua.

“Cần đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu các lĩnh vực theo hướng đa dạng hóa, tăng cường năng lực nội tại và sức chống chịu của nền kinh tế trước những diễn biến khó lường của kinh tế và thương mại thế giới”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Cần có các giải pháp mạnh mẽ kích cầu sản xuất trong nước

Đại biểu Trần Anh Tuấn (Thành phố Hồ Chí Minh) cũng đánh giá, trong bối cảnh bị tác động chung của các cuộc xung đột trên thế giới, sức cầu yếu, nhiều nước thắt chặt chính sách tiền tệ đã tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam. Kết quả tăng trưởng năm 2023 là 5,05%, quý I/2024 là 5,66% là sự nỗ lực rất lớn, chỉ đạo rất quyết liệt của Trung ương để đạt được kết quả tăng trưởng tích cực này.

Đại biểu Trần Anh Tuấn phát biểu tại phiên họp.

Đại biểu Trần Anh Tuấn phát biểu tại phiên họp.

Cho rằng đầu tư tư nhân "yếu dần" qua các năm, đại biểu cho rằng cần mạnh mẽ kích cầu sản xuất trong nước, trước hết là thông qua chính sách tài khóa như thuế, đang còn dư địa rất lớn từ nợ công để kích thích, mở rộng sản xuất.

Cho rằng các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp trong thời gian qua chưa đem lại hiệu quả tích cực, đại biểu Trần Anh Tuấn nêu, các chính sách thực thi chưa hiệu quả, các doanh nghiệp được hỗ trợ nhưng thủ tục rất “nhiêu khê”, mất nhiều thời gian.

“Do đó, cần có sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thủ tục phải đơn giản hơn, nguồn lực dành cho hỗ trợ phải thực sự đi vào hoạt động của doanh nghiệp mới khuyến khích sự thành lập, lôi kéo nguồn lực xã hội vào đầu tư", đại biểu Trần Anh Tuấn nói.

Đồng quan điểm, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) nhấn mạnh việc cầu trong nước suy giảm rất rõ, thể hiện ở chỉ tiêu số doanh nghiệp tham gia vào thị trường thấp hơn so với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, báo hiệu cầu tăng trưởng sản xuất sẽ gặp khó khăn.

Thêm vào đó, số doanh nghiệp kỳ vọng sẽ mở rộng quy mô sản xuất chỉ đạt 27%, thấp nhất trong nhiều năm nay. “Đây là tín hiệu rất không tốt cho nền kinh tế của chúng ta”, đại biểu nhận định.

Một điểm khác cần chú ý, theo đại biểu, là tăng trưởng hàng hóa tiêu dùng trong nước chỉ có 5,3% trong khi ở giai đoạn bình thường trước dịch khoảng 9-10%, báo hiệu cầu trong nước suy giảm rất mạnh trong khi thị trường trong nước rất quan trọng.

Do vậy, đại biểu cho rằng cần có các giải pháp để kích cầu trong nước, có các chính sách tài khóa như giảm thuế VAT môi trường, giãn hoãn các khoản đóng tiền thuê đất…

“Kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ xem xét dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), tuy nhiên tôi cho rằng thời điểm này không nên nghĩ đến chuyện tăng thuế giá trị gia tăng”, đại biểu nói.

Vẫn theo đại biểu, để phục hồi cầu trong nước, cần có các giải pháp để khơi thông cho các hoạt động của doanh nghiệp, tạo tin tưởng nhiều hơn vào việc mở rộng quy mô sản xuất.

“Theo công bố của VCCI, doanh nghiệp nhìn thấy nhiều rào cản, trong đó rào cản thể chế vẫn rất lớn. Do vậy, cần có giải pháp để tháo gỡ khó khăn về mặt thể chế cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Quốc hội cần phải có nghị quyết để tháo gỡ, trao quyền cho các cơ quan thực thi pháp luật được linh hoạt áp dụng pháp luật”, đại biểu nêu kiến nghị.

Đọc thêm