Hội thảo thu hút được sự tham gia của các diễn giả có uy tín cao, là đại sứ của các quốc gia có thành tích về bình đẳng giới; các đồng chí lãnh đạo cấp cao, người đứng đầu của Ủy ban xã hội của Quốc hội và NHNN Việt Nam; lãnh đạo cấp cao của ngân hàng thương mại (NHTM) và chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về giới của Tổ chức tài chính quốc tế (IFC).
Hội thảo hướng tới các mục tiêu như tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức trong ngành Ngân hàng về bình đẳng giới thông qua tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế về đa dạng, hòa nhập, bình đẳng giới, đồng thời ghi nhận những thành tựu đã đạt được về bình đẳng giới trong ngành Ngân hàng và nhận diện những khó khăn, thách thức của phụ nữ ngân hàng để các cơ quan, đơn vị trong Ngành quan tâm, có những chính sách thiết thực hỗ trợ, khuyến khích và tạo động lực cho cán bộ nữ phát triển.
Đặc biệt, thông qua hội thảo, các cơ quan, đơn vị trong ngành Ngân hàng sẽ nhận thức đúng vai trò, nhận diện được những khó khăn, thách thức của chị em phụ nữ tại đơn vị mình. Từ đó có những hành động thiết thực, hiệu quả theo phương châm “lãnh đạo nào, phong trào đó”.
Nhìn lại quá trình hình thành và phát triển, ngành Ngân hàng đến nay đã có nhiều thành tựu và đóng góp trong thúc đẩy bình đẳng giới.
Lần đầu tiên tại Việt Nam, NHNN đã có nữ Thống đốc |
Lần đầu tiên tại Việt Nam, NHNN đã có nữ Thống đốc; đồng thời, Thống đốc NHNN là 01 trong số 03 thành viên Chính phủ là nữ trên tổng số 26 thành viên Chính phủ hiện nay. Không thể phủ nhận sự đóng góp đặc biệt quan trọng của nữ cán bộ đối với sự phát triển của ngành Ngân hàng trong suốt chiều dài lịch sử.
Ở tất cả các vị trí trong ngành Ngân hàng, từ các vị trí quản lý nhà nước, tham mưu hoạch định chính sách đến các vị trí kinh doanh, tác nghiệp tại hệ thống các ngân hàng thương mại đều có sự tham gia chủ động, tích cực của cán bộ nữ trong Ngành.
Mặc dù mỗi lĩnh vực đều có những thuận lợi và không ít khó khăn nhưng cán bộ nữ ngành Ngân hàng đã tự tin khẳng định và phát huy hết khả năng, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đóng góp vào thành tích chung của từng đơn vị và toàn ngành Ngân hàng
Phát biểu tại Hội thảo, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực NHNN, Trưởng ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Ngân hàng, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam đã chúc mừng hơn 190 nghìn nữ cán bộ, công chức, người lao động ngành ngân hàng.
Đồng thời khẳng định, đến thời điểm hiện tại, NHNN đã cơ bản đạt được các mục tiêu chính của Kế hoạch thực hiện bình đẳng giới ngành Ngân hàng giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, NHNN nói riêng và ngành Ngân hàng nói chung cũng đã và đang nỗ lực để có những đóng góp tích cực hơn vào sự phát triển của phụ nữ Việt Nam thông qua các chương trình phối hợp với TW Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam; khuyến khích, hỗ trợ các NHTM tăng cường cấp tín dụng cho đối tượng khách hàng là phụ nữ….
Thời gian qua, ngành Ngân hàng đã có nhiều đóng góp đối với sự phát triển của phụ nữ Việt Nam nói riêng và các đối tượng yếu thế nói chung. Ngành Ngân hàng đã ban hành các chương trình, chính sách tín dụng hỗ trợ phụ nữ, đối tượng yếu thế phát triển kinh tế.
Đồng thời, ngành Ngân hàng cũng đã tích cực mở rộng các dự án hợp tác/hỗ trợ quốc tế để tăng cường tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ.
Đặc biệt, NHNN đã tăng cường các hoạt động phối hợp với các cơ quan trong nước, từ trung ương đến địa phương, tiêu biểu phải kể đến sự phối hợp với Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam… để tăng cường giáo dục tài chính cho người dân nói chung và tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng để hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế.
Những thành công trong thời gian qua là sự khích lệ, động viên to lớn trong thực hiện thúc đẩy bình đẳng giới của ngành Ngân hàng.
Trên cơ sở kết quả Hội thảo quốc tế này, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú mong muốn các đơn vị trong ngành sẽ nhận thức được tầm quan trọng và hỗ trợ cán bộ nữ tốt hơn; qua đó, cán bộ nữ sẽ ngành ngân hàng sẽ tiếp tục có bước phát triển đột phá trong thời gian tới.
Ngân hàng là ngành có nhiều lao động nữ |