Thời gian qua, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị đã giúp cho hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế ngày càng phát huy được hiệu quả, chất lượng tín dụng ngày càng được củng cố, nâng cao. Nguồn lực để thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn được tập trung.
Theo NHCSXH tỉnh Thừa Thiên Huế, hàng năm UBND tỉnh, các huyện, thị xã và thành phố Huế đều dành một phần ngân sách chuyển bổ sung qua NHCSXH để cho vay đáp ứng nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn, nhất là các đối tượng thụ hưởng đặc thù gắn với các chương trình, kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương trong từng giai đoạn.
|
Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu phát biểu tại buổi làm việc. |
Từ khi thực hiện Chỉ thị số 40CT/TW đến nay, UBND các cấp đã cân đối ngân sách chuyển 171,1 tỷ đồng sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay cùng với nguồn vốn của Trung ương. Nguồn vốn này đã tăng 6,3 lần so với trước khi có Chỉ thị số 40, trong đó, ngân sách tỉnh chuyển sang 101,6 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện 69,5 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình cho biết, tỉnh đang tích cực xây dựng và phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương nên cần rất nhiều nguồn lực đảm bảo an sinh xã hội. Vì thế, Thừa Thiên Huế rất mong muốn NHCSXH Việt Nam quan tâm bổ sung nguồn vốn cho các chương trình tín dụng.
Hiện, nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm theo Nghị quyết 11/NQ-CP của người lao động trong năm 2023 còn thiếu 316 tỷ đồng, kính đề nghị NHCSXH Việt Nam quan tâm, bổ sung 50% số vốn còn thiếu, mỗi năm là 158 tỷ đồng và đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND chỉ đạo các ngành, các địa phương cân đối chuyển vốn đối ứng 50% số vốn còn lại để đáp ứng nhu cầu vay vốn của lao động trên địa bàn.
|
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã đến tận các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giúp bà con thoát nghèo, ổn định cuộc sống. |
Ghi nhận những ý kiến đề xuất của tỉnh, Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam Dương Quyết Thắng cam kết, sẽ sớm bổ sung kịp thời các nguồn vốn phục vụ cho vay theo Nghị quyết 11. Trước mắt, NHCSXH Việt Nam sẽ ứng trước 100 tỷ đồng để Thừa Thiên Huế triển khai hỗ trợ cho vay các chương trình tín dụng nhằm thúc đẩy thực hiện mục tiêu giải quyết việc làm.
Tổng Giám đốc NHCSXH cũng đề nghị, tỉnh cần tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động tín dụng chính sách. Hiện, Thừa Thiên Huế có số vốn ủy thác từ ngân sách địa phương sang NHCSXH cho vay khá khiêm tốn. Chỉ đạo thực hiện tốt Chiến lược phát triển NHCSXH tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030: Các địa phương cần hỗ trợ, tạo điều kiện cho hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu đánh giá cao sự đồng hành hỗ trợ của NHCSXH trong hành trình “trao cần câu” giúp hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có được nguồn vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời khẳng định, thời gian tới, Tỉnh ủy sẽ tăng cường chỉ đạo cấp ủy Đảng, UBND các cấp, các sở ban ngành tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách cũng như việc ủy thác nguồn vốn sang NHCSXH phục vụ cho các đối tượng chính sách vay vốn.
Dịp này, NHCSXH Việt Nam đã trao 1 tỷ đồng hỗ trợ xóa nhà tạm cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh.