Mức học phí năm 2010 tăng 33% so với năm 1998 nhưng lương tăng tới 500%. Lương tối thiểu càng tăng thì các trường có mức độ tự chủ cao càng ít có cơ hội cải thiện điều kiện giảng dạy vì phải tăng chi cho lương và các khoản chi cho lao động khác…
Vấn đề được đề cập tại Hội thảo “Đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ sở giáo dục đại học công lập” do Nhóm tư vấn chính sách và Vụ Hành chính sự ghiệp Bộ Tài chính tổ chức ngày hôm qua, 29/11…
Xin thôi "tự chủ" (!?)
Thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 về việc Quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, 339 trường đại học công lập (trong tổng số 420 trường đại học trong cả nước) đã được tự chủ.
Theo đó, các trường được NSNN cấp tiền đầu tư, nhưng chi phí thường xuyên, giao các trường tự chủ theo các nhóm: nhóm trường tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên, nhóm trường tự chủ hơn 50% chi thường xuyên và nhóm trường tự chủ một phần ở mức dưới 50% chi thường xuyên. Các trường tự bù đắp kinh phí chi thường xuyên bằng nguồn thu học phí, trường lớn, trươngf nhỏ đều như nhau.
Tiếng là “tự chủ” nhưng các trường bị áp khung về chương trình giảng dạy, ấn định chỉ tiêu tuyển sinh và áp trần học phí. Trường đào tạo có chất lượng tốt, sinh viên đông phải tự chủ nhiều hơn, giảm hỗ trợ từ NSNN, trường chất lượng thấp hơn lại được hỗ trợ nhiều hơn.
Đại học Ngoại thương là một ví dụ. Năm nào trường này cũng có lượng sinh viên có nguyện vọng vào học lớn và sẵn sàng đóng học phí cao hơn. Trường đã tự chủ hoàn toàn. Không khó khăn như một số trường về nguồn tài chính nhưng cơ chế tài chính đang bó sự phát triển của trường.
“Cả trường chỉ có một chiếc xe ô tô đã ở tuổi 15, trường có tiền, muốn mua xe nhưng cơ chế không cho”- TS. Hoàng Văn Châu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết. Không chỉ nhạy cảm như ô tô, trường muốn đầu tư phòng máy vi tính nhưng Kho bạc cũng không xuất chi do “đang thực hiện cắt giảm đầu tư công”.
Ảnh minh họa |
GS.TS.Ngô Thế Chi – Giám đốc Học Viện Tài chính cũng đưa ra một bất cập: Mức chi cho nghiên cứu khoa học bình quân mỗi giảng viên đại học chỉ có 2 triệu đồng /năm. “Thử hỏi với 2 triệu đồng, nghiên cứu được gì?”- ông Chi bức xúc.
Sự bất cập của cơ chế tài chính đã khiến một số trường ngỏ ý “thôi, xin không tự chủ nữa”.
“Cái khó bó cái khôn!”
Theo TS.Vũ Trường Giang, nhóm nghiên cứu chính sách - Vụ Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính, tổng chi cho giáo dục đại học 4 năm qua là một trong những nhóm chi tăng cao nhất trong các nhóm chi NSNN. Mức học phí năm 2010 tăng 33% so với năm 1998 nhưng lương tăng tới 500%.
Bên cạnh đó, các trường đang trong cảnh thu không đủ bù chi do mức học phí quá thấp so với chi phí đào tạo thực tế, nhất là học phí đào tạo sau đại học. Nếu hạch toán riêng hoạt động đào tạo sau đại học thì sẽ dẫn đến tình trạng càng đào tạo nhiều học viên sau đại học thì càng lỗ. Vì thế trường nào cũng ở trong tình trạng thiếu kinh phí để bảo dưỡng tài sản, mua sắm các trang thiết bị thay thế. “Chúng ta luôn nói cần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo nhưng tài chính không đủ làm sao nâng cao chất lượng”- ông Giang thừa nhận..
Cũng số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, nếu như tổng số tiền NSNN chi cho các trường năm 2011 là 1.246 tỷ đồng, thì số tiền các trường tự thu từ học phí và tiền chuyển giao công nghệ đã gấp đôi (2.760 tỷ đồng). Khoản tài chính này đã giúp tăng thu nhập cho cán bộ giáo viên (hệ số tăng thêm thu nhập của các trường tự đảm bảo một phần kinh phí hoạt động chi thường xuyên khoảng từ 0,5 - 1,5 lần).
Nhưng, “có một nghịch lý là càng tăng lương tối thiểu thì các trường có mức độ tự chủ cao càng ít có cơ hội cải thiện điều kiện giảng dạy vì phải tăng chi cho lương và các khoản chi cho lao động khác” trong khi trần học phí bị khống chế, chỉ tiêu tuyển sinh bị giới hạn…
“Cơ chế này đã làm hạn chế quyền tự chủ, không thúc đẩy các trường và cá nhân người lao động phát huy tính năng động, sáng tạo nên chất lượng dịch vụ cung cấp chưa cao”- nhóm tư vấn kết luận. Đây là tín hiệu từ cơ quan QLNN về “chiếc áo” tự chủ mới cho các trường đại học...
Linh Lan