Tăng thuế đối với nước giải khát có đường: Các chuyên gia khuyến nghị cần đánh giá toàn diện

(PLVN) - Thừa cân béo phì và các bệnh không lây nhiễm là vấ́n đề sức khoẻ đáng quan tâm và hiện đang có xu hướng tăng tại Việt Nam. Các chuyên gia sức khoẻ, kinh tế, xã hội và xây dựng chính sách đã cùng trao đổi những nguyên nhân đa dạng dẫn đến tình trạng này và thảo luận giải pháp trong hội thảo “Các bệnh Không Lây Nhiễm tại Việt Nam: Nguyên nhân và Khuyến nghị” diễn ra vào ngày 9/4.
Quang cảnh hội thảo.

Cần xác định đúng các nguyên nhân, bối cảnh và đề xuất các giải pháp phòng ngừa hiệu quả

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Chính, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục Chăm sóc Sức khỏe Cộng đồng Việt Nam nhấn mạnh việc xác định đúng các nguyên nhân, bối cảnh đặc thù tại Việt Nam và tham khảo kinh nghiệm quốc tế là cơ sở quan trọng hình thành và đánh giá và đề xuất các giải pháp phòng ngừa hiệu quả các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam.

Trước hết phải kể đến bệnh tim mạch, huyết áp cao, đột quỵ đã tăng lên khoảng 25% người Việt trưởng thành và có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Trong khi tỷ lệ mắc mới và tử vong do ung thư ở Việt Nam cũng đang gia tăng nhanh chóng.

Năm 2020, Việt Nam xếp thứ 91/185 về tỷ suất mắc mới và thứ 50/185 về tỷ suất tử vong so với vị trí 99 và 56 năm 2018. Tại Việt Nam, so với tim mạch, ung thư, tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường thấp hơn nhiều nhưng cũng đang gia tăng nhanh.

PGS.TS Nguyễn Thị Chính, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục Chăm sóc Sức khỏe Cộng đồng Việt Nam

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Chính, có rất nhiều nguyên nhân gây ra các bệnh không lây nhiễm, từ tác nhân sinh học, môi trường và các yếu tố đến từ việc sử dụng thuốc lá, chế độ sinh hoạt ít vận động thể chất và ăn uống không cân bằng. Tất cả các nguyên nhân này cần phải đánh giá đầy đủ, khách quan và khoa học để tìm kiếm các giải pháp phòng chống hiệu quả.

Tại Hội thảo, PGS.TS.BS. Nguyễn Thị Lâm, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết không có đủ bằng chứng khoa học thuyết phục để kết luận đồ uống có đường là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thừa cân béo phì (TCBP) tại Việt Nam. TCBP là do sự mất cân bằng giữa năng lượng nạp vào và năng lượng tiêu hao.

Theo số liệu từ Báo cáo An ninh Lương thực và Dinh Dưỡng ASEAN năm 2021, trong tổng năng lượng nạp vào cơ thể người Việt hàng ngày từ đồ ăn và thức uống thì ngũ cốc và thịt chiếm nhiều nhất (51,4% và 15,5%), các thực phẩm khác là (22,6%), rau và hoa quả (6,9%), đường chỉ chiếm chưa tới 3,6%.

PGS.TS.BS. Nguyễn Thị Lâm, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia

Dựa trên khảo sát của Nielsen thực hiện tại Việt Nam năm 2020, lượng đường trung bình trong nước giải khát là khoảng 11g/100 ml; trong khi đó lượng đường trung bình trong các sản phẩm bánh kẹo là khoảng 29g/100g, trong đó một số loại vượt ngưỡng 40g/100g như kẹo dẻo 46,6g.

Có quá nhiều các loại thực phẩm có chứa đường trên thị trường và mức tiêu thụ của các loại thực phẩm này còn nhiều hơn nhiều so với nước ngọt. PGS.TS.BS. Nguyễn Thị Lâm cho biết mức tiêu thụ thường xuyên bánh, kẹo ở học sinh là 51,1% ở thành thị và 56,4% ở nông thôn, trong khi nước ngọt chỉ là 16,1% ở thành thị và 21,6% ở nông thôn.

Hơn nữa, cũng có nhiều các loại nước uống đường phố có chứa đường, nên nếu đánh thuế đối với nước ngọt sẽ chỉ làm giảm tiêu thụ các loại nước uống được sản xuất và lưu thông hợp pháp trên thị trường, trong khi đó người tiêu dùng vẫn tiếp tục và có thể chuyển sang các loại nước uống đường phố vốn không bị ảnh hưởng bởi việc tăng thuế.

Việc ít vận động thể lực và thời gian tĩnh tại nhiều lại có đóng góp đáng kể vào tình trạng gia tăng TCBP ở lứa tuổi học đường. Tại Việt Nam, có khoảng 86,3% thanh thiếu niên Việt Nam ở độ tuổi từ 11 đến 17 thiếu hoạt động thể chất. Nghiên cứu SEANUTS (Viện Dinh dưỡng, năm 2011) cũng chỉ ra rằng tỷ lệ trẻ em từ 6-11 tuổi ở khu vực thành thị đạt mức khuyến nghị về hoạt động thể lực chỉ là 32,5% trong khi tỷ lệ này ở nông thôn là 59,9%. Thời gian tĩnh tại trong ngày của lứa tuổi học sinh chủ yếu là dành cho mạng xã hội (95,9%); game, máy tính, điện thoại (76,3%); làm máy tính (60,2%).

PGS.TS. Nguyễn Quang Dũng, Phó trưởng bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm, Đại học Y Hà Nội, cho biết chế độ dinh dưỡng thiếu hợp lý có liên quan đến việc gia tăng các bệnh mãn tính liên quan đến dinh dưỡng như béo phì, đái tháo đường, cao huyết áp, các bệnh tim mạch, và ung thư. Người dân Việt Nam đang có xu hướng gia tăng tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều giá trị dinh dưỡng và chất béo (các loại thực phẩm chế biến đóng gói sẵn, thức ăn nhanh, thực phẩm ở cửa hàng tiện lợi, thực phẩm đường phố giàu năng lượng và chất béo...).

Tăng thuế đồ uống có đường có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực đến kinh tế

Trong phần thảo luận về tính hữu hiệu của công cụ thuế đối với việc cải thiện sức khoẻ cộng đồng và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, nhiều chuyên gia nêu lên những hoài nghi. Trong đó, ông Nguyễn Văn Phụng, Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Hiệp hội Kế toán & Kiểm toán Việt Nam đánh giá việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với đồ uống có đường không giúp tăng ngân sách nhà nước mà còn có thể gây nên những tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội.

Cụ thể, việc tăng thuế TTĐB lên 10% với nhóm ngành nước giải khát dự báo sẽ dẫn tới tăng chi phí bán lẻ, giảm sản lượng, tăng hiện tượng buôn lậu, giảm thu nhập người lao động, và tác động đến GDP. Theo một báo cáo do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương thực hiện vào năm 2018 cập nhật năm 2021, nếu bổ sung nhóm ngành nước giải khát vào diện chịu thuế TTĐB với mức thuế suất 10% và nâng thuế GTGT thêm 2% với mặt hàng này thì doanh thu của ngành sản xuất nước giải khát sẽ giảm khoảng 3.664 tỷ đồng, trong khi đó mức doanh thu thuế tăng thêm cho ngân sách nhà nước đạt 1.525,9 tỷ đồng.

Ngoài ra, chính sách thuế này nếu được áp dụng sẽ kéo theo hàng loạt tác động lan tỏa đối với tất cả các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị theo chiều dọc như các doanh nghiệp bao bì, vận chuyển, bán lẻ, mía đường, … và cả nền kinh tế nói chung. Xét tổng thể, giá trị tăng thêm của cả nền kinh tế (GVA) giảm 0,135%, GDP giảm 0,115%, thu nhập của người lao động từ sản xuất của cả nền kinh tế giảm 0,155%, thặng dư sản xuất giảm 0,083%, lao động giảm 0,092%; thu ngân sách qua thuế gián thu giảm khoảng từ 0,065% - 0,085%.

Ngoài ra, sắc thuế cũng gây ra hệ luỵ tác động tiêu cực đến hơn 300.000 lao động trong ngành công nghiệp nước giải khát (số liệu 2021), ảnh hưởng tới 9.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng với một triệu hộ kinh doanh sản phẩm. Việc đánh thuế nước giải khát có đường dự kiến sẽ tác động tiêu cực tới sinh kế của 337.000 hộ gia đình trồng mía.

Theo số liệu của Tổng cục thống kê mới công bố về tình hình kinh tế nửa đầu năm, GDP quý II ước tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước nhưng kết quả này chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,34% của quý II/2020, giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng tăng 3,29% trong khi lạm phát cơ bản tăng 4,74%.

Thêm vào đó, các doanh nghiệp chỉ mới phục hồi sau đại dịch nhưng cùng lúc chịu sức ép trách nhiệm tài chính từ các chính sách khác như thực hiện trách nhiệm tái chế bao bì theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực từ 01/01/2024. Nếu cải cách các loại thuế nếu không phù hợp sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phục hồi của doanh nghiệp và mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã cùng thảo luận và đưa ra các khuyến nghị về giải pháp kiểm soát TCBP và các bệnh không lây nhiễm:

Thứ nhất, giải pháp mang tính hiệu quả lâu dài đầu tiên là đánh giá khách quan và đẩy đủ các yếu tố liên quan cũng như đặc biệt đẩy mạnh giáo dục và truyền thông về dinh dưỡng hợp lý.

Thứ hai, cần khuyến khích các hoạt động và phong trào luyện tập thể dục, thể thao cho cộng đồng, nhất là đối tượng trẻ em và thanh thiếu niên để duy trì lối sống lành mạnh.

Thứ ba, các cơ quan quản lý thị trường và an toàn thực phẩm cần giám sát và quản lý việc thực hiện dán nhãn dinh dưỡng một cách chặt chẽ. Các loại thực phẩm đều phải có nhãn dinh dưỡng với các nội dung theo qui định mới được lưu hành trên thị trường.

Thứ tư, cần có cơ chế quản lý chặt chẽ và giới hạn các loại thực phẩm, đồ uống đường phố hiện đang không đảm bảo về dinh dưỡng và vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Đọc thêm