Tăng trách nhiệm, nghĩa vụ của người lao động đi làm việc ở nước ngoài

(PLO) - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đang xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, với nhiều nội dung nhằm đảm bảo mọi lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đều được quy định trong Luật, cũng như làm giảm tình trạng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng vi phạm pháp luật, vi phạm hợp đồng.
Ảnh minh họa

Không có người lao động đứng ngoài luật

Một trong những chính sách được đề xuất khi sửa đổi Luật Người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (HĐ) là mở rộng và điều chỉnh hình thức đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để bảo đảm mọi lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đều được quy định trong Luật. 

Cụ thể, bổ sung đối tượng tham gia ký Thỏa thuận lao động là UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW (Điều 40), là các bộ, ngành khác (không phải Bộ LĐ-TB&XH) ký thỏa thuận với nước tiếp nhận về hợp tác đưa lao động sang làm việc. Đồng thời, mở rộng đối tượng tổ chức sự nghiệp nhà nước thuộc địa phương có thể thực hiện các Thỏa thuận hợp tác lao động của địa phương mình ký với địa phương nước tiếp nhận (Điều 39).

Sửa đổi, bổ sung quy định về NLĐ đi làm việc ở nước ngoài (phần lao động đi theo hình thức HĐ cá nhân tại các  Điều 50, 51, 52 và 53 của Luật) theo hướng: bổ sung quy định về đăng ký đối với các trường hợp tìm được việc làm ở nước ngoài sau khi xuất cảnh với cơ quan đại diện lãnh sự, ngoại giao Việt Nam ở nước sở tại; đăng ký với Bộ LĐ-TB&XH qua hình thức trực tuyến.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, quy định mở rộng hình thức đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài không làm phát sinh chi phí đối với Nhà nước, trong khi có thể làm tăng số lượng người có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài, tăng doanh thu cho doanh nghiệp (DN), tổ chức sự nghiệp tham gia đưa lao động theo loại hình mới này.

Hơn nữa, tạo thêm cơ hội ra nước ngoài làm việc hợp pháp cho NLĐ. Quyền và nghĩa vụ của NLĐ được bảo đảm trong Luật. Thông qua hợp tác lao động cũng góp phần xúc tiến phát triển kinh tế, xã hội, giao lưu văn hóa giữa các địa phương, phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội. Việc mở rộng loại hình đi làm việc ở nước ngoài giúp tăng số lượng lao động đưa đi của các DN, tăng thu nhập cho bản thân NLĐ, doanh thu cho DN và ngoại tệ cho đất nước. Bên cạnh đó, gia đình của những NLĐ này có khả năng được tăng mức sống do có thêm thu nhập của NLĐ làm việc trong ngành nghề này gửi về.

”Siết” điều kiện cấp phép dịch vụ

Một chính sách khác được quan tâm trong sửa đổi, bổ sung Luật này là điều chỉnh, cụ thể hóa quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành nghề “hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài” và giấy phép hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài.

Theo đó, tăng vốn chủ sở hữu lên 10 tỷ, tăng ký quỹ lên mức 2 tỷ nếu quy định vốn chủ sở hữu là 5 tỷ hoặc tăng lên mức 3 tỷ nếu quy định vốn chủ sở hữu là 10 tỷ. Người đại diện theo pháp luật của DN trong lĩnh vực đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện: Là người đại diện theo pháp luật của DN; Có trình độ từ đại học trở lên; Có ít nhất năm 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài hoặc dịch vụ việc làm; Có chứng chỉ đã tham gia khóa bồi dưỡng nghiệp vụ xuất khẩu lao động.

Không những thế, DN phải bố trí các cán bộ chuyên trách làm các nhiệm vụ khai thác thị trường ngoài nước, tuyển chọn lao động, quản lý đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, quản lý học viên, quản lý lao động làm việc ở nước ngoài, tài chính, hành chính và hỗ trợ lao động về nước. Cán bộ chuyên trách phải đáp ứng các điều kiện.

Dự thảo cũng đồng thời đề xuất cụ thể các nội dung phải có trong Đề án hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, quy định tài liệu chứng minh có cơ sở vật chất (trụ sở chính,  chi nhánh,  địa điểm kinh doanh), quy định nhiệm vụ cụ thể, yêu cầu về bộ máy/cán bộ của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh.

Ngoài ra, thời hạn giấy phép được đề xuất là 03 năm và được gia hạn. Dự thảo cũng quy định đính chính giấy phép khi thay đổi nội dung trong đăng ký DN có liên quan đến điều kiện hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo HĐ.

Ngoài ra, Dự thảo Luật còn điều chỉnh các quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý đối với NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhằm giảm tình trạng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo HĐ vi phạm pháp luật, vi phạm hợp đồng, không về nước sau khi hết hạn HĐ, trong đó siết quy định về điều kiện và hồ sơ, tăng trách nhiệm, nghĩa vụ và tính chủ động thực hiện hợp đồng của NLĐ, quy định rõ các chế tài xử phạt tương ứng với nghĩa vụ thực hiện hợp đồng của NLĐ, tăng nặng hình phạt hoặc bổ sung 01 điều xử phạt (không phải là xử phạt hành chính) lao động bỏ trốn khỏi nơi làm việc, có đủ chế tài để khởi kiện lao động và người bảo lãnh cho lao động, bắt buộc lao động phải nộp phạt theo quy định của pháp luật. Đồng thời, quy định cụ thể đối với NLĐ sau khi đi làm việc ở nước ngoài trở về phải thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú để kịp thời cập nhật thông tin và hỗ trợ NLĐ tìm kiếm việc làm.

Một số chính sách quan trọng cũng được sửa đổi, bổ sung là : Điều chỉnh các quy định về nâng cao chất lượng nguồn lao động; cách thức, quy trình và thời điểm tuyển chọn lao động; Điều chỉnh các quy định về chi phí NLĐ phải nộp phù hợp với thực tế thị trường, xu hướng quốc tế, bảo đảm trách nhiệm của DN với NLĐ; Mở rộng phạm vi hoạt động của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước… 

Đọc thêm