Sáng nay, 20/6, tại phiên thảo luận ở hội trường của Quốc hội về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Thủ đô) và Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 (điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô), các đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát để bảo đảm 2 nhiệm vụ quy hoạch tuân thủ Luật Quy hoạch, Luật Quy hoạch đô thị phù hợp với chủ trương của Đảng, có tầm nhìn mới, tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội; tạo ra cơ hội mới, giá trị mới trong phát triển Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại cả trước mắt và lâu dài.
Giải quyết nút thắt lớn nhất của Thủ đô về giao thông
Phát biểu tại phiên họp, Đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) cơ bản đồng tình với Tờ trình của Chính phủ, báo cáo của Hội đồng thẩm định và Báo cáo thẩm tra.
Đại biểu tán thành cần thiết phải lập Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô như các Tờ trình của Chính phủ.
Góp ý về Quy hoạch Thủ đô, đại biểu đồng tình với các nội dung lập Quy hoạch như căn cứ lập Quy hoạch; về quan điểm, mục tiêu và lựa chọn phương án phát triển Thủ đô Hà Nội; về phương hướng phát triển các ngành quan trọng trên địa bàn; về phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực khác…
Tuy nhiên, về nội dung phân tích, đánh giá, dự báo các yếu tố, điều kiện đặc thù phát triển của Thủ đô Hà Nội, đại biểu đề nghị làm rõ thêm về các yếu tố, các điều kiện đặc thù quyết định đến sự phát triển Thủ đô.
Về điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô, cơ bản đồng tình với các nội dung chủ yếu về điều chỉnh Quy hoạch chung, đại biểu đề nghị làm rõ thêm về kết quả sau 11 năm thực hiện Quyết định số 1259 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng đô thị Hà Nội. Đồng thời đánh giá lại các tiêu chí về đô thị, còn tiêu chí nào chưa đạt theo Nghị quyết số 1210 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chí phân loại đô thị đối với đô thị, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội.
Đại biểu nêu một số đề xuất, kiến nghị, trong đó có bổ sung báo cáo đánh giá sau 12 năm thực hiện Quyết định số 1259 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng đô thị Hà Nội, để từ đó thấy được những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân để rút ra bài học cho công tác lập và điều chỉnh quy hoạch.
Đại biểu cũng nêu vấn đề, hiện tại, điều chỉnh Quy hoạch chung được lập theo Luật Quy hoạch đô thị, trong khi Chính phủ đang trình Quốc hội cho ý kiến về Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn để thay thế Luật Quy hoạch đô thị. Do vậy, đề nghị tư vấn thực hiện điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô phải bám sát Quy hoạch Thủ đô và dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn để không xảy ra tình trạng Quy hoạch chung mới được điều chỉnh, lại phải điều chỉnh theo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) nhấn mạnh, Quy hoạch Thủ đô là quy hoạch tỉnh, nhưng không phải như các tỉnh khác, chỉ lập quy hoạch cho một địa phương, mà quy hoạch cho Thủ đô cả nước, mang tất cả những yếu tố, hội tụ, đại diện cho sự phát triển của cả nước. Chính vì vậy, Quy hoạch này nhận được sự quan tâm, thu hút được hàng trăm nhà khoa học cả nước, thuộc nhiều lĩnh vực để có được sản phẩm quy hoạch “rất hài lòng và yên tâm”.
Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu tại phiên họp. |
Để Quy hoạch được triển khai thực hiện theo những điểm đã chỉ ra, theo đại biểu, cần có 3 vấn đề cần quan tâm, đó là giải quyết nút thắt lớn nhất của Thủ đô về giao thông, trong đó có trọng tâm là đầu tư xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị; đầu tư xây dựng hệ thống thu gom nước thải tách khỏi hệ thống nước mưa, xây dựng khu vực xử lý nước thải cục bộ, tập trung và cuối cùng là cần có cơ chế hỗ trợ cho người dân khu vực phố cổ để cải tạo, chỉnh trang lại khu vực nội đô lịch sử.
Quy hoạch Thủ đô có nhiều điểm khác biệt
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) tán thành với phương án phát triển trục sông Hồng, để sông Hồng thực sự là trung tâm phát triển Thủ đô; các định hướng, giải pháp TP Hà Nội đưa ra trong cải tạo chung cư cũ, vấn đề đặc biệt cấp thiết trong bối cảnh tình hình cháy nổ đang xảy ra hết sức nghiêm trọng hiện nay; hay việc giải quyết các dòng sông ô nhiễm, các vấn đề về rác thải, nước thải.
Đại biểu cho rằng việc lập các đồ án quy hoạch mới là cơ hội để TP thay đổi, hạn chế việc phát triển nhà ống; không phát triển nhà cao tầng trong nội đô.
Phát biểu giải trình làm rõ các vấn đề mà đại biểu Quốc hội đã nêu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Quy hoạch Thủ đô đã được tổ chức lập và thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật về quy hoạch.
Quy hoạch đã bám sát vào các nhiệm vụ lập quy hoạch, bám sát vào các nghị quyết, các chủ trương của Bộ Chính trị, của Trung ương về định hướng phát triển vùng, định hướng phát triển của Thủ đô Hà Nội, nhất là Nghị quyết 30 về phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và Nghị quyết 15 về phát triển Hà Nội.
Về nội dung Quy hoạch, theo Bộ trưởng, quy hoạch có nhiều đổi mới với nhiều tư duy hết sức đột phá. “Quan điểm định hướng phát triển như TP quay mặt ra sông hay mở rộng các tuyến đường sắt đô thị, phát triển không gian ngầm, giải quyết được các vấn đề về môi trường nước, trong đó có việc xử lý và làm sạch các dòng sông Nhuệ, sông Tô Lịch, sông Tích và môi trường không khí của Hà Nội”, Bộ trưởng nêu rõ.
Bên cạnh đó, Quy hoạch cũng đã chú trọng đến tính liên kết vùng và các địa phương xung quanh.
Đặc biệt, Quy hoạch có nhiều điểm khác biệt so với một số quy hoạch khác, như đã chú trọng đến các vấn đề về văn hóa, về di sản, là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước, là trung tâm đi đầu trong nghiên cứu, sáng tạo và phát huy được các tiềm năng con người, thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; đã thể hiện được định hướng phát triển, là TP kết nối toàn cầu, ngang tầm với thủ đô của các nước phát triển trong khu vực và thế giới về mọi lĩnh vực; tiếp cận với các xu hướng mới, về phát triển xanh hay kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, những xu thế mới nhất, các kinh nghiệm tốt nhất của quốc tế đã nghiên cứu trong đồ án này…
Phát biểu kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, qua thảo luận, các đại biểu thống nhất Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô là 2 nhiệm vụ quy hoạch rất quan trọng để định hướng phát triển Thủ đô cả trước mắt và lâu dài.
Thống nhất với nhiều nội dung nhưng các đại biểu cũng đề nghị tiếp tục rà soát để bảo đảm 2 nhiệm vụ quy hoạch tuân thủ Luật Quy hoạch, Luật Quy hoạch đô thị; phù hợp với chủ trương của Đảng, có tầm nhìn mới, tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội; tạo ra cơ hội mới, giá trị mới trong phát triển Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại cả trước mắt và lâu dài.
Đồng thời, thống nhất đồng bộ, không chồng chéo mâu thuẫn giữa hai nhiệm vụ quy hoạch với Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, tương thích với dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), rà soát hoàn thiện thêm các nhiệm vụ, giải pháp, nguồn lực thực hiện, danh mục dự án, thứ tự ưu tiên và tính thống nhất đồng bộ số liệu hồ sơ, tài liệu trong 2 đồ án quy hoạch.