Tạo điều kiện cho người trẻ tìm bạn đời - Lời giải của 'bài toán' dân số?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo GS.TS Giang Thanh Long, để tăng cơ hội tìm bạn đời cho người lao động trẻ tuổi thì bên cạnh việc cần thời gian còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác mà trong đó yếu tố kinh tế như việc làm, thu nhập… có lẽ là quan trọng nhất.
Để tăng cơ hội tìm bạn đời cho người lao động trẻ tuổi thì bên cạnh việc cần thời gian còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. (Ảnh minh họa - Nguồn: AJU)
Để tăng cơ hội tìm bạn đời cho người lao động trẻ tuổi thì bên cạnh việc cần thời gian còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. (Ảnh minh họa - Nguồn: AJU)

Theo Bộ Y tế, năm 2023, số con trung bình của một phụ nữ Việt Nam là 1,96, giảm thấp nhất trong 63 năm và được dự báo sẽ “tiếp tục giảm trong các năm tới”. Mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội...

Thực hiện công tác dân số trong tình hình mới

Trong một cuộc khảo sát của VTV24, bên cạnh hai lý do “Cảm thấy tình cảm chưa đủ chín” và “Chưa có đối tượng phù hợp để kết hôn”, thì có đến 62% các bạn trẻ chọn kết hôn sau tuổi 30 vì lý do “vẫn còn những nỗi lo về cơm áo gạo tiền”. Số liệu trên cũng trùng khớp với một khảo sát khác với khoảng 3.000 người lao động của Viện Công nhân và Công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vào năm 2023 về tình hình lao động, tiền lương thu nhập, chi tiêu và đời sống của người lao động tại địa bàn 6 tỉnh, thành phố có đông lao động công nghiệp dịch vụ bao gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Phú Thọ, An Giang, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh. Khảo sát này cũng đã chỉ ra rằng tiền lương là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến quyết định lập gia đình của gần 54% người lao động và quyết định có con của 72% người lao động tham gia khảo sát.

Có lẽ, đây không phải là tiếng nói chung, nhưng phần nào đã thể hiện được sự thay đổi đáng kể trong tư duy của thế hệ trẻ ngày nay về độ tuổi kết hôn và về lâu dài sẽ làm thay đổi đáng kể về cấu trúc dân số. Trong dự báo dân số Việt Nam tới năm 2069, ở kịch bản mức sinh thấp, Việt Nam sẽ đối diện với nguy cơ tỷ lệ tăng dân số bình quân ở mức -0,04% vào năm 2059. Trong khi đó, nếu ở phương án mức sinh trung bình, 10 năm sau đó (2069), con số này đạt mức 0.

Trước tình trạng mức sinh xuống rất thấp hiện nay, nhiều địa phương tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long như: Tiền Giang, Hậu Giang, Long An, Bạc Liêu... đã có nhiều giải pháp khuyến sinh như phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi sẽ được thưởng tiền, tặng giấy khen, hỗ trợ một lần chi phí khám sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh theo giá dịch vụ y tế tại các cơ sở công lập; hỗ trợ một lần 1,5 triệu đồng tiền viện phí... Tuy nhiên, thực tế mức sinh của các địa phương này nhiều năm qua không cải thiện đáng kể.

Ngày 15/8/2024, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã ký Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 15/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện công tác dân số trong tình hình mới, trong đó yêu cầu Bộ Y tế rà soát, hoàn thiện chính sách về dân số để duy trì mức sinh thay thế bền vững.

Về mặt pháp luật, Chỉ thị số 27 chỉ đạo cần tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật về dân số, trọng tâm là các giải pháp để duy trì mức sinh thay thế bền vững trên phạm vi cả nước phù hợp giữa các vùng, đối tượng dân cư và số lượng, chất lượng dân số...

Cần gì để yên tâm kết hôn, sinh con?

Có thể thấy, trong công tác dân số, việc tham mưu, đề xuất, kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền các cơ chế, chính sách, giải pháp thực hiện có hiệu quả công tác dân số và phát triển rất quan trọng. Hiện dự thảo Luật Dân số đang được Bộ Y tế xây dựng, lấy ý kiến. Tại dự thảo này, Bộ Y tế đề xuất bỏ quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1 - 2 con và trao quyền quyết định số con, thời gian sinh con, khoảng cách giữa các lần sinh con cho vợ chồng.

Mới đây, góp ý để hoàn thiện chính sách trong Luật Dân số và gợi ý chính sách chuyển đổi nhân khẩu học của các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, Đại biểu Quốc hội khóa XV; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM đã đưa ra 11 giải pháp để phát triển dân số, đất nước bền vững, gia đình và người dân hạnh phúc.

Theo GS.TS Nguyễn Thiện Nhân phân tích, để mỗi gia đình có thể sinh được 2 con, thì thu nhập của 2 người đi làm trong gia đình phải nuôi được 4 người (bao gồm 2 người lớn, 2 trẻ con). Do đó, Chính phủ, các doanh nghiệp, tổ chức công đoàn... cần thống nhất nhận thức và giải pháp để gia đình có 2 người đi làm có đủ thu nhập để nuôi dạy, cho học hành đàng hoàng 2 người con. Do đó, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cần chuyển từ quy định lương tối thiểu sang quy định lương đủ sống tối thiểu cho gia đình 4 người. Cùng với đó, thời gian làm việc của người lao động phải đủ ngắn (8 giờ lao động/ngày, 40 giờ/tuần) để họ có thời gian tìm bạn đời, chăm sóc con cái, gia đình và sở thích riêng tư.

Để tránh việc không có nhà không trở thành một điều kiện không thể vượt qua khi kết hôn, theo GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, cần có thị trường nhà ở có tính cạnh tranh, sự hỗ trợ và giám sát của Nhà nước để người lao động có thể thuê hoặc mua được nhà với giá cả chấp nhận được... Cùng quan điểm, trả lời truyền thông, GS.TS Giang Thanh Long, chuyên gia cao cấp về dân số và phát triển của Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội cũng cho rằng quyết định sinh con sẽ dễ dàng hơn nếu cặp vợ chồng nào cũng có thể tiếp cận được nhà ở, dù là mua nhà xã hội hay nhà thuê có giá thuê hợp túi tiền, có việc làm ổn định cũng như môi trường sống an toàn, tiếp cận các dịch vụ chăm sóc trẻ, trường học…

Việc khuyến sinh không thể làm trực tiếp bằng cách giục giã các cặp vợ chồng sinh con, mà phải gián tiếp qua cải thiện đủ lớn điều kiện sống cũng như các cơ hội phát triển trong cả một quãng đường dài của đời người. Sự đồng bộ chính sách luôn là điều quan trọng nhất, không chỉ là số lượng mà còn là chất lượng như cải thiện các dịch vụ giáo dục, y tế...

Cũng theo GS.TS Giang Thanh Long, để tăng cơ hội tìm bạn đời cho người lao động trẻ tuổi thì bên cạnh việc cần thời gian còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác mà trong đó yếu tố kinh tế như việc làm, thu nhập… có lẽ là quan trọng nhất.

“Chúng ta sẽ “thất bại kép” khi người lao động giảm giờ làm nhưng không dùng để tìm bạn đời, trong khi sản lượng giảm vì năng suất không thay đổi. Một khi năng suất không đổi, giờ làm ít đi, đương nhiên không thể yêu cầu người sử dụng lao động giữ tiền lương như cũ hoặc thậm chí tăng lương để bù lạm phát vì như thế sẽ tạo gánh nặng lớn cho doanh nghiệp. Khi gánh nặng lớn thì việc dễ nhất là giảm lao động”, GS.TS Giang Thanh Long nói.

Đọc thêm