Tạo điều kiện để phụ nữ tận dụng cơ hội của chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Phụ nữ Việt Nam được đánh giá là tham gia mạnh mẽ vào lĩnh vực kinh doanh và đạt được thứ hạng, sự tiến bộ vượt xa mong đợi. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế số phát triển mạnh như hiện nay, doanh nhân nữ cũng như doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ cần chủ động thích nghi cũng như sự hỗ trợ từ nhiều phía.
Chủ đề “Phụ nữ trong nền kinh tế số” được thảo luận tại Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII. (Ảnh minh họa - Thúy Hạnh/Báo BP)
Chủ đề “Phụ nữ trong nền kinh tế số” được thảo luận tại Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII. (Ảnh minh họa - Thúy Hạnh/Báo BP)

Vai trò của nữ doanh nhân được khẳng định

Theo số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 9/2022, toàn quốc có 263.444 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, chiếm 29,8% trong tổng số 883.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong số 263.444 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đang hoạt động trên toàn quốc thì có đến gần 3/4 số doanh nghiệp hoạt động trong khu vực dịch vụ, 21,9% trong khu vực công nghiệp - xây dựng và 1,19% trong khu vực nông, lâm, thủy sản.

Theo Chỉ số Doanh nhân nữ của Mastercard (MIWE) năm 2021, Việt Nam đứng thứ 38/65 quốc gia được đánh giá về khả năng kinh doanh và lãnh đạo của phụ nữ trong nền kinh tế, với 27,4% vị trí lãnh đạo doanh nghiệp do phụ nữ nắm giữ (xếp thứ 44/65 toàn cầu); tỷ lệ khởi sự kinh doanh ở nữ giới đạt 22,1% (cao hơn nam giới là 18,4%). Mặc dù nằm trong nhóm các quốc gia có thu nhập kém giàu có hơn nhưng phụ nữ Việt Nam vẫn được đánh giá là đang tham gia mạnh mẽ vào thế giới kinh doanh, đạt được thứ hạng, tiến bộ vượt xa mong đợi. Theo MIWE 2021, tốc độ tham gia vào các hoạt động kinh doanh của phụ nữ tại Việt Nam không chỉ ngang bằng mà còn nhanh hơn nhiều so với nam giới, với tốc độ tăng trưởng chạm ngưỡng hơn 20%.

Năm 2019, theo một khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cứ 4 doanh nghiệp đang hoạt động thì có 1 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ (khoảng 25 - 25%). Tỷ lệ này ngang bằng với một số nền kinh tế như Singapore 24%, Thái Lan 23%, Indonesia 21%, Hồng Kông 20%, Pháp 24%...

Những con số qua nhiều năm trên đây cho thấy vị trí và vai trò của doanh nhân nữ tại Việt Nam ngày càng được khẳng định, không chỉ là lực lượng quan trọng đóng góp cho sự phát triển kinh tế của quốc gia mà còn giúp thúc đẩy các giá trị nhân đạo, bình đẳng giới và bền vững. Tuy nhiên, các doanh nhân nữ tại Việt Nam vẫn gặp rất nhiều rào cản, khó khăn, như các rào cản từ môi trường kinh doanh, hay áp lực cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình, định kiến xã hội…

Bên cạnh đó, trong bối cảnh kinh tế số phát triển mạnh như hiện nay, doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp do nữ làm chủ nói riêng cần có sự chủ động thích ứng và song hành cùng các cơ quan quản lý, các đối tác và đông đảo cộng đồng người tiêu dùng để không tụt lại phía sau trong sự phát triển chung của nền kinh tế. Do đó, việc trang bị cho các doanh nghiệp nữ và doanh nghiệp do nữ làm chủ các kiến thức và kỹ năng số cơ bản là một trong những biện pháp quan trọng, giúp quản lý và mở rộng kinh doanh để doanh nghiệp tồn tại và phát triển thành công trong nền kinh tế kỹ thuật số.

Vững vàng trong nền kinh tế số

Tháng 3/2023, tại buổi đối thoại chính sách với chủ đề “Bình đẳng giới trong chuyển đổi số ở Việt Nam: Cơ hội và thách thức” do cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam phối hợp Bộ LĐ-TB&XH, Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam tổ chức, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh việc nhận thức rõ các vấn đề giới nảy sinh trong bối cảnh chuyển đổi số sẽ giúp các cơ quan chức năng liên quan hoàn thiện khung khổ chính sách, pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ và trẻ em gái có nhiều cơ hội hơn.

Trước đó, phát biểu tại Diễn đàn Nâng cao “Nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ số - cơ hội khởi nghiệp thành công” do Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Tổ chức Tài chính vi mô Tình Thương (TYM) tổ chức tháng 10/2021, ông Bùi Huy Hoàng - Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp nữ trong bối cảnh chuyển đổi số, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều chương trình đào tạo về kinh doanh trên thương mại điện tử ở các tỉnh, thành trên cả nước giúp doanh nghiệp, doanh nghiệp nữ làm chủ nhìn nhận được tầm quan trọng của chuyển đổi số, tiếp cận với kiến thức thương mại điện tử.

Từ góc độ của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã xác định: "Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội là khâu đột phá quan trọng nhằm giúp hội viên, phụ nữ và tổ chức Hội tận dụng được cơ hội của chuyển đổi số và tích cực tham gia vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia”. Từ đó, một trong những mục tiêu, nhiệm vụ của các cấp Hội phụ nữ toàn quốc trong nhiệm kỳ này cũng là thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong kinh tế số.

Ngày 5/1/2024 vừa qua, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam lần thứ 8, khóa XIII diễn ra tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, để thực hiện tốt nhiệm vụ, giải pháp công tác Hội và phong trào phụ nữ năm 2024, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức lễ phát động chủ đề công tác năm 2024 “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội” và phát động cuộc thi “Ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức sinh hoạt Hội”... “Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội mong muốn, Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh, thành phố, đơn vị sẽ từng bước thực hiện chuyển đổi số trong tổ chức hoạt động Hội; nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ Hội các cấp; tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò trung tâm và sự tham gia tích cực của các tầng lớp phụ nữ tham gia vào quá trình chuyển đổi số quốc gia”, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga nhấn mạnh.

“Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Chính phủ ban hành xác định tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam trở thành một quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới. Đổi mới căn bản, toàn diện các hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số vừa hình thành các doanh nghiệp số ở Việt Nam...

Đọc thêm