Tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ về xử lý nợ xấu

(PLVN) - Ngày 24/4, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD).
Quang cảnh Phiên họp ngày 24/4. (Ảnh: Phạm Thắng)
Quang cảnh Phiên họp ngày 24/4. (Ảnh: Phạm Thắng)

Trình bày Tờ trình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc tiếp tục luật hóa các quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD nhằm tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ về xử lý nợ xấu, bảo đảm phù hợp với thực tiễn nhằm xử lý các vướng mắc, khó khăn đã và đang cản trở TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ thực hiện các quyền hợp pháp của mình trong việc xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, gián tiếp ảnh hưởng đến khả năng xoay vòng vốn cũng như tiếp cận tín dụng với chi phí hợp lý của người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung thẩm quyền quyết định việc cho vay đặc biệt của NHNN theo hướng chuyển thẩm quyền quyết định từ Thủ tướng Chính phủ (đối với trường hợp khoản cho vay đặc biệt có lãi suất 0%/năm, khoản cho vay đặc biệt không có tài sản bảo đảm) thành NHNN nhằm triệt để phân cấp, phân quyền cho NHNN trong việc quyết định cho vay đặc biệt; tăng cường vai trò, nâng cao trách nhiệm của thành viên Chính phủ. Đồng thời, quy định này giúp giảm bớt khâu trung gian trong quá trình triển khai thực hiện; từ đó, góp phần rút ngắn thời gian xử lý bảo đảm việc tổ chức thực hiện kịp thời, an ninh, an toàn hệ thống các TCTD.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trình bày Tờ trình.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trình bày Tờ trình.

Việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD được thực hiện theo quan điểm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với công tác xử lý nợ xấu. Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Tiếp tục luật hóa các quy định tại Nghị quyết số 42 đã phát huy tốt hiệu quả trong quá trình Nghị quyết có hiệu lực.

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính của QH Lê Quang Mạnh nêu rõ, đa số ý kiến tán thành sự cần thiết ban hành Luật, nhưng đề nghị làm rõ một số nội dung như: Cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn của việc luật hóa các quy định tại Nghị quyết số 42; trong đó về cơ sở chính trị, đề nghị báo cáo xin ý kiến của cấp có thẩm quyền do việc xử lý tài sản bảo đảm liên quan trực tiếp đến quyền tài sản của công dân; Các chính sách đề xuất cần được đánh giá tác động kỹ lưỡng, toàn diện đối với các bên có liên quan; Bổ sung kinh nghiệm quốc tế về quy định pháp luật trong xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu để tham khảo, đề xuất giải pháp phù hợp với hệ thống pháp luật của Việt Nam…

Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra. (Ảnh trong bài: quochoi.vn)

Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra. (Ảnh trong bài: quochoi.vn)

Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, Thường trực Ủy ban cho rằng, để tránh việc các TCTD dựa vào quyền thu giữ tài sản bảo đảm để nới lỏng điều kiện cho vay, thẩm định tín dụng, đề nghị 3 chính sách được đề xuất luật hóa chỉ áp dụng đối với khoản vay đúng quy định. Đối với chính sách về phân cấp thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt là chính sách mới được bổ sung, Thường trực Ủy ban đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát quy trình xây dựng chính sách và soạn thảo, bảo đảm tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025.

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn cho rằng cần xem xét, rà soát kỹ lưỡng các quy định về phân cấp, phân quyền, bảo đảm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của việc thực hiện. QH quyết nghị rõ các vấn đề thuộc thẩm quyền của QH. Các nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, nếu ủy quyền cho Thống đốc NHNN Việt Nam thì quy trình giải quyết có thể được đẩy nhanh hơn, khắc phục tình trạng chậm trễ do thủ tục hành chính hiện nay. Đồng thời, Chủ tịch QH cho rằng cần xem xét thấu đáo các phương án cơ cấu lại hệ thống tín dụng để bảo đảm tuân thủ các quy định về thẩm quyền, quyền tài sản, quyền công dân và các cơ sở chính trị.

Tham gia thảo luận, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của QH Lê Thị Nga cho biết, dự thảo Luật này luật hóa nhiều chính sách được nêu trong Nghị quyết số 42/2017/QH14. Trong đó, Nghị quyết này có những quy định khác với luật hiện hành, đặc biệt là về thi hành án dân sự, thu giữ vật chứng, kê biên vật chứng… liên quan đến Luật Thi hành án dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự. Vì vậy, cần nghiên cứu kỹ để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH Y Thanh Hà Niê Kđăm bày tỏ nhất trí với chủ trương phân cấp NHNN quyết định cho vay đặc biệt để bảo đảm linh hoạt, kịp thời trong hoạt động tín dụng. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị bổ sung nội dung về cơ chế kiểm soát thông qua Hội đồng thẩm định trước khi quyết định tiêu chí lĩnh vực cho vay đặc biệt, bổ sung các lĩnh vực ưu tiên cho vay đặc biệt, ưu tiên cho lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, dự đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Đọc thêm