Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Thiếu tướng Đỗ Triệu Phong, Cục trưởng Cục Truyền thông Công an nhân dân (CAND) cho biết, tại Kỳ họp thứ 6 tới đây, Quốc hội sẽ cho ý kiến thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở; Luật Căn cước và xem xét, cho ý kiến với Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Bên cạnh đó, vừa qua, việc đấu giá biển số xe ô tô đã chính thức được triển khai, lấy người dân làm trung tâm phục vụ, nhằm đáp ứng nguyện vọng của người dân, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường nguồn thu ngân sách cho Nhà nước.
|
Thiếu tướng Đỗ Triệu Phong phát biểu khai mạc Tọa đàm. (Ảnh: Nguyễn Hương) |
Thiếu tướng Đỗ Triệu Phong nhấn mạnh, sau Tọa đàm, Cục Truyền thông CAND sẽ có kế hoạch tổ chức cho phóng viên thâm nhập thực tế tại các địa bàn cơ sở để làm nổi bật tính cần thiết khi ban hành các dự án luật, tranh thủ sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Nhân dịp này, ông đề nghị các đơn vị chức năng lựa chọn, giới thiệu địa bàn tiêu biểu và phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho phóng viên báo chí tác nghiệp.
Tại Tọa đàm, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (V03) đã giới thiệu về sự cần thiết phải ban hành các đạo luật; cung cấp, chia sẻ một số nội dung chính trong các dự thảo luật; giải đáp những vấn đề dư luận quan tâm liên quan đến các dự thảo luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV, tại Kỳ họp thứ 6. Trong đó, tập trung vào Luật Căn cước; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Nhiều phóng viên đã nêu những vấn đề được quan tâm trong các dự thảo luật và được đại diện Bộ Công an, đại biểu Quốc hội trao đổi cởi mở.
|
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên cung cấp, chia sẻ một số nội dung chính trong các dự thảo luật. (Ảnh: Nguyễn Hương) |
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam về việc sẽ có nhiều giấy tờ tùy thân khác nhau nếu Luật Căn cước được thông qua, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên lý giải, các giấy tờ này sẽ bao gồm Chứng minh nhân dân 9 số, Căn cước công dân 12 số, Căn cước công dân gắn chip và tới đây là thẻ Căn cước thì Dự thảo Luật quy định điều khoản chuyển tiếp rằng mọi giấy tờ có giá trị được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật trước đây đều có giá trị pháp lý như nhau khi tham gia vào các thủ tục hành chính có yêu cầu đến chứng minh thư, căn cước; cơ quan quản lý nhà nước không được yêu cầu người dân đổi giấy tờ.
Ông Nguyên khẳng định, quy định như vậy tạo sự chuyển tiếp linh hoạt, thông thoáng, tạo thuận lợi tối đa cho người dân trong giao dịch hành chính.
Đối với Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Cục trưởng V03 nhấn mạnh, chúng ta không xây dựng một lực lượng mới mà chỉ kiện toàn ba lực lượng sẵn có, thống nhất thành một. Bởi theo Hiến pháp, những lực lượng này trong quá trình hoạt động liên quan đến quyền con người nên phải được quy định bằng luật. Trên cơ sở tính toán từ thực trạng đang sử dụng ba lực lượng mà theo Nghị quyết 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì số lượng sẽ giảm rất đáng kể và từ đó, sẽ không tác động về tài chính, nhân lực. Tuy nhiên, Thiếu tướng Nguyên nhắc lại Chủ tịch Quốc hội đã nói nếu cần chi, cần lực lượng bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội thì sẽ không hạn chế.
|
Quang cảnh Tọa đàm. (Ảnh: Nguyễn Hương) |
Trước câu hỏi của phóng viên về quy đinh xe cơ giới, xe máy chuyên dùng khi tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe của Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông cho hay, với xe kinh doanh vận tải, pháp luật hiện hành đã quy định bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát, dữ liệu được truyền về Cục Đường bộ thuộc Bộ Giao thông vận tải để phục vụ công tác quản lý nhà nước. Còn với ô tô cá nhân, Bộ Công an chỉ khuyến khích người dân tự lắp camera hành trình để tự bảo vệ mình trong các tình huống mất an toàn giao thông, không bắt buộc.
Về việc tổ chức đấu giá biển số xe ô tô, Đại tá Nguyễn Quang Nhật thông tin, sau bốn ngày tổ chức đã đấu giá 95 biển kiểm soát xe ô tô, dự kiến thu về ngân sách Nhà nước số tiền hơn 133 tỷ đồng. Đến nay, có bảy người hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền trúng đấu giá về tài khoản chuyên thu của Bộ Công an với số tiền hơn 10 tỷ đồng và đã có một người tại TP Hải Phòng hoàn thành thủ tục đăng ký, gắn biển trúng đấu giá. Ông Nhật cũng cho hay, với trường hợp bỏ cọc, cá nhân sẽ bị mất tiền cọc (40 triệu đồng) và biển số đó sẽ được đưa lại vào hệ thống để tiếp tục đấu giá.