Tạp chí Dân chủ và Pháp luật: Những dấu ấn của chặng đường 45 năm

(PLVN) -Nhìn lại chặng đường 45 năm vẻ vang của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, thế hệ tiếp nối hiện tại luôn tâm niệm về việc giữ lửa truyền thống và quyết tâm gây dựng giá trị “Dân chủ và Pháp luật” trong bước đường tiếp theo.

1. Những bước khởi đầu

Ngay sau những năm đầu đất nước thống nhất cùng với công cuộc xây dựng Nhà nước và pháp luật trên toàn quốc nhằm xây dựng thành công Tổ quốc Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và chủ nghĩa xã hội theo đường lối của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (tháng 12/1976), ngày 20/12/1977, Tòa soạn Tập san Pháp chế xã hội chủ nghĩa chính thức được thành lập thuộc Ủy ban Pháp chế của Hội đồng Chính phủ (theo Quyết định số 106-20/UBPC của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp chế - Luật sư Trần Công Tường), đánh dấu sự hình thành cơ quan báo chí đầu tiên ở trung ương của Ngành Tư pháp được phát triển cho đến ngay nay.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh và đại diện 1 số đơn vị thuộc Bộ chúc mừng Tạp chí Dân chủ và Pháp luật nhân ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21.6

Tổng biên tập đầu tiên của Tập san Pháp chế xã hội chủ nghĩa được giao cho ông Lê Sỹ - Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền pháp luật kiêm nhiệm.

Tuy còn khó khăn bộn bề khi mới được thành lập nhưng với sự nỗ lực của thế hệ cán bộ lão thành đầu tiên, ấn phẩm Tập san Pháp chế xã hội chủ nghĩa đầu tiên đã được ra đời vào tháng 2/1978, đánh dấu bước khởi đầu vẻ vang trong sự nghiệp báo chí cách mạng của Ngành Tư pháp lúc bấy giờ.

Cùng với việc thành lập lại Bộ Tư pháp vào năm 1981, Tập san Pháp chế xã hội chủ nghĩa trở thành cơ quan ngôn luận đầu tiên của Ngành Tư pháp. Tháng 7/1985, vị trí Tổng biên tập (thứ hai) của Tập san Pháp chế xã hội chủ nghĩa được giao cho ông Nguyễn Văn Thảo - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kiêm nhiệm.

2. Vị thế của Tạp chí tiếp tục được nâng tầm và mở rộng trong giai đoạn đổi mới đất nước

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (tháng 12/1986) mở đầu công cuộc đổi mới của đất nước trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, cùng với đó, sự nghiệp báo chí bắt đầu khởi sắc và năng động đổi mới cùng thời cuộc. Trong bối cảnh đó, được sự đồng ý của Ban Tuyên huấn Trung ương (Công văn số 636/TH-TW ngày 30/10/1987) và Bộ Thông tin (Công văn số 573/BTT ngày 10/12/1987), tháng 01/1988, Tập san Pháp chế xã hội chủ nghĩa chính thức được đổi thành Tạp chí Pháp chế xã hội chủ nghĩa với phạm vi phát hành rộng rãi trong cả nước và đối tượng bạn đọc cũng được mở rộng hơn đến bộ phận quần chúng nhân dân muốn tìm hiểu về pháp luật bên cạnh đội ngũ truyền thống là cán bộ làm công tác tư pháp trong cả nước. Tổng biên tập Tạp chí Pháp chế xã hội chủ nghĩa tiếp tục được giao cho ông Nguyễn Văn Thảo - lúc này được bổ nhiệm là Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý kiêm nhiệm.

3. Định hình vị thế của một tạp chí đầu Ngành Tư pháp - Tạp chí Dân chủ và Pháp luật

Để khẳng định vị thế, tầm quan trọng của một đơn vị báo chí hàng đầu của Ngành Tư pháp, tiếp tục nâng tầm Tạp chí phù hợp với xu thế phát triển của đất nước, được sự chấp thuận của Bộ Văn hóa - Thông tin và Thể thao, ngày 12/3/1992, Bộ trưởng Bộ Tư pháp - Phan Hiền đã ký Quyết định số 28/QĐ-TC đổi tên Tạp chí Pháp chế xã hội chủ nghĩa thành Tạp chí Dân chủ và Pháp luật và trong năm này đã quyết định tách Tạp chí Dân chủ và Pháp luật ra khỏi Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý (ngày 14/11/1992) để trở thành một đơn vị độc lập trực thuộc Bộ Tư pháp với vị trí là cơ quan ngôn luận của Bộ Tư pháp.

Kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Tạp chí và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba

Tổng biên tập đầu tiên chuyên trách công tác tạp chí được giao cho ông Nguyễn Tất Viễn (Tổng biên tập thứ ba) cho đến cuối năm 2003, khi ông được điều chuyển làm Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp.

Thời gian này, Tạp chí phát hành ấn phẩm định kỳ hàng tháng, cùng với các số chuyên đề 32 trang, 100 trang, các sách nghiệp vụ phục vụ yêu cầu chỉ đạo nghiệp vụ và quản lý nhà nước về công tác tư pháp của Bộ Tư pháp, tạo cơ sở hình thành hệ thống ấn phẩm tạp chí cho đến ngày nay.

4. Tiếp nối truyền thống, gây dựng thế hệ mới và từng bước phát triển Tạp chí cho đến ngày nay

4.1. Đầu năm 2004, ông Nguyễn Văn Tuân được bổ nhiệm giữ chức Tổng biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật (thứ tư) và giữ vị trí Tổng biên tập trong hai nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu năm 2014. Tổng biên tập Nguyễn Văn Tuân đã chỉ đạo và tổ chức hoàn thiện thể chế về tổ chức bộ máy và hoạt động của Tạp chí theo Quyết định số 1244/QĐ-BTP ngày 09/6/2009 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật (một trong những Quyết định có sức sống mãnh liệt cho đến ngày nay, góp phần quan trọng vào sự phát triển của Tạp chí).

Ở giai đoạn này, các ấn phẩm tạp chí tiếp tục được duy trì đều đặn hàng tháng với số định kỳ 64 trang và số chuyên đề 32 trang; 06 số chuyên đề chuyên sâu 200 trang theo các chủ đề thuộc nghiệp vụ chuyên môn của công tác tư pháp.

4.2. Năm 2014, ông Đặng Vũ Huân được bổ nhiệm Tổng biên tập (Tổng biên tập thứ năm) với nhiệm kỳ 05 năm và tiếp tục giữ chức vụ Tổng biên tập cho đến khi nghỉ hưu (tháng 11/2021).

Đây cũng là giai đoạn chuyển giao công tác của những thế hệ cán bộ đầu tiên cho thế hệ trẻ, đặt ra nhiều kỳ vọng và thách thức đổi mới Tạp chí trong giai đoạn mới. Tổng biên tập Đặng Vũ Huân cũng đã tiếp nối truyền thống thế hệ đi trước phát triển sự nghiệp vẻ vang của Tạp chí, đồng thời, gây dựng hệ thống tổ chức, nguồn nhân lực cho tương lai và nâng tầm uy tín Tạp chí.

Các ấn phẩm Tạp chí được phát hành bài bản, ổn định hàng năm với 02 số định kỳ/tháng (số định kỳ 64 trang và số chuyên đề hàng tháng 32 trang); 06 số chuyên đề 200 trang (năm 2021 đã phát triển thành 10 số chuyên đề 200 trang) và bổ sung nhiều ấn phẩm khác phục vụ công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật của nước nhà.

5. Tiếp bước phát triển Tạp chí Dân chủ và Pháp luật

Năm 2021 - 2022, ông Vũ Hoài Nam được bổ nhiệm Quyền Tổng biên tập (tháng 12/2021) và Tổng biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật (tháng 7/2022). Mặc dù, trong năm đầu đảm nhiệm chức vụ, nhưng với quyết tâm và sức trẻ, đồng chí Tổng biên tập đã cùng tập thể viên chức, người lao động hoàn thành những dấu ấn lịch sử tại năm thứ 45 của Tạp chí như:

- Hoàn thành bộ phim tư liệu đầu tiên về lịch sử hình thành và phát triển của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật với tên gọi “Tạp chí Dân chủ và Pháp luật: 45 năm dấu ấn thời gian (20/12/1977 - 20/12/2022)”; tập hợp các tư liệu lịch sử của Tạp chí trong 45 năm hoạt động.

- Công bố Tạp chí Dân chủ và Pháp luật điện tử và Lôgô mới của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, với kỳ vọng về đổi mới, nâng tầm hơn nữa công tác tạp chí trong thời gian tới.

Hình ảnh: Trang Tạp chí Dân chủ và Pháp luật điện tử (có Lôgô mới)

Trong năm 2022, các ấn phẩm Tạp chí được phát hành định kỳ hàng tháng với 02 số định kỳ/tháng (số định kỳ 64 trang và số chuyên đề 32 trang); 10 số chuyên đề 200 trang và một số ấn phẩm đặc biệt nhân dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/2022), Ngày Quốc khánh (02/9/2022). Từ tháng 11/2022, trên cơ sở Giấy phép xuất bản số 533/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông, Tạp chí đã xuất bản định kỳ 02 số hàng tháng: Ấn phẩm kỳ 1 (90 trang) và ấn phẩm kỳ 2 (64 trang - theo chuyên đề).

6. Ghi nhận truyền thống vẻ vang và tiếp bước xây dựng thương hiệu Tạp chí Dân chủ và Pháp luật

Với tính chất là tạp chí lý luận chuyên ngành, là cơ quan ngôn luận của Bộ Tư pháp, là diễn đàn của các nhà khoa học và thực tiễn trao đổi về khoa học pháp lý và hoạt động tư pháp, trong suốt 45 năm hình thành và phát triển, tập thể cán bộ, viên chức, người lao động Tạp chí Dân chủ và Pháp luật luôn phát huy truyền thống vượt qua khó khăn, phấn đấu không ngừng để mang lại vinh quang cho sự nghiệp báo chí của Ngành.

Thành tựu hoạt động cùng các ấn phẩm của Tạp chí đã góp phần tuyên truyền hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, là diễn đàn nghiên cứu, trao đổi, thông tin về khoa học pháp lý cho đội ngũ cán bộ tư pháp, cán bộ pháp luật, nhà nghiên cứu khoa học pháp lý và nhiều độc giả trong cả nước. Trong lĩnh vực tư pháp, các ấn phẩm của Tạp chí bao quát toàn diện các lĩnh vực xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, đặc biệt là các lĩnh vực pháp luật trọng yếu của đất nước (như Hiến pháp, các đạo luật rường cột…), lĩnh vực pháp luật quốc tế và thực tiễn tư pháp cơ sở. Thương hiệu “Dân chủ và Pháp luật” đã được khẳng định và ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả, các nhà nghiên cứu khoa học pháp lý.

Những sự kiện quan trọng của đất nước, Bộ, Ngành Tư pháp cũng được ghi dấu trong các hoạt động của Tạp chí và đặc biệt là trên nhiều ấn phẩm về những chặng đường phát triển của Ngành Tư pháp tại các Lễ kỷ niệm trọng đại 50 năm, 60 năm, 70 năm Ngày truyền thống của Ngành Tư pháp.

Song hành cùng các ấn phẩm in, Trang thông tin điện tử của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật được hình thành từ năm 2014 đã thực sự trở thành diễn đàn pháp lý, dân chủ nghiên cứu, trao đổi về nghiệp vụ và thực tiễn trong xây dựng, thực hiện pháp luật và hoạt động tư pháp nhằm nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp trong cả nước; trang bị kiến thức pháp luật cần thiết cho các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh và một bộ phận quần chúng nhân dân muốn tìm hiểu pháp luật; trao đổi kinh nghiệm, thông tin về hoạt động tư pháp, pháp luật nước ngoài... Các tin, bài được cập nhật liên tục trong ngày, lan tỏa rộng, tính tương tác cao, với số lượng tăng liên tục từ khoảng 300 tin, bài năm 2014 đã lên đến trên 700 tin, bài năm 2022. Đây là nền tảng quan trọng để nâng cao hơn nữa vị thế của Tạp chí, của Bộ và Ngành Tư pháp trong lòng bạn đọc và là cơ sở để tiếp tục phát triển Tạp chí Dân chủ và Pháp luật điện tử trong giai đoạn tiếp theo.

Nhìn lại chặng đường 45 năm vẻ vang của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, thế hệ tiếp nối hiện tại luôn tâm niệm về việc giữ lửa truyền thống và quyết tâm gây dựng giá trị “Dân chủ và Pháp luật” trong bước đường tiếp theo, hướng tới những tầm cao mới trong sự nghiệp báo chí cách mạng của Ngành Tư pháp đối với công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đã được khẳng định trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII./.

TỔ CHỨC BỘ MÁY TẠP CHÍ DÂN CHỦ VÀ PHÁP LUẬT:

* Tổng số viên chức, người lao động: 13 người.

- Tổng biên tập: TS. Vũ Hoài Nam;

- Phó Tổng biên tập: ThS. Trần Hoàng Hưng;

- Ban Biên tập: 01 trưởng ban, 01 phó trưởng ban và 03 biên tập viên;

- Ban Thư ký Tòa soạn: 01 trưởng ban và 02 biên tập viên, người lao động.

- Phòng Trị sự: 01 trưởng phòng và 02 chuyên viên.

* Các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội: Chi bộ Đảng (Đồng chí Vũ Hoài Nam là Bí thư), Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ, Tổ nữ công, Chi hội Hội Nhà báo.

Đọc thêm