Tập đoàn Đèo Cả hỗ trợ khắc phục sự cố sạt lở Hầm đường sắt Chí Thạnh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo đề nghị hỗ trợ của Ban Quản lý dự án 85 (Bộ GTVT), Tập đoàn Đèo Cả đã huy động 10 thiết bị (trong đó có 1 máy khoan, 2 máy phun) và 40 nhân sự đến công trình để hỗ trợ khắc phục sự cố tại Hầm đường sắt Chí Thạnh. Mục tiêu đến 12h00 ngày 30/5/2024 sẽ thông hầm, khôi phục giao thông đường sắt Bắc - Nam đoạn đi qua tỉnh Phú Yên.
Tập đoàn Đèo Cả đã tham gia “giải cứu” nhiều dự án khó hoặc gặp sự cố.
Tập đoàn Đèo Cả đã tham gia “giải cứu” nhiều dự án khó hoặc gặp sự cố.

Đặt mục tiêu ngày 30/5 thông hầm

Ông Nguyễn Tấn Đông - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho biết, ngay chiều 26/5, khi nhận được đề nghị của Ban Quản lý dự án 85, các chuyên gia, kỹ sư của Tập đoàn Đèo Cả đã đến kiểm tra hiện trường và thống nhất giải pháp với đơn vị Tư vấn thiết kế và Chủ đầu tư. Sau đó, Tập đoàn Đèo Cả đã huy động 10 thiết bị (trong đó có 1 máy khoan, 2 máy phun) và 40 nhân sự đến công trình để triển khai khắc phục sự cố ngay trong đêm.

Tập đoàn Đèo Cả bố trí 1 mũi thi công chủ đạo theo hướng Nam - Bắc, tổ chức thay ca nhau làm việc 24/24, không nghỉ. Ban Quản lý dự án 85 và nhà thầu đang thi công sửa chữa hầm đường sắt Chí Thạnh có trách nhiệm phối hợp.

“Xác định việc hỗ trợ khắc phục sự cố sạt lở hầm đường sắt Chí Thạnh là nhiệm vụ cấp bách, được ưu tiên hàng đầu, chúng tôi đã điều động máy móc thiết bị và nhân sự dày dặn kinh nghiệm đang thi công ở dự án cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn vào hỗ trợ. Mục tiêu đến 12h00 ngày 30/5/2024 sẽ thông hầm, khôi phục giao thông đường sắt Bắc - Nam đoạn đi qua tỉnhPhú Yên”, ông Đông nói.

Hầm đường sắt Chí Thạnh là 1 trong số 11 hầm đường sắt nằm trong dự án kiên cố hóa các hầm đường sắt trên cả nước, đang được Bộ GTVT triển khai (tổng kinh phí thực hiện là 7.000 tỷ đồng). Hiện, dự án đã cải tạo, kiên cố được 9 hầm, còn 2 hầm đang khắc phục là hầm đường sắt Chí Thạnh ở tỉnh Phú Yên và hầm đường sắt Bãi Gió ở tỉnh Khánh Hòa.

Cùng với máy móc thiết bị, Tập đoàn Đèo Cả cũng điều động hàng chục nhân sự dày dạn kinh nghiệm vào hỗ trợ khắc phục sự cố.

Cùng với máy móc thiết bị, Tập đoàn Đèo Cả cũng điều động hàng chục nhân sự dày dạn kinh nghiệm vào hỗ trợ khắc phục sự cố.

Trước đó, ngày 21/5, trong quá trình cải tạo, sửa chữa hầm đường sắt thì khối lượng đất đá bất ngờ đổ ập xuống, bịt kín đường hầm. Giao thông đường sắt Bắc - Nam đoạn từ ga La Hai đến Chí Thạnh và ngược lại bị tê liệt hoàn toàn.

Nguyên nhân sạt lở được xác định là do địa chất, đất đá bị phong hóa kết hợp tầng phủ trên nóc hầm mỏng (khoảng 25m) dẫn đến sạt lở.

Sau khi xảy ra sự cố, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy đã đến kiểm tra hiện trường và chỉ đạo khẩn trương khắc phục, dự kiến sẽ hoàn thành vào ngày 26/5 để có thể thông hầm. Tuy nhiên, đến sáng ngày 26/5, khi đơn vị thi công đang bốc dọn còn khoảng 80 m3 đất sạt lở trong hầm thì một lượng lớn đất đá khoảng 260m3 lại tiếp tục sạt xuống.

Trước tình huống này, Ban Quản lý dự án 85 (chủ đầu tư) đã đề nghị Tập đoàn Đèo Cả - đơn vị có nhiều kinh nghiệm thi công, xử lý các công trình hầm đường bộ có điều kiện địa chất phức tạp, đến hỗ trợ khắc phục sự cố sạt lở hầm đường sắt Chí Thạnh.

Đối với việc hỗ trợ tại hầm đường sắt, Đèo Cả sẽ chủ động máy móc và vật tư, vật liệu, chủ đầu tư chỉ hỗ trợ những vật tư, vật liệu sẵn có trên công trường.

“Là một doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông, bên cạnh việc đảm bảo tiến độ, đưa các công trình về đích đúng hẹn, tiết giảm chi phí ở các dự án do Đèo Cả thực hiện thì chúng tôi luôn đề cao trách nhiệm với xã hội, với đất nước bằng việc tham gia hỗ trợ, giải cứu các dự án bị đình trệ, gặp khó…”, ông Nguyễn Tấn Đông - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả nói.

Đã tham gia “giải cứu” nhiều dự án

Được biết, đây không phải lần đầu tiên Đèo Cả tham gia “giải cứu” các dự án khó hoặc gặp sự cố. Trước đây, tập đoàn này cũng đã giải cứu thành công các dự án bị đình trệ như cao tốc tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận, dự án đầu tư công có nguy cơ chậm tiến độ như cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, Mỹ Thuận - Cần Thơ,…

Tập đoàn Đèo Cả đã huy động nhiều thiết bị đến công trình để triển khai khắc phục sự cố tại Hầm đường sắt Chí Thạnh.

Tập đoàn Đèo Cả đã huy động nhiều thiết bị đến công trình để triển khai khắc phục sự cố tại Hầm đường sắt Chí Thạnh.

Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn được Bộ GTVT khởi công từ năm 2015, nhưng do nhà đầu tư cũ không thu xếp được vốn, không đảm bảo năng lực dẫn đến dự án bị dừng gần 2 năm. Đến tháng 4/2017, Tập đoàn Đèo Cả được Bộ GTVT và UBND tỉnh Lạng Sơn mời vào giải cứu. Đèo Cả đã thực hiện nhiều giải pháp để xử lý các vướng mắc, đảm bảo nguồn vốn, thúc đẩy triển khai thi công đồng loạt. Sau 2 năm tái khởi động, tháng 12/2019 cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn chính thức thông xe, tạo ra kỷ lục khi chỉ trong 2 năm hoàn thành tuyến đường dài gần 65km.

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài hơn 51km, kết nối giao thông các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với TP Hồ Chí Minh. Suốt 10 năm “đắp chiếu” và gần như phải chấm dứt Hợp đồng BOT do các nhà đầu tư không thể tổ chức thực hiện. Đến tháng 3/2019, Tập đoàn Đèo Cả được Bộ GTVT và nhà đầu tư mời tham gia quản trị, điều hành “giải cứu” dự án. Đèo Cả đã giải quyết các vướng mắc tồn động nhiều năm, kiện toàn lại bộ máy, giải ngân nguồn vốn, tổ chức thi công đồng loạt để đưa dự án về đích chỉ sau 3 năm.

Không chỉ giải cứu thành công các dự án lớn bị đình trệ trong nhiều năm, tại gói thầu 12-XL trên cao tốc Mai Sơn - QL45, Đèo Cả với vai trò nhà thầu đứng đầu liên danh, khi dự án bị chậm tiến độ do các Nhà thầu địa phương không đảm bảo năng lực, chịu sức ép của bão giá, Tập đoàn Đèo Cả đã điều động hơn 500 nhân sự, hàng trăm thiết bị để “giải cứu” theo chỉ đạo của Bộ GTVT.

Đọc thêm