Tại Paris, người dân từ bất kể thành phần nào cũng thường xuyên sử dụng phương tiện công cộng vì sự tiện lợi mà mạng lưới giao thông được kết nối chặt chẽ mang lại.
Đa phương tiện
Đi lại trong trung tâm thành phố có rất nhiều loại phương tiện để lựa chọn, như tàu điện ngầm Metro, RER (hệ thống tàu địa phương), tàu điện, xe buýt, Autolib’ (thuê ô tô), Scootlib’ (thuê xe máy) và Velib’ (thuê xe đạp). Trong đó, ngoài hệ thống tàu điện ngầm và RER đan xen chạy khắp thủ đô Paris, người ta còn chú ý đến một loại hình vận chuyển đang ngày càng phổ biến trong xã hội Pháp, đó là hệ thống tàu điện trên mặt đất (tram).
Sau khi hoàn toàn biến mất trong nửa đầu của thế kỷ 20, tuyến tàu điện T1 lần đầu tiên tái xuất trên đường phố nước Pháp vào năm 1992 và kể từ đó đã chiếm một vị trí quan trọng trong lòng người dân nơi đây, đặc biệt là ở vùng ngoại ô. Mỗi ngày, hệ thống này đón nhận khoảng hàng trăm ngàn lượt khách.
Giữa bối cảnh đường phố chật hẹp của Paris luôn phải đối mặt với tình trạng ùn ứ giao thông, hay cảnh dòng người chen chúc dưới các ga tàu điện ngầm, đây được coi là một sự bổ sung hoàn hảo cho hệ thống Metro, vừa góp phần thúc đẩy quá trình tái cơ cấu không gian công cộng của “kinh đô ánh sáng”, vừa là biểu tượng của giao thông hiện đại với xu hướng thân thiện môi trường. Và câu hỏi được đặt ra là, nước Pháp đã làm như thế nào để “thổi hồn” vào loại hình giao thông này?
Kết nối liền mạch
Yếu tố đầu tiên, đó là sự tiện lợi và liền mạch. Với mạng lưới hoạt động rộng lớn bao gồm 9 tuyến hoạt động và sẽ còn mở rộng nữa, các tuyến tàu điện trên mặt đất có nhiệm vụ kết nối các điểm dừng của tàu điện ngầm Metro và RER với những phần xa xôi hẻo lánh hơn trong khu vực. Mạng lưới tàu điện chủ yếu trải rộng ở các khu vực ngoại ô và các vùng lân cận thủ đô Paris. Trong đó, nhiều bến tàu được sắp xếp ở những vị trí thuận lợi, có khả năng kết nối nhanh với không chỉ các loại hình giao thông khác, các khu trung chuyển, mà còn với nhiều tuyến đường trong thành phố.
Ví dụ, tuyến tàu điện ngầm M7 Metro được kết nối với tuyến tàu điện T1 ngay tại chân cầu thang ga La Courneuve thuộc xã Aubervilliers trong vùng đô thị Paris. Đây là điều mà các nhà quy hoạch tại Paris nhắm đến, dựa trên ước tính rằng thời gian chờ đợi của hành khách cứ tăng lên 10 phút thì nhu cầu sử dụng phương tiện công cộng sẽ giảm đến 10%.
Bài toán về kinh tế
Công suất vận chuyển của hệ thống tàu điện ngầm Metro là 20.000-40.000 hành khách/giờ, mặc dù cao hơn so với con số 10.000-20.000 hành khách/giờ của các tuyến tàu điện, trong khi tốc độ di chuyển cũng nhanh hơn, song khoảng cách giữa các ga tàu lại lớn. Do đó, tàu điện trên mặt đất sẽ là lựa chọn phù hợp hơn tại những thành phố lớn, và là phương án di chuyển bổ sung bên cạnh Metro. Bên cạnh đó, chi phí xây dựng trung bình của hệ thống tàu “chìm” ước tính cao hơn khoảng 4 lần so với chi phí xây dựng mạng lưới tàu “nổi”.
Khi nhắc đến thành công của hệ thống tàu điện trên mặt đất, không thể không kể đến hành lang pháp lý mà giới chức Pháp đã đặt ra để tạo điều kiện cho sự phát triển của loại hình giao thông này, đặc biệt là ở khu vực ngoại ô. Trong đó nổi bật nhất có lẽ là luật về đổi mới và hợp nhất đô thị (SRU), yêu cầu các dự án phát triển khu vực ngoại ô phải dựa trên cơ sở là các trục giao thông công cộng, nhằm mang lại sự cân bằng giữa nhu cầu di chuyển và bảo vệ môi trường, đồng thời thu hẹp khoảng cách giữa khu vực ngoại ô và trung tâm thành phố.
Tại Paris, người dân lựa chọn giao thông công cộng sẽ được phát thẻ từ Navigo. Tấm thẻ này được nạp tiền hàng tháng hoặc hàng năm và có giá trị di chuyển trong những khu vực nhất định tùy theo nhu cầu sử dụng. Nếu trong những khu vực này có tuyến tàu điện chạy qua thì hành khách sẽ được sử dụng dịch vụ mà không phải trả thêm tiền. Đối với những hành khách không thường xuyên, một tấm vé bằng giấy cũng cho phép họ sử dụng dịch vụ nếu thời gian di chuyển trên tàu điện là dưới 90 phút, hoặc đó là điểm đầu tiên của hành trình. Ngoài những trường hợp kể trên, hành khách vẫn có thể mua vé đơn lẻ để di chuyển trên hệ thống tàu điện của Paris.
Tiết kiệm thời gian di chuyển
Hệ thống tàu điện của Paris không hoạt động 24/24 mà sẽ đóng cửa một vài tiếng vào buổi đêm. Tuy nhiên, mạng lưới hoạt động thường xuyên đã giúp thời gian chờ đợi một chuyến tàu điện ngắn hơn so với nhiều tuyến tàu điện ngầm. Cụ thể, thời gian chờ đợi trong giờ cao điểm tại những nút giao thông như tuyến Saint-Denis–Bobigny-Noisy và ở Bordeaux là khoảng 4 phút, tại Grenoble là 3 phút và ở Strasbourg và Nantes là 2 phút. Đây là một lợi thế giúp loại hình di chuyển này trở thành phương án thay thế hữu hiệu cho những hàng xếp dài tại các ga tàu điện ngầm Metro trung tâm.
Vì được vận hành bằng điện nên tàu điện có thể “lấy lòng” người dân Pháp với tư cách là một loại hình giao thông thân thiện với môi trường, trong khi cũng phát ra ít tiếng ồn. Việc xây dựng hệ thống tàu điện thường đi cùng với những dự án về cây xanh, và sự “xóa sổ” đối với các tuyến đường di chuyển bằng ô tô truyền thống, từ đó tạo ra diện mạo cảnh quan mới. Ngoài ra, hệ thống tàu điện cũng phù hợp với chính sách tiết kiệm không gian của Chính phủ Pháp. Theo ước tính, một toa tàu điện chứa 244 người sẽ chiếm diện tích khoảng 112m2, thay thế khoảng 177 chiếc xe ô tô đơn lẻ, chiếm đến 1.600m2.