|
Tê giác Java chụp qua bẫy ảnh tại Vườn Quốc gia Cát Tiên. Ảnh: WWF |
Tường trình về số phận con tê giác cuối cùng
Tê giác Java chỉ sống ở hai nước trên thế giới là Indonesia và Việt Nam. Tê giác Java được cho là đã tuyệt chủng ở Châu Á cho đến năm 1988 khi một cá thể tê giác bị săn bắn tại khu vực Cát Lộc, Cát Tiên. Sau đó, các nhà khoa học phát hiện ra tại Vườn Quốc gia Cát Tiên một quần thể nhỏ tê giác. Để đảm bảo an ninh cho báu vật quốc gia mới được phát hiện này, vào năm 1992, chính phủ Việt Nam đã tuyên bố Cát Lộc là khu bảo tồn tê giác. Vào năm 1998, khu bảo tồn tê giác Cát Lộc đã trở thành một phần của Vườn Quốc gia Cát Tiên.)
Từ giữa những năm 1990, một số tổ chức bảo tồn quốc tế đã nỗ lực tham gia bảo tồn tê giác Java trong Vườn Quốc gia Cát Tiên. Một nhóm các nhà khoa học của WWF đã tiến hành một cuộc khảo sát bằng máy bẫy ảnh với mật độ dày đặc tại Cát Lộc. Kết quả thấy chỉ còn từ 7 đến 8 cá thể tê giác còn sống sót. Báo cáo cũng cho thấy sự tồn tại của một cá thể tê giác con - một hy vọng cho tương lai. Đến năm 2004, quần thể tê giác được cho là chỉ còn từ 5 đến 6 cá thể. Hai mươi năm sau khi tái phát hiện loài tê giác Java, dù đã được đầu tư nhiều sức lực và vật lực, vẫn còn dấu hiệu săn bắn và phá rừng tại Vườn Quốc gia Cát Tiên. ông Nick Cox - quản lý của Chương trình các loài của WWF ở sông Mekong cho biết: Trong quá trình đi khảo sát, chúng tôi đã dỡ bỏ khoảng 300 bẫy, trong đó có bẫy bằng dây kim loại dùng để bẫy các loài thú lớn.
Vào cuối tháng 4 năm 2010, chỉ vài tuần sau khi đội điều tra rời khỏi hiện trường, người dân địa phương thông báo phát hiện một bộ xương động vật lớn. Đó là bộ xương của một con tê giác lớn. Cá thể này đã bị bắn vào chân và chiếc sừng đã mất. Các mẫu vật đã được đưa đi giám định AND trong 10 tháng mới có kết quả. Phân tích di truyền của 22 mẫu phân được thu thập tại Vườn quốc gia Cát Tiên, các nhà khoa học của WWF khẳng định rằng các mẫu này đều thuộc về một con tê giác đã được tìm thấy đã chết trong Vườn. Nó đã bị chết bởi nạn săn trộm. WWF đã xác nhận sự tuyệt chủng của tê giác Java tại Việt Nam. Như vậy, loài này chỉ còn khoảng trên 50 con được bảo tồn tại Indonesia.
Tuyệt chủng là điều không thể tránh?
Ông Trần Văn Thành, Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Tiên cho biết: Vườn Quốc gia Cát Tiên hàng năm xử lý khoảng 500 vụ vi phạm về lâm luật và các quy định bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm. Hiện trong vùng lõi và vùng đệm của Vườn Quốc gia Cát Tiên có trên 200.000 người dân sinh sống. Năm 2008, ban quản lý Vườn đã thu được 25.000 bẫy nhỏ và lớn, 22 súng săn. Từ đầu năm 2011 đến tháng 9/2011, đã phát hiện, xử lý 250 vụ vi phạm. Trong đó, khởi tố 3 vụ, đã xét xử 2 vụ. Còn một vụ đến tháng 11 này sẽ xét xử. Có thể nói là mức án cho các loại tội phạm này rất thấp, không đủ sức răn đe. Vụ thứ nhất có mức án cao nhất là 7 năm tù. Trong số bị cáo có 2 bị cáo là người dân tộc Stiêng và người Mạ. Vụ 2 khởi tố 11 đối tượng trong đó có một kiểm lâm móc nối với lâm tặc. Vụ án mới được đưa ra xét xử trong tháng 10 vừa qua. Mức án cao nhất là 4 năm 6 tháng tù. Các bị cáo còn lại bị kết án 2-3 năm tù. Đối tượng cầm đầu được hưởng án treo. Chúng tôi đã kháng nghị xử phúc thẩm với hướng tăng nặng hình phạt.
Bà Trần Minh Hiền- Giám đốc WWF Việt Nam khuyến cáo: Bảo vệ môi trường sống tự nhiên và ngăn chặn nạn săn bắn và buôn bán động vật hoang dã trái phép là yếu tố quan trọng nhất để bảo vệ các loài này khỏi sự tuyệt chủng. Báo cáo của WWF đã chỉ rõ rằng hiện nay, những vấn đề này chưa được thực hiện thỏa đáng dẫn đến việc thất bại trong bảo tồn tê giác Java tại Việt Nam. Và nếu tình trạng này không được cải thiện, nhiều loài nữa tại Việt Nam sẽ bị tuyệt chủng là điều không thể tránh khỏi.
Nếu không có sự bảo tồn hữu hiệu, sau sự tuyệt chủng của tê giác Java tại Việt Nam, WWF cũng đưa ra báo động đỏ về 3 loài có nguy cơ tuyệt chủng tại Việt Nam là sao la hiện có trên 100 con, voi Châu Á còn khoảng 50-70 con và đặc biệt là hổ Việt Nam còn rất ít.
Lam Hạnh