Sách đỏ Việt Nam xếp tê tê vào nhóm động vật có mức độ đe dọa bậc V (bị đe dọa tuyệt chủng). Thế nhưng, các “trùm” buôn lậu vẫn tìm được cách đưa loại động vật quý hiếm này từ nội địa Lào, vượt qua khu vực cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) phục vụ các bàn nhậu tại Hà Nội, hoặc Trung Quốc.
“Trút” vào Sơn Kim
Dân bản địa gọi tê tê là “trút”, loại động vật mà họ cho biết chỉ có giới đại gia mới dám gọi món khi vào các nhà hàng sang trọng. Giới “chạy” mặt hàng này cho biết, rừng núi Việt Nam “bói” cũng không ra, chỉ có cách sang Lào “thửa” thì mới tìm được hàng, mà là hàng chuẩn.
Một “trùm” từng buôn mặt hàng này đã giải nghệ nói với phóng viên, muốn biết hàng “trút” vào Việt Nam như thế nào thì ngược lên hướng cửa khẩu Cầu Treo, vào xã Sơn Tây huyện Hương Sơn mà tìm hiểu, mọi nguồn hàng đều được tập kết về đây để phân phối đi nơi khác.
Công đoạn bơm bột gạo để tăng cân cho "trút"... |
Từ thông tin ban đầu, Pháp Luật Việt Nam tiếp cận với một “chân rết” chuyên gom loại hàng đặc biệt này. Người này cho biết, cách đây mấy năm “trút” về Hương Sơn rất nhiều, ngày nào cũng có. Tuy nhiên, thời điểm gần đây hàng hóa ít dần và bị kiểm soát nghiêm ngặt. Cũng theo chủ hàng nói trên, tê tê sau khi “lọt” qua Cầu Treo vào nội địa thì được “phân phối” ra địa bàn Hà Nội hoặc đưa sang Trung Quốc, giá cả được thống nhất trước. “Trước đây hàng chủ yếu băng rừng, rồi vào xã Sơn Tây”, một người dân cho hay. Hiện tại, hàng “trút” không đi theo đường “tiểu ngạch” mà “phi” thẳng từ biên giới theo đường quốc lộ 8.
Giới thành thạo mặt hàng này cho hay, tê tê cũng có nhiều loại, nếu lựa hàng ngon thì phải chọn con khỏe, đuôi ngắn, không bị thương, màu vàng…
Sau đó được tắm sạch |
Giá cả tùy vào chất lượng khi được rao bán. Cách đây vài năm, mỗi kg “trút” được “định giá” trên hai triệu đồng, có thời điểm khan hàng giá được chủ bán “hét” trên 5 triệu đồng. Hiện tại, theo tìm hiểu của phóng viên, một tạ “trút” mua tại thị trấn lên đến 270 triệu đồng, chưa cần thiết phải thanh toán trước. Cung cách vận chuyển cũng khác nhau, ngoài vận chuyển bằng xe hơi thì “trút” cũng được xé lẻ vận chuyển bằng xe máy.
“Công nghệ” vỗ béo…
Giới mua “trút” nhỏ lẻ cho hay, tê tê thường được lấy từ Lào, sau đó xe từ phía Việt Nam chờ sẵn ở gần cầu Nam Tuồng (Lào) rồi được đội quân cửu vạn “vác vai” vào nội địa, vận chuyển gần xuống Quốc lộ 8A thì dừng lại để đón xe đến chở về thị trấn Tây Sơn. “Trút” được đóng vào các túi lưới, mỗi túi từ năm đến cả chục con và xếp gọn gàng thành từng hàng.
Khu vực cửa khẩu Cầu Treo, ngoài mặt hàng “trút” thường được giới lái buôn đưa vào nội địa, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên cũng cho hay, đây cũng chính là điểm “nóng” trung chuyển hổ từ các trang trại gây nuôi lớn ở Lào, Campuchia, Malaysia, Thái Lan nhập lậu vào Việt Nam … |
Tập kết vào vị trí... |
Khi “trút” đã lọt qua các “cửa ải” thì về nơi tập kết ngay trong địa bàn huyện Hương Sơn. Tại đây, một nhóm người chuyên trách, từ việc cho tê tê vào chuồng, người đi nấu hồ, người đi lấy túi lưới, bao bì, giây buộc, đá lạnh…
Chứng kiến cảnh tê tê được “bồi dưỡng” mới thấy được tay nghề của những “thợ” vỗ béo “trút” ở miền biên giới thuộc dạng cao thủ. Trong khoảnh nền lát bằng xi măng khá rộng, một nhóm người chia thành 2 nhóm với bơm tự chế được làm đủ to để đổ hồ vào. Sau đó tê tê được lấy từ chuồng ra, đè nằm ngửa ra, người khéo léo nhất trong đám được chọn để cho vòi vào trong cổ họng tê tê để đút ống bơm cho bột gạo vào bụng. Những chiếc vây căng cứng cứ giãn ra, cái bụng màu trắng cứ căng phềnh ra tương ứng với số bột gạo được bơm vào từ miệng. Theo quan sát, công đoạn khó khăn nhất là cho vòi vào cổ họng tê tê, cần sự chính xác tuyệt đối, nếu đút nhầm sang khí quản bơm hồ vào loại động vật này sẽ dãy chết lập tức.
Chuẩn bị xuất bán. |
Xong công đoạn “vỗ béo”, những con “trút” no căng tròn được rửa sạch sẽ và cho lên cân lại. Theo đó, sau khi bơm, con ít nhất cũng tăng được 2kg so với ban đầu. Con nặng nhất cũng được 5kg. Đây là công đoạn để “tăng cân” nhanh trước khi các chủ hàng “xuất” tê tê cho giới lái buôn…
Như Trang