Tem giấy có thể khiến con bạn bị ảo giác, hoang tưởng

(PLO) -Gần đây, trên địa bàn các trường học ở một số thành phố lớn có xuất hiện một loại ma túy mới có tên là “tem giấy” hay còn gọi là “bùa lưỡi”. Loại ma túy này có giá thành rẻ và cách sử dụng dễ dàng vì thế nó đang được nhiều hoc sinh ưa chuộng. Vậy tem giấy thực chất là gì? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu những mối nguy hại từ loại ma túy này.
Ảnh internet

Tem giấy là gì?

Tem giấy thực chất là miếng giấy được tẩm chất gây ảo giác LSD (Lysergic Axit Diethylamide), là chất bán tổng hợp được chiết xuất từ nấm cựa gà. Chất gây nghiện này tái xuất hiện trong thời gian gần đây sau một thời gian dài (từ cuối thập niên 1970) thế giới ngầm đã ngưng sản xuất.

Đây là chất gây ảo giác mạnh nhất cho đến nay, chỉ vài chục microgam là có thể gây ảo giác nên được xem chất ma túy nguy hiểm nhất.

Nó được “tung ra” dưới hình thức được tẩm vào những miếng giấy nhỏ (như con tem, kích thước 1,5x1,5cm), in hình ngộ nghĩnh, nhân vật nổi tiếng.

Tem giấy - loại ma túy mới gây nguy hiểm cho người sử dụng

Được sử dụng bằng cách le lưỡi liếm như dán tem hoặc ngậm đầu lưỡi. Vì vậy, được gọi là “tem giấy” hay “bùa lưỡi”.

Điều đáng báo động hiện nay là “tem giấy” có giá khá rẻ và việc mua bán loại ma túy này diễn ra công khai. Mỗi miếng nhỏ “tem giấy” chỉ khoảng 20.000 đồng và chỉ cần vào mạng xã hội có thể tìm được khá nhiều “mối” bán. Thế nên, giới trẻ, thậm chí học sinh cấp 2 rất dễ tiếp cận. Đặc biệt nguy hiểm, hiện các test nhanh không phát hiện loại ma túy này khi kiểm tra.

Sau khi liếm, ngậm “tem”, chất LSD sẽ đi vào cơ thể và có thời gian gây tác động kéo dài đến 12 giờ. Chỉ cần sử dụng 1 microgram/kg cân nặng sẽ gây ảo giác, loạn thần kéo dài đến vài ngày. Cụ thể hơn, người có cân nặng thông thường (khoảng 50-60kg) thì chỉ cần dùng lượng nhỏ LSD bằng khoảng 1/3 hạt muối ăn là đã bị ảo giác.

Tem giấy có thể gây nghiện

Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Thanh Hiển, Bệnh viện tâm thần TP HCM, cho biết từng điều trị cho một bệnh nhân 15 tuổi bị nghiện tem giấy. Em này là học sinh cấp 3 có triệu chứng ảo thị và rối loạn giấc ngủ sau một thời gian "chơi tem". 

Bác sĩ đã cho bệnh nhân dùng thuốc và áp dụng các liệu pháp cai nghiện ma túy. Sau 2 lần điều trị, chất gây nghiện LSD được đào thải dần khỏi cơ thể em, triệu chứng ảo giác và rối loạn giấc ngủ đã thuyên giảm. Bác sĩ dặn dò người nhà theo dõi sát bệnh nhân để tránh nguy cơ tái nghiện sẽ rất khó điều trị.

“Phụ huynh cần giáo dục cho con trẻ nhận biết để tránh xa những cuộc chơi mang tính nghiện ngập vì hầu hết các tình trạng nghiện ngập đều bắt đầu từ những cuộc chơi và sự rủ rê, cộng với bản tính tò mò “thử cho biết” của tuổi mới lớn. Đồng thời phải quan tâm tới con trẻ thật kỹ. Nhận biết những thay đổi tâm sinh lý, biểu hiện của con để sớm phát hiện và can thiệp. Khi thấy con có triệu chứng bất thường như mất ngủ hoặc ngủ bất thường (ngủ ngày, đêm thức), hốt hoảng, sợ sệt, hành vi kỳ dị thì nên đưa con đến khám bác sĩ chuyên khoa". Bs Hiển khuyến cáo.

Còn theo TS.BS Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng khoa điều trị các rối loạn liên quan đến lạm dụng chất (khoa H), BV tâm thần Hà Nội cho biết: LSD gây loạn thần rất nhanh, sử dụng lặp lại nhiều lần sẽ gây phụ thuộc về tâm thần, cơ thể. Khi không có thuốc, người dùng rơi vào trạng thái trầm cảm, mệt mỏi.., biểu hiện thèm khát sử dụng mãnh liệt.

“Tem giấy” khiến người chơi bị ảo thị tức là thấy những hình ảnh kỳ lạ như mẹ là quỷ dữ, đứng trên lầu mà thấy mình đứng dưới đất hay thấy mình là siêu nhân, chim đang bay lượn trên trời,… cha mẹ cần quan tâm, chú ý giáo dục con trẻ để nhận biết và tránh xa loại ma túy đáng sợ này.

Đọc thêm