Tết các miền đầu Xuân giữa lòng Hà Nội

Trong hai ngày 28-29/1/2012 (mồng 6 & 7 Tết), du khách sẽ được hòa mình vui xuân mang đậm Tết dân tộc cổ truyền tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Đặc biệt, xuân Nhâm Thìn này, du khách  Thủ đô có cơ hội tiếp cận trực tiếp một số nét văn hóa cổ truyền của vùng đất tổ Phú Thọ, với hát xoan, vui chơi bắt chạch trong chum, làm bánh tai...

Trong hai ngày 28-29/1/2012 (mồng 6 & 7 Tết), du khách sẽ được hòa mình vui xuân mang đậm Tết dân tộc cổ truyền tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Đặc biệt, xuân Nhâm Thìn này, du khách có cơ hội tiếp cận trực tiếp một số nét văn hóa cổ truyền của vùng đất tổ Phú Thọ, với hát xoan, vui chơi bắt chạch trong chum, làm bánh tai của người Việt, những điệu múa và trò chơi đi cà kheo thả đũa vào chai của người Cao Lan.

Hát xoan là một hình thức hát kết hợp múa, gắn với tục thờ cúng thần, diễn ra phía trước án nhang trong đình. Tháng 11/2011, hát xoan đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Tại Bảo tàng DTHVN, phường xoan An Thái sẽ trình diễn những điệu khác nhau. Điệu “trống quân” rộn ràng. Điệu “bỏ bộ” diễn tả các công việc hàng ngày của người nông dân. Điệu “chèo thuyền” thể hiện ước vọng bội thu của dân chài lưới trên sông Lô, sông Thao, sông Hồng.

Điệu “mời rượu” với ý nghĩa giao hòa trời đất và chúc phúc. Điệu “đúm” đối đáp rất sôi động và lôi cuốn giữa trai làng với các đào xoan. Điệu “xin huê đố chữ” thể hiện sự trao duyên giữa đào xoan với các chàng trai làng sở tại và khả năng giải chữ Hán Nôm của các cô đào. Điệu “mó cá” gửi gắm ước vọng sinh sôi nảy nở qua việc các cô gái giả làm lưới vây kín các chàng trai (ví như cá). Với hát xoan, du khách không chỉ xem trình diễn, mà còn có thể giao lưu với các đào xoan, thử mặc trang phục, chơi nhạc cụ và học cách múa hát của các đào xoan.

Cũng đến từ Phú Thọ, trò bắt chạch trong chum vui nhộn và hấp dẫn, gắn với tín ngưỡng phồn thực trong lễ hội, Tết Nguyên đán ở Tiên Du, huyện Phù Ninh. Các chàng trai cô gái người Cao Lan đến từ làng Ngọc Tân ở huyện Đoan Hùng góp vui bằng một số điệu múa của mình, như múa xúc tép, múa chim gâu, múa trống, đồng thời họ còn đem tới một trò vui thử tài khéo léo là đi cà kheo bỏ đũa vào chai.

Trong khi đó, phường rối nước Đồng Ngư ở Bắc Ninh biểu diễn các tích trò đặc sắc gắn với cuộc sống của người nông dân. Trong ngôi nhà người Việt, Câu lạc bộ UNESCO ca trù Hà Nội tổ chức hát ca trù, đồng thời tạo điều kiện cho khách thử hát và chơi nhạc cụ của ca trù. Ca trù cũng là một loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam đã được UNESCO xếp vào danh sách di sản văn hoá phi vật thể thế giới cần bảo vệ khẩn cấp từ năm 2009.

Du khách còn được tham gia múa sạp với những người Thái. Những người thích thư pháp có thể xin chữ nhân dịp đầu năm mới và tìm hiểu ý nghĩa của các chữ hay được xin, đồng thời có thể tự tay viết tặng con cái hay người thân một chữ với ngụ ý tốt lành. Những người yêu tranh tết thì gặp gỡ tranh Đông Hồ, dòng tranh nổi tiếng của người Việt ở Bắc Ninh, và cũng có thể tự tay thử in bức tranh mà mình thích.

Trong nội dung chương trình Vui xuân Nhâm Thìn 2012 có tới 16 trò chơi dân gian. Cùng với những trò chơi quen thuộc của người Việt khắp miền trong mỗi dịp lễ hội, Tết cổ truyền như pháo đất, đánh đu, kéo co, ô ăn quan, đi goòng, ném pao (Hmông), sắc màu, sỏi đá (Êđê), xua gà vào ổ (Thái).

Nhiều trò chơi được giới thiệu ở Bảo tàng còn nhằm cho thấy nét tương đồng và sự khác biệt giữa các tộc người, như cầu lông gà (Hmông, Pà Thẻn), đánh quay (Hmông, Dao, Nùng), ném còn (Thái, Tày), rồng rắn lên mây, nhảy  dây (Việt, Thái), đi cà kheo (Việt, Cao Lan)… Bên cạnh đó, tham gia hoạt động tìm hiểu 12 con giáp, các em nhỏ có thể nặn tò he, hoặc vẽ và tô tranh, có cả tô vẽ con giáp bằng gốm với sự hướng dẫn của thợ thủ công làng Bát Tràng.

Ẩm thực là một phần nội dung thú vị khác. Du khách được tìm hiểu cách làm bánh tai, một đặc sản của vùng Phú Thọ, cũng như bánh bác và bánh cuốn của vùng Đan Phượng, Hà Nội. Đây là cơ hội để thử làm bánh cùng những người dân đến từ hai địa phương đó và thưởng thức 3 loại bánh này. Không chỉ vậy, hương vị ẩm thực Tày xứ Lạng xuất hiện tại Bảo tàng trong dịp này thông qua những món ăn truyền thống do chính người Tày đến từ Lạng Sơn chế tác, như lợn quay, xôi màu, cơm lam, bánh sừng bò, bánh phồng, bánh chưng Tày.

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã trở thành địa chỉ quen thuộc cho đông đảo công chúng thích chơi xuân trong không khí đậm chất văn hoá dân gian và dân tộc. Những hoạt động của Bảo tàng vừa đáp ứng nhu cầu tham quan, vui chơi giải trí của du khách, vừa góp phần tích cực vào việc bảo tồn và phát huy di sản văn hoá của các dân tộc.

Bảo Châu